Ngô Quý Đăng (thứ 2 từ phải sang) cùng thầy giáo và đội tuyển trong thời gian chuẩn bị thi Olympic toán quốc tế năm 2020 - Ảnh: NVCC
Từng đề xuất từ năm 1990
Thầy Nguyễn Khắc Minh, người từng phụ trách tổ chức tuyển chọn, bồi dưỡng đội tuyển toán đi thi quốc tế của Bộ GD-ĐT, cho biết việc học sinh lớp 10, thậm chí lớp 9 (hệ 12 năm) của các nước dự thi Olympic toán quốc tế đã có nhiều rồi. Có những học sinh do tham dự lần đầu tiên năm 13-14 tuổi nên đã đạt kỷ lục 5 lần dự thi liên tục.
"Môn khác tôi không biết, nhưng với toán cách ra đề chú trọng phát huy trí thông minh, nhạy bén mà không nặng về kiến thức như ở kỳ thi Olympic quốc tế hoàn
toàn có thể cho phép học sinh vượt cấp, chưa học hết chương trình THPT tham gia. Chính vì thế mới có việc một học sinh chưa có bề dày kiến thức nhưng nhạy bén, có lời giải đơn giản, thông minh lại thành công" - thầy Khắc Minh chia sẻ.
Theo thầy Minh, từ năm 1973 VN đã có học sinh lớp 9 dự kỳ thi chọn học sinh giỏi toàn miền Bắc (lúc đó hệ 10 năm, học sinh lớp 9 tương đương lớp 11 bây giờ). Sau này, lác đác trong nhiều năm, đội tuyển VN dự thi Olympic quốc tế có học sinh lớp 11.
Thầy Minh kể khi được Bộ Giáo dục (nay là Bộ GD-ĐT) mời phụ trách vấn đề thi học sinh giỏi, ông đã đề xuất mở rộng cho cả học sinh lớp 10 tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, tạo tiền đề cho học sinh lớp 10 được vào đội tuyển dự thi quốc tế, nhưng đã không được chấp nhận. Lý do không chấp nhận là ngại học sinh bị áp lực quá.
"Đúng là với cách thức thi chọn học sinh giỏi quốc gia hiện nay thì sẽ khó có thể mở rộng cho đối tượng lớp 10, vì cách ra đề thi bám vào chương trình THPT gồm cả kiến thức lớp 10, 11, 12. Học sinh muốn lọt vào đội tuyển các tỉnh, thành để dự thi quốc gia và đoạt giải bắt buộc phải học đủ chương trình 3 năm. Lớp 10 muốn thi với lớp 12 thì không có cách nào khác là phải tăng tốc để học vượt, hoàn thành chương trình chỉ trong khoảng nửa năm. Việc này khiến nhiều học sinh không chịu được tải và đó không phải là cách đề bồi dưỡng, phát triển năng khiếu" - thầy Khắc Minh bày tỏ quan điểm. Nhưng ông vẫn cho rằng tạo cơ hội cho học sinh lớp 10 vào các cuộc thi đẳng cấp quốc tế là mong muốn của ông và nhiều người.
Theo thầy Khắc Minh, một trong những mục đích tham gia các kỳ thi đẳng cấp quốc tế là để học hỏi. Và lẽ ra cần học hỏi chính cách thức để thay đổi việc tổ chức thi học sinh giỏi quốc gia.
Cụ thể là mỗi môn học sẽ có những đặc thù, nên cần phải tách ra thành các kỳ thi chọn học sinh giỏi của từng môn chứ không nên gộp vào một kỳ thi chung. Điều quan trọng nhất là đề thi chọn học sinh giỏi phải là đề thi kích thích sáng tạo, thu hút những học sinh thông minh chứ không chỉ học nhồi nhét. Nếu đề thi thay đổi theo hướng các kỳ thi Olympic quốc tế thì những học sinh thông minh có thể tham dự để lọt vào vòng chọn học sinh đi thi quốc tế.
"Nếu không thi theo từng môn, tôi nghĩ nên tổ chức kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia riêng rẽ cho lớp 10, 11, 12. Sau đó vẫn chọn những học sinh xuất sắc từ các kỳ thi này vào đội tuyển thi quốc tế" - thầy Minh nói về đề xuất từng bị gạt đi của mình.
Cô giáo Vũ Thị Hạnh (bìa trái, Trường THPT chuyên Hùng Vương, Phú Thọ) từng mang học trò Nguyễn Thị Thu Nga về nhà chăm sóc và dạy cấp tốc hết chương trình THPT trong 2 tháng để Nga kịp dự thi chọn học sinh giỏi quốc gia, tiền đề cho việc lựa chọn vào đội tuyển Olympic sinh học quốc tế - Ảnh: VĨNH HÀ
Trường hợp Quý Đăng và những điều phải thay đổi
Quý Đăng là trường hợp mà GS-TS Lê Anh Vinh tiếp xúc từ khi cậu còn là học sinh THCS. Thầy Vinh chia sẻ: "Tôi đã khuyên Đăng đừng để tâm đến các kỳ thi khác trong quá trình học mà hãy để tâm tới việc luyện để đi thi quốc tế vì Đăng thông minh, có tố chất đi xa hơn. Nhưng tiếc rằng trong hệ thống giáo dục hiện nay, nhiều học sinh có năng khiếu đặc biệt vẫn bị phân tâm bởi những quy định khác nhau về học hành, thi cử, để lãng phí thời gian".
Thầy Nguyễn Vũ Lương, chủ tịch hội đồng khoa học Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) nơi Quý Đăng đang học, cho biết Quý Đăng là học sinh nổi trội, có thể thấy ngay khi em mới vào lớp 10. Điểm đặc biệt là Quý Đăng "văn hay", có nghĩa có cách trình bày đẹp, sáng sủa.
Thầy Lương kể: "Dù nhận định Quý Đăng như thế, chúng tôi cũng rất lo khi quyết định đưa Đăng vào diện bồi dưỡng để thi quốc tế ngay từ năm lớp 10 và đây cũng là điều phải vất vả để thuyết phục Bộ GD-ĐT đồng ý. Được đồng ý rồi thì lại lo vì tôi từng biết đã có học sinh lớp 10 được xin thi vượt cấp nhưng không thành công. Bản thân học sinh phải chịu tải nặng, lại thất bại nên bị "gãy" luôn. Thế nên đến lượt Quý Đăng, các thầy bồi dưỡng vừa phải dạy vừa nghe ngóng. Thật may Quý Đăng là cậu bé rất trong sáng, vô tư, không bị áp lực phải có thành tích. Chính tâm lý thoải mái và tư duy nhạy bén của một học sinh chưa bị nạp quá nhiều kiến thức giúp Quý Đăng có thành công".
Còn Quý Đăng nhớ lại: "Vì mới học lớp 10, còn thiếu kiến thức nên tôi không chọn cách phức tạp mà chọn con đường đơn giản nhất. Từ chuyện này tôi thấy nhược điểm của "lớp 10" cũng là ưu điểm". Nhưng Quý Đăng cũng tự nhận cậu "có yếu tố may mắn" vì cậu yếu về hình nhưng đề thi của cậu phần hình lại dễ.
Dĩ nhiên là những học sinh thông minh như Quý Đăng còn có thể tiến xa nếu có được môi trường tốt. Nhưng điều Quý Đăng tự nhận cũng trùng hợp với đánh giá của thầy Khắc Minh khi cho rằng không thể yên tâm với thành tích khi có "thời tiết thuận lợi" (đề thi hợp sở trường) mà muốn ổn định phong độ, nhất là với trường hợp những học sinh vượt cấp như Quý Đăng thì cần có chương trình bồi dưỡng năng khiếu phù hợp.
Trong năm 2020 không chỉ Quý Đăng mà trường hợp khác là Nguyễn Thị Thu Nga (môn sinh) cũng là học sinh lớp 10 đầu tiên ở môn sinh dự thi Olympic quốc tế. Để đủ điều kiện thi vào đội tuyển và dự thi chọn học sinh giỏi quốc gia theo cách ra đề hiện nay của Bộ GD-ĐT, cô giáo của Thu Nga phải tăng tốc cho Nga học trước chương trình THPT trong 2 tháng hè. Đây là khoảng vượt khó mệt mỏi nhất của những học sinh vượt cấp. Vì nếu không trải qua các kỳ thi trong nước và vòng loại thì những học sinh có năng khiếu đặc biệt cũng không thể đứng trong đội tuyển đi thi quốc tế. Và những học sinh như Quý Đăng, Thu Nga mất nhiều thời gian cho những bước đệm thay vì trau dồi để có sự nhạy bén chinh phục những bài thi phát huy óc sáng tạo.
Theo thầy Nguyễn Vũ Lương, sau trường hợp Ngô Quý Đăng nhà trường đang thiết kế chương trình để nuôi dưỡng những tài năng từ lớp 10 tạo nguồn cho kỳ thi quốc tế. Nhưng việc này sẽ vẫn có những cản trở nếu Bộ GD-ĐT không nhìn nhận và có chương trình bồi dưỡng nhân tài thực sự thay vì duy trì hệ thống trường chuyên - thực chất chỉ là trường chất lượng cao như hiện nay.
Thành công cũng là áp lực
"Việc mở rộng cho cả học sinh lớp 10, 11 trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, quốc tế là cơ hội tốt cho những học sinh có sức học vượt trội khẳng định năng lực của mình. Tôi cho rằng giới hạn độ tuổi cho những cuộc thi dành cho học sinh xuất sắc cần mở rộng đến các học sinh bậc THCS như xu thế ở nhiều quốc gia. Thực tế trong các kỳ thi Olympic quốc tế đã xuất hiện nhiều học sinh ở độ tuổi rất trẻ. Nhưng cùng với đó, cần phải có chương trình giáo dục đặc biệt cho những học sinh thực sự đặc biệt" - GS.TS Lê Anh Vinh, phó viện trưởng phụ trách Viện Khoa học giáo dục Việt Nam.
TTO - Năm 2013 là một trong những mốc đáng nhớ trong lịch sử thi Olympic toán học quốc tế (IMO) của đội tuyển VN khi bước vào năm thứ 2 của cuộc 'lội ngược dòng' từ vị trí chạm đáy năm 2011 với áp lực đè nặng.