Ngày 23.9, Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai cho biết đã có văn bản gửi đến 4 doanh nghiệp FDI có hoạt động trên địa bàn: gồm Công ty TNHH CJ Vina Argi - Chi nhánh Đồng Nai; Công ty cổ phần C.P. Việt Nam, Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam và Công ty TNHH Sunjin Vina, yêu cầu tạm ngưng chăn nuôi gia công với 328 trang trại.
Văn bản cho biết sau 4 tháng tiến hành tổng kiểm tra các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn, qua rà soát hồ sơ, kiểm tra thực tế của các địa phương cho thấy có tổng cộng 328 trang trại có hợp đồng nuôi gia công cho 4 doanh nghiệp FDI kể trên chưa được cấp thủ tục môi trường.
Vì vậy, Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai yêu cầu 4 công ty trên tạm ngưng hoạt động chăn nuôi gia công tại trang trại của các cơ sở, hộ chăn nuôi chưa được cấp giấy phép môi trường, xác nhận đăng ký môi trường của cơ quan có thẩm quyền. Việc thả đàn chăn nuôi gia công chỉ được tiếp tục sau khi các chủ cơ sở, hộ gia đình bổ sung thực hiện thủ tục môi trường và được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.
Theo Sở NN-PTNT, Đồng Nai là địa phương có quy mô đàn heo và gà lớn của cả nước. Cụ thể tổng đàn heo khoảng 2,6 triệu con, trong đó chăn nuôi trang trại chiếm khoảng 90% tổng đàn với 1.019 trang trại (205 trang trại quy mô lớn, 402 trang trại quy mô vừa, 412 trang trại quy mô nhỏ); chăn nuôi nông hộ chiếm khoảng 10% tổng đàn với 6.340 hộ.
Tổng đàn gà khoảng 22,5 triệu con, trong đó chăn nuôi trang trại chiếm khoảng 91% tổng đàn với 338 trang trại (62 trang trại quy mô lớn, 146 trang trại quy mô vừa, 130 trang trại quy mô nhỏ); chăn nuôi nông hộ chiếm khoảng 9% tổng đàn, với khoảng 17.107 hộ.
Đồng Nai là địa phương phát triển nghề chăn nuôi lâu đời, được xem là thủ phủ heo của cả nước. Nhưng do giá cả bấp bênh, dịch bệnh, nhiều năm qua người dân Đồng Nai dần chuyển sang hình thức chăn nuôi gia công cho các doanh nghiệp FDI để tránh thua lỗ.