Đề án “Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam” được Bộ KH&ĐT tổ chức hội thảo lấy ý kiến chiều 12-3.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chủ trì và ở phần khai mạc ông nói khái quát về ba thành phần kinh tế ở Việt Nam Hiện nay. “FDI vẫn phải thu hút nhưng phải kết nối với doanh nghiệp (DN) trong nước. DN nhà nước phát tiển nhưng cũng kết nối với tư nhân để “ông nào đi đầu, dẫn dắt, lan toả”. Việc FDI đi một đường do có chuỗi cung ứng riêng, DN nhà nước làm cả những việc DN tư nhân làm đã khiến DN tư nhân không có cửa”.
Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Phan Đức Hiếu nói đến nay, nhà nước ngày càng thu hẹp để đóng vai trò là nhà đầu tư, hướng tới xã hội hóa và mở cửa cho tư nhân. Tuy thế, hạn chế lớn ở đây là việc phân bổ nguồn lực cho ngành, cho địa bàn lại chưa đúng mực tiêu.
Phó viện trưởng CIEM Phan Đức Hiếu nói để kinh tế tư nhân phát triển vừa phải thay đổi tư duy, vừa phải thay đổi công cụ, phương pháp quản lý. Ảnh: MPI
Việc chuyển đổi tư duy “từ tiền kiểm sang hậu kiểm” dù đã được tiến hành nhưng vẫn rất “cơ học” và nhiều khi còn khiến DN sợ hơn vì gặp rủi ro nhiều hơn.
Đơn cử như dù từ 2017, Thủ tướng đã có chỉ thị mỗi năm thanh tra, kiểm tra DN một lần/năm, nhưng nhiều DN nói họ vẫn bị kiểm tra nhiều lần, kể cả trong thời gian COVID-19.
Bởi vậy, vấn đề quan trọng là việc thực thi pháp luật phải làm cho người dân không hồi hộp. Mỗi quy định pháp luật cần phải “tiên liệu” được. Cũng vì thế mà nếu chỉ có thay đổi tư duy thì khó toàn diện, cần phải có cả sự thay đổi về công cụ và phương thức quản lý.
Chẳng hạn như việc phân bổ nguồn lực phải dựa trên chính sách tương xứng nhằm thúc đẩy phát triển dài hạn, bao trùm và bền vững. Thanh tra, kiểm tra thì cần phải trở thành trọng tâm cải cách trong thời gian tới, theo hướng giúp DN tuân thủ pháp luật chứ không phải là “đào thải hay trừng phạt”.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng đồng tình và cho rằng: nhà nước cần tạo lập được môi trường cạnh tranh thực sự bình đẳng, lành mạnh để kinh tế tư nhân thành động lực quan trọng của nền kinh tế, bên cạnh việc phát huy vai trò tích cực của các DN nhà nước, FDI và DN lớn. Muốn đực như vậy thì tăng cường các thể chế của thị trường là quan trọng nhất.
Chuyên gia Phạm Chi Lan nói Nhà nước cần phải tạo được môi trường cạnh tranh thực sự bình đẳng, bỏ "xin-cho". Ảnh: MPI
Bà Lan nói: “Bỏ cái “xin-cho” đi. Tôi làm đúng sao phải cứ báo cáo. Bỏ “xin-cho” trong phân bổ nguồn lực đi”.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ niềm trăn trở về văn hóa liên kết khi mà “người Việt không liên kết được với người Việt, DN nhỏ với DN nhỏ, DN nhỏ với DN lớn… Ngay cả trong nội bộ DN cũng không liên kết với nhau”. Ông cho rằng liên kết lỏng lẻo và yếu thì chỉ “vài bữa thì đổ ngay”.
Ở góc độ quản lý, Bộ trưởng cho rằng “không thay đổi được thái độ của nhà nước đối với kinh tế thì khó phát triển. Còn với DN, Bộ trưởng cho rằng giàu một tí thì nghĩ ngay đến mua vàng, đất, đầu cơ chứ không đầu tư vào công nghệ, phát triển lên tầm mới.
Khu vực kinh tế tư nhân, theo Bộ trưởng Dũng, đang còn nhiều vướng mắc, “tạm gọi là rào cản, nút thắt, điểm nghẽn mà chúng ta chưa tháo gỡ, khơi thông được, chưa giải phóng được nguồn lực từ tư nhân mặc dù nguồn lực này rất lớn”. Đó là khả năng tiếp cận vốn, đất đai, mặt bằng của các DN nhỏ rất hạn chế, hơn nữa là bản thân họ chưa sẵn sàng.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng: cần phải có môi trường đầu tư an toàn để người dân đem tiền đầu tư thay vì đi mua vàng, USD. Ảnh: MPI
Bộ trưởng cho rằng, “phải thay đổi từ tư duy”, tạo sự thân thiện, đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư. Công tác xây dựng thể chế phải thay đổi theo hướng kiến tạo để DN phát triển. “Làm thế nào khơi thông, giải phóng điểm nghẽn, nguồn lực, làm thế nào để DNNVV phát triển, nhà đầu tư yên tâm đầu tư thay vì mua vàng, USD?”, Bộ trưởng Dũng đặt câu hỏi.
Ông còn nói: “Tôi rất sốt ruột. Chúng ta có thể không vượt qua bẫy trung bình nếu không thay đổi nhanh. Theo đánh giá của World Bank, cơ hội chỉ còn 10 năm nữa thôi vì đây là giai đoạn dân số vàng, đến năm 2030 bắt đầu chuyển sang già hóa dân số”.