Các cửa hầm dẫn vào hệ thống hầm sâu chi chít dưới lòng đất để phục vụ khai thác vàng - Ảnh: T.B.D.
Những hầm vàng bề thế, xuyên chi chít như hệ thống địa đạo chui sâu dưới lòng đất đang âm thầm làm rỗng ruột rừng xanh. Tỉnh Quảng Nam đang lên kế hoạch dùng bộc phá, huy động quân đội và công an đánh sập các hầm vàng, trả sự bình yên về tự nhiên.
Đuổi bắt nhưng chẳng ăn thua
Ngày 13-3, chúng tôi theo chân đoàn công tác của tỉnh Quảng Nam ngược lên các bãi vàng nằm sâu trong lõi Vườn quốc gia Sông Thanh. Để tiếp cận các vị trí này, chỉ có con đường độc đạo từ lòng hồ thủy điện dùng thuyền đi ngược lên hướng tây và đi bộ thêm khoảng 3 giờ đồng hồ.
Con suối Tà Vạt chảy qua các cánh rừng già vốn tinh khiết, trong xanh nhưng nay đỏ quạch bởi bùn thải từ các bãi rửa vàng. Hai bên bờ suối, cây cối bị héo rũ, cát mịn màu đen sẫm từ quá trình rửa vàng bám dọc các khe đá.
Có mặt tại các bãi vàng, dễ nhận thấy hầu hết các hầm vàng còn dấu vết rất mới. Nhiều lán trại, máy móc phục vụ đãi rửa vàng được bỏ lại, nhiều máy bơm bằng dầu diesel đã bị các lực lượng dùng xăng đốt cháy. Tại đây suốt từ cuối năm 2020 tới nay, hàng chục kiểm lâm được trang bị công cụ hỗ trợ phải cắm lán, dựng lều ăn ngủ tại chỗ để ngăn không cho vàng tặc quay trở lại.
Giám đốc Vườn quốc gia Sông Thanh Đinh Văn Hồng cho biết suối Tà Vạt kéo dài từ hồ thủy điện ở hướng huyện Nam Giang ngược qua tới khu vực Thạnh Mỹ 1, 2 khoảng 5km. Hai bên dọc suối này nhiều năm nay đang oằn mình bởi gần 100 hầm vàng, tất cả đều dẫn về "vỉa" vàng duy nhất nằm sâu dưới lòng đất.
"Anh em chúng tôi có thấy các đối tượng khai thác vàng thì cũng chịu, không có cách gì bắt được vì các đối tượng chui sâu xuống hầm, mình đón bên này thì họ lại qua bên kia. Kiểm lâm không thể rành đường hầm bằng người khai thác vàng được" - ông Hồng nói.
Việc "đuổi, bắt" giữa lực lượng chức năng và các nhóm vàng tặc diễn ra thường xuyên, nhưng mọi việc chẳng đi đến đâu bởi rừng già rậm rạp, hàng trăm lối mòn được mở. Khi kiểm lâm, công an rút ra thì các đối tượng lại tràn vào.
Chủ tịch UBND huyện Nam Giang A Viết Sơn cho biết nhiều lần huyện huy động công an, quân đội, kiểm lâm vào truy quét nhưng thấy có động là các đối tượng bỏ máy móc chạy lên rừng sâu. Lực lượng chức năng đứng dưới bãi vàng nhìn ngược lên rừng mà bất lực.
Trực 24/24 giờ chờ ngày giật sập bãi vàng
Trưa 13-3, ông Trần Duy Minh - kiểm lâm viên hạt kiểm lâm Vườn quốc gia Sông Thanh - cho biết hiện có nhiều chốt được kiểm lâm đóng giữa rừng để đợi tỉnh Quảng Nam lên phương án dùng thuốc nổ giật sập các hầm vàng. Theo ông Minh, trước khi kiểm lâm vào đóng chốt, việc khai thác vàng còn diễn ra rầm rộ hơn.
Ông Đinh Văn Hồng cho biết hàng trăm đối tượng thuộc các nhóm khác nhau, chủ yếu là người Quảng Nam, người từ các tỉnh phía Bắc như Thái Nguyên, Cao Bằng nhiều năm nay đã phân chia các vị trí rồi đào hầm, dựng lán dọc các khe suối. Rất nhiều đối tượng trong số này bị nghiện ngập, truy nã. Thậm chí, để phục vụ các nhóm khai thác vàng này nhiều người dân còn dựng cả tiệm tạp hóa, mở các dịch vụ đi kèm giữa rừng.
Ông Hồ Quang Bửu - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - khi trực tiếp kiểm tra hiện trường các mỏ vàng ngày hôm qua đã nói việc khai thác vàng trái phép ngay trong vườn quốc gia không chỉ làm mất an ninh trật tự, là tụ điểm của các đối tượng có lý lịch không rõ ràng mà còn làm rỗng ruột rừng, tàn phá nhiều cây cối, gây ô nhiễm môi trường tự nhiên. Ông Hồ Quang Bửu cho rằng nếu để vàng tặc quay trở lại thì rừng sẽ bị tác động nghiêm trọng.
"Tôi yêu cầu hạt kiểm lâm Vườn quốc gia Sông Thanh, các đơn vị phải bố trí lực lượng túc trực. Dù 1 tháng, 2 tháng hay lâu hơn nữa, nhất quyết phải có người ở đây để ngăn không cho vàng tặc quay trở lại, chờ tỉnh huy động lực lượng vào đánh sập các hầm vàng" - ông Bửu yêu cầu.
Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam, Vườn quốc gia, Công an tỉnh và Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam cùng các sở ngành đã thống nhất phương án dùng bộc phá cài sâu vào lòng đất để giật sập các hầm vàng hiện có.
Theo ước tính, cần ít nhất trên 3 tấn thuốc nổ và sự có mặt của quân đội mới đánh sập được hệ thống hầm vàng này. Ông Hồ Quang Bửu cho biết tỉnh sẽ đề nghị Quân khu 5, Bộ Quốc phòng hỗ trợ để triệt phá dứt điểm các bãi vàng, sau khi xử lý xong sẽ bố trí lực lượng công an, kiểm lâm chốt chặn để ngăn các đối tượng không quay trở lại.
TTO - 23 năm qua không chút manh mối nào về người em, người cha mất tích khi đi đào vàng, một gia đình ở huyện Thanh Chương, Nghệ An đã tuyệt vọng nghĩ sẽ không còn gặp lại được người thân. Cho đến một ngày...