Ngày 25/7/1998, người dân làng Sonobe, thành phố Wakayama tấp nập tham gia các hoạt động giải trí trong lễ hội mùa hè được tổ chức thường niên. Khi đã thấm mệt, mọi người xếp hàng trước nồi cà-ri lớn để lấy phần ăn ngay tại chỗ hoặc mang về nhà cho người thân.
Như nhiều người hôm ấy, Megumi Kagawas, 34 tuổi, không thấy điều gì bất thường với món cà-ri. "Món này khá ngon. Vị hơi cay một xíu nhưng cà-ri vốn phải nóng sốt như vậy", cô nói. Nhưng ít lâu sau khi về nhà, Megumi bỗng cảm thấy khó chịu trong bụng và bắt đầu nôn mửa. Gương mặt cô sưng phù như quả bóng bay.
Nhiều người khác trong vùng cũng mắc phải triệu chứng tương tự. Trong số này có ông Takatoshi Taninaka (64 tuổi), chủ tịch hội dân cư trong làng, người được vợ tìm thấy nằm ôm ngực và gục trên sofa.
Cả ngày hôm ấy, tiếng còi xe cứu thương vang lên không ngớt trên đường từ nhà những người đã ăn món cà-ri tới bệnh viện. Qua hôm sau, tổng cộng 63 người trong khu vực phải nhập viện, bốn người khác tử vong gồm chủ tịch và phó chủ tịch hội dân cư, thiếu nữ 16 tuổi, và bé trai 10 tuổi. Sự việc được bác sĩ chẩn đoán là vụ ngộ độc thực phẩm diện rộng.
Tin tức về vụ ngộ độc ở thành phố Wakayama mau chóng lan ra khắp nước Nhật. Mọi người đều không thể tin được tại sao sự việc nghiêm trọng như vậy có thể xảy ra. Rất đông cảnh sát được phái tới làng Sonobe để làm rõ nguyên nhân vụ ngộ độc, theo sau là hàng trăm phóng viên đưa tin.
Bệnh viện địa phương là điểm dừng chân đầu tiên trong cuộc điều tra. Ban đầu, chất gây ngộ độc bị cho là xyanua nhưng một tuần sau được xác định lại là thạch tín. Theo chuyên gia y tế, nồi cà-ri ăn chung có thể đã bị rắc ít nhất một kg bột thạch tín, lượng chất có thể giết chết hơn 1.000 người. Vụ ngộ độc chính thức trở thành vụ điều tra án mạng với chứng cứ duy nhất là chiếc cốc giấy bị vứt gần nơi nấu cà-ri, bên trong có bám lượng nhỏ thạch tín.
Trong lúc cảnh sát điều tra, tin đồn mau chóng lan đi khắp làng Sonobe. Sự nghi ngờ của người dân đổ dồn vào căn nhà lớn bên cạnh con suối của làng, nơi Masumi Hayashi (sinh năm 1961) và chồng Kenji Hayashi sống cùng bốn đứa con.
Theo người làng, vợ chồng Hayashi sống xa cách cộng đồng. Căn nhà của họ có diện tích lớn nhất làng với khu vườn rộng. Khi lái chiếc BMW, người vợ Masumi thường thiếu kiên nhẫn và bóp còi những người đi trước. Một số người phàn nàn chị ta hay vứt rác xuống sông.
Nguồn gốc sự giàu có của gia đình Hayashi cũng rất khó lý giải vì cả hai vợ chồng đều bị tai nạn từ vài năm trước và gặp khó khăn khi đi lại. Masumi làm nghề bán bảo hiểm, Kenji thất nghiệp nhưng trước đó chuyên nhận diệt mối mọt, nghề nghiệp có dùng tới thạch tín. Đây cũng là chi tiết khiến cảnh sát tập trung vào gia đình Hayashi.
Quá trình tìm hiểu, cảnh sát phát hiện hai người đàn ông từng được vợ chồng Hayashi mời cơm tại nhà đều lần lượt phải nhập viện. Xét nghiệm cho thấy có dấu vết thạch tín trong tóc của cả hai người. Vì một trong hai người đàn ông này mua bảo hiểm y tế của Masumi, chị ta nhận được 5 triệu yên Nhật tiền đền bù.
Cảnh sát càng đào sâu, càng nhiều trường hợp lừa đảo bảo hiểm được phanh phui. Cuối cùng, nhà chức trách kết luận từ tháng 10/1993 tới cuối năm 1997, Masumi và chồng Kenji tự gây thương tích và khai báo gian dối mức độ nghiêm trọng để chiếm đoạt hơn 150 triệu yên Nhật tiền đền bù bảo hiểm.
Đầu tháng 10/1998, Masumi và Kenji bị bắt về cáo buộc lừa đảo bảo hiểm. Cả hai vợ chồng sau đó đều bị kết án và Kenji bị phạt 6 năm tù. Tuy vậy, sự chú ý của công chúng đều dành trọn cho phiên tòa xử Masumi về hành vi bỏ độc nồi cà-ri.
Tháng 5/1999, Masumi bị đưa ra xét xử về tội Giết người. Theo công tố viên, Masumi từ trước đã có lòng ghét bỏ người dân làng Sonobe vì bị xa lánh. Trong lúc chuẩn bị cho lễ hội, chị ta vẫn bị hàng xóm hắt hủi nên nổi giận và bỏ thạch tín vào nồi cà-ri.
Trong nhà hai vợ chồng có chứa loại thạch tín cùng loại độc trong nồi cà-ri và trong chiếc cốc giấy ở hiện trường. Tóc của Masumi cũng có "độ tập trung thạch tín cao". Theo nhân chứng, Masumi có tham gia chuẩn bị cho ngày hội. Chị ta từng mở vung nồi cà-ri và thậm chí có khoảng 40 phút ở một mình trong bếp.
Tại tòa, Masumi kêu oan. Luật sư bào chữa cũng lập luận chứng cứ của công tố viên đều chỉ là chứng cứ gián tiếp.
Dù vậy, Masumi vẫn bị tòa án thành phố Wakayama tuyên phạm tội giết người trong vụ bỏ độc vào nồi cà-ri. Ngoài ra, chị ta còn bị kết án trong ba vụ đầu độc khác được thực hiện với hai người khách và với chính chồng mình trong khoảng tháng 2/1997-tháng 3/1998. Động cơ gây án trong cả ba vụ đều được cho là vì tiền bảo hiểm.
Sau khi bị tuyên tử hình, Masumi Hayashi kháng cáo lên tòa tối cao nhưng bị bác bỏ. Từ năm 2009 tới năm 2020, bà ta nhiều lần đệ đơn yêu cầu tái thẩm nhưng đều bị từ chối. Tới nay, Masumi vẫn khẳng định không phạm tội.
Quốc Đạt (Theo The Independent, The Japan Times)
Xem thêm: lmth.6349424-ioh-el-gnort-gnal-nad-cod-ah/ten.sserpxenv