Năm 2009, Ronald Ball đâm đơn kiện hãng Pepsi sau khi phát hiện một con chuột chết trong chai Mountain Dew mà anh mua từ cây bán hàng tự động. Cụ thể, khi mở chai nước còn "nguyên đai nguyên kiện", anh phát hiện một mùi hôi nồng nặc. Hóa ra bên trong là một con chuột chết. Theo luật sư, Ball đã bị ngộ độc và phải điều trị trong vài ngày. Chính vì vậy, anh đòi khoản bồi thường từ 50.000 USD đến 75.000 USD.
Tuy nhiên, Pepsi cũng không phải "dạng vừa" bởi họ có một đội ngũ luật sư hạng A tốt nghiệp Ivy League (nhóm các trường đại học xuất chúng nhất nước Mỹ). Họ đã đáp trả đơn kiện của Ball bằng những lập luận không thể xác đáng hơn, đem lại chiến thắng cho gã khổng lồ giải khát.
Một chai Mountain Dew.
Thế nhưng trớ trêu thay, chính sự xuất sắc của họ đã làm lộ ra một lỗ hổng khủng khiếp trong sản phẩm Mountain Dew. Vụ kiện giữa Ball và Pepsi được coi là một trong những vụ kiện hấp dẫn nhất trong lịch sử của các thương hiệu nước ngọt.
Dưới đây là toàn cảnh vụ việc:
Trước tòa, luật sư của Ball đã trình bày về việc anh bị ngộ độc ra sao đồng thời đưa ra bằng chứng về sự xuất hiện của con chuột trong chai Mountain Dew. Họ còn dẫn lời kể của bạn bè Ball về việc anh bị ngộ độc sau khi uống chai nước ngọt đó.
Tuy nhiên, điều mà Ball và nhóm của mình quên mất là khoa học! Trong thời gian dài, ngay cả loại axit nhẹ cũng có thể ăn mòn. Ví dụ, dạ dày của chúng ta điều chỉnh độ axit cho phù hợp với chất chứa bên trong. Trong khi đó, chuột không có khả năng chống axit và Mountian Dew thì có độ PH là 3 (có tính axit).
Như vậy, thay vì tranh luận về các tiêu chuẩn an toàn sản xuất của Pepsi, luật sư của công ty lập luận rằng sẽ không thể phát hiện ra một con chuột còn nguyên hình dạng trong chai Mountain Dew.
Thí nghiệm cho thấy nếu một con chuột nằm trong chai Mountain Dew thì chỉ cần từ 4 - 7 ngày sau là nó sẽ bị ăn mòn đến tận xương. Bên cạnh đó, hệ tiêu hóa và phần đầu của nó cũng mục ruỗng nên không thể có hình dạng như khi Ball phát hiện. Theo nhà nghiên cứu y học Lawrence Gill, trong vòng 30 ngày, toàn bộ con chuột sẽ biến thành một chất "giống như thạch".
Một vấn đề nữa, luật sư của Pepsi đã chứng minh qua hồ sơ sản xuất rằng chai nước được đóng chai từ 15 tháng trước khi Ball uống. Hơn nữa, con chuột mà anh ta tìm thấy chỉ mới khoảng 4 tuần tuổi. Cuối cùng, khám nghiệm tử thi hệ hô hấp của con chuột cho thấy khi nằm trong dung dịch Mountain Dew thì nó đã chết và từng tiếp xúc với không khí trước khi chết.
Vụ kiện giữa Ball và Pepsi đã trở nên rất nổi tiếng.
Như vậy, trừ khi có một phép màu nào đó, việc con chuột xuất hiện trong chai Mountain Dew như lời Ball cáo buộc là hoàn toàn không có khả năng. Vụ kiện kết thúc với chiến thắng dành cho Pepsi.
Nếu nghĩ rằng điều này tốt cho Pepsi thì bạn nên nghĩ lại bởi thực tế không hoàn toàn như vậy!
Do sự đáp trả của đội ngũ luật sư quá thông minh nên vụ kiện đã thu hút được rất nhiều sự chú ý không mong muốn đến thương hiệu Pepsi. Mọi người bắt đầu kháo nhau rằng Mountain Dew không có lợi cho sức khỏe bởi nó có thể hòa tan cả một con chuột.
Tệ hơn nữa, trong vụ án với Ball, Pepsi đã đưa ra bằng chứng khoa học rằng tác dụng ăn mòn của Mountain Dew vượt trội so với mọi loại đồ uống khác. Khi biết điều đó, rất nhiều người tiêu dùng đã tỏ ra lo lắng trước tác động của loại đồ uống này. Một chuyên gia nha khoa cho biết Mountain Dew có hại cho răng gấp 6 lần so với các loại soda khác, phần lớn là do các chất phụ gia tạo hương vị và tính axit.
Một người khác đã nhắc đến "Mountain Dew Teeth", một hiện tượng phổ biến ở nhiều vùng nông thôn ở Nam Mỹ khi người dân có hàm răng mất thẩm mỹ do chăm sóc răng miệng kém và uống nhiều Mountain Dew. Sau vụ kiện của Ball và Pepsi, không ít người tiêu dùng tuyên bố sẽ không uống Mountain Dew để bảo vệ hàm răng của mình.
Có thể nói, tuy đem lại chiến thắng cho Pepsi trong vụ kiện nhưng những gì mà nhóm luật sư của công ty đưa ra lại không khác gì một chiến dịch marketing thất bại. Một chuyên gia nhận định: "Bằng chứng của Pepsi rất thuyết phục nhưng nó chẳng khác gì một ‘viên đạn bạc’ (phương án giải quyết hiệu quả ngay tức khắc) phá vỡ tất cả".
Trong xã hội vẫn tồn tại những người không muốn làm việc mà vẫn có tiền, nguồn cơn của không ít vụ kiện phi lý nhằm đòi bồi thường từ các doanh nghiệp lớn. Năm 2013, một người phụ nữ ở Tampa đã kiện Minute Maid vì phát hiện một con chuột trong lon nước đông lạnh của mình. Thậm chí người này còn tuyên bố rằng cô đã bị chứng PTSD (rối loạn tâm thần có thể phát triển sau khi một người trải qua một sự kiện gây sốc nào đó) và phải dùng thuốc điều trị.Sau này, khi điều tra kỹ hơn mới phát hiện cô ta cố tình nhét con chuột vào trong lon nước.
Qua hai vụ kiện trên, nhiều người đặt ra câu hỏi liệu chuột hay các loại côn trùng có thể chui vào chai nước đóng chai hay không? Câu trả lời là không bởi các nhà máy đóng chai nước ngọt thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn chúng xâm nhập vào sản phẩm. Hơn nữa, nếu chúng có lọt vào trong thì người uống cũng khó phát hiện ra bằng mắt thường bởi chúng đã bị hòa tan trong dung dịch.
Nguồn: Tổng hợp
Gia Vũ
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị