Chiều 18-3, Thiếu tướng Trần Đức Tài, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, đã chủ trì buổi họp báo thông tin về việc cấp và quản lý căn cước công dân (CCCD) của Công an TP. Ông Tài cho biết đây là thời gian cao trào trong chiến dịch cấp CCCD có gắn chip cho người dân TP.
Người dân làm CCCD có gắn chip trên ô tô lưu động của Công an TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN TÂN. Mời độc giả dùng camera điện thoại quét mã để tìm hiểu quy định làm CCCD (ảnh nhỏ).
Tiếp nhận hơn 200.000 hồ sơ
Thượng tá Huỳnh Thị Thu Trang, Phó Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06), Công an TP.HCM, cho biết TP.HCM được Bộ Công an giao chỉ tiêu phấn đấu đến ngày 30-4 phải hoàn thành cấp CCCD cho gần 4,2 triệu nhân khẩu trong diện cấp CCCD (trong đó có hơn 2,7 triệu nhân khẩu thường trú và gần 1,5 triệu nhân khẩu tạm trú).
Theo đó, khi triển khai cấp CCCD có gắn chip, từ ngày 1-1, Phòng PC06, Công an TP Thủ Đức và 21 quận, huyện đã ưu tiên tập trung cấp phát cho cán bộ lão thành cách mạng, bà mẹ Việt Nam anh hùng, người có công với cách mạng, cán bộ hưu trí, lực lượng vũ trang, cán bộ, công nhân viên chức, lãnh đạo cấp ủy chính quyền các cấp, cơ sở tôn giáo, trung tâm bảo trợ xã hội…
Hiện nay, công an đang tập trung toàn lực lượng cấp CCCD cho công dân trên địa bàn TP.
Tính đến ngày 16-3, Công an TP.HCM đã tiếp nhận 212.510 hồ sơ cấp CCCD có gắn chip cho người dân trong diện cấp CCCD, đạt tỉ lệ 5,1%. Hiện đã hoàn chỉnh 41.288 thẻ CCCD có gắn chip để trả cho công dân.
“Theo thông tin của Cục C06, về trang thiết bị, phương án in thẻ của cục đã hoàn chỉnh, đảm bảo một ngày in hơn 500.000 thẻ để trả cho người dân 63 tỉnh, thành” - Thượng tá Trang nói thêm.
Thượng tá Trang cũng thông tin hiện nay Công an TP.HCM đã giao chỉ tiêu cấp CCCD có gắn chip cho từng đơn vị, làm sao phấn đấu một trạm cấp phát CCCD đạt 300 hồ sơ/ngày.
Công an TP.HCM có hai xe lưu động cấp CCCD gắn chip. Ảnh: NGUYỄN TÂN
Khuyến khích người dân tạm trú về tỉnh lân cận làm CCCD
Thượng tá Huỳnh Thị Thu Trang cho biết từ ngày 1-1 đến 1-7-2021, chúng tôi thực hiện cấp CCCD ưu tiên các diện: Người đủ 14 tuổi trở lên chưa được cấp CCCD, đang sử dụng CMND chín số; người đã có CCCD, CMND chín số, 12 số nhưng hết hạn sử dụng, mất, có thay đổi thông tin nhân khẩu cần phải cấp lại thẻ CCCD.
Trước mắt, theo phương án của Công an TP, ưu tiên cấp cho nhân khẩu thường trú trước và tạm trú sau. Khuyến khích công dân tạm trú trên địa bàn TP nhưng có hộ khẩu thường trú ở địa bàn giáp ranh TP có thể trở về địa phương để được cấp kịp thời.
“Nói như vậy không có nghĩa là chúng tôi không cấp cho người tạm trú mà đang rà soát tất cả thông tin của người tạm trú trên địa bàn TP, phối hợp với Cục C06 sớm hỗ trợ cấp sớm nhất cho người tạm trú trong chiến dịch này luôn” - Thượng tá Trang nói.
Vị này thông tin thêm: Những công dân sử dụng CMND 12 số, CCCD mã vạch vẫn có giá trị sử dụng. Sau ngày 1-7 sẽ cấp đổi CCCD mã vạch sang CCCD gắn chip cho toàn công dân TP.
Hiện Công an TP tổ chức cấp CCCD có gắn chip tại trụ sở Phòng PC06, trụ sở Công an TP Thủ Đức và 21 quận, huyện. Ngoài ra, Công an TP Thủ Đức và 21 quận, huyện cũng tổ chức cấp CCCD lưu động tại địa bàn phường, xã, thị trấn từ hai điểm lưu động trở lên. Thời gian cấp phát thực hiện từ 7 giờ đến 22 giờ tất cả ngày trong tuần. Tùy vào đặc thù từng địa bàn thì thời gian cấp CCCD ở các địa phương có thể từ 6 giờ đến 24 giờ mỗi ngày.
Công an TP.HCM cũng tổ chức hai ô tô cấp CCCD lưu động đến từng địa bàn dân cư cấp cho những người già, người khuyết tật hoặc trung tâm bảo trợ xã hội. Trước mắt, xe lưu động sẽ đến TP Thủ Đức và huyện Bình Chánh vì đây là địa bàn có dân cư đông nhất.
Thượng tá Trang khuyến cáo người dân khi nhận được giấy mời hoặc thông báo của cảnh sát khu vực về thời gian, địa điểm làm CCCD thì nên sắp xếp đến đúng giờ để tránh chờ đợi lâu.
Thượng tá Trang khẳng định CCCD gắn chip có độ bảo mật rất cao, không thể làm giả, có thể tích hợp hơn 30 giấy tờ khác nhau, hướng tới sau ngày 1-7, Bộ Công an sẽ chia sẻ dữ liệu cho các sở, ngành trong quản lý nhà nước, không phải sử dụng nhiều loại giấy tờ như hiện nay.
“Trước đây, khi cấp CCCD có mã vạch, công an phải làm giấy xác nhận để công dân giao dịch. Nhưng trên thẻ chip có mã QR code, mọi công dân có thể dùng điện thoại quét mã sẽ thể hiện số CMND chín số của mình trước đó. Chúng tôi đang thông báo cho đơn vị có liên quan để phối hợp phục vụ nhân dân trong giao dịch, đặc biệt là giao dịch ngân hàng” - Thượng tá Trang nói.
Thượng tá Trang cũng nhấn mạnh khi cấp CCCD có gắn chip, đến khi trả CCCD thì mới cắt góc CMND hoặc CCCD cũ. Vì vậy, trong thời gian chờ được nhận CCCD có chip thì người dân vẫn sử dụng thẻ CCCD hoặc CMND cũ như bình thường.
Kê khai tôn giáo trong CCCD như thế nào? Về điều kiện để khai tôn giáo trong mục 7 của tờ khai ghi làm thủ tục CCCD, Thượng tá Huỳnh Thị Thu Trang, Phó Trưởng phòng PC06, Công an TP.HCM, cho biết việc kê khai tôn giáo trong thông tin dữ liệu dân cư được thực hiện đúng pháp luật về tôn giáo của Việt Nam, đó là quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của công dân được pháp luật ghi nhận. Ngoài ra, trong mẫu thẻ CCCD không ghi nhận tên khác, chỉ trong tờ khai có mục tên khác, nếu như đó là tên mà người dân cung cấp thì công an sẽ ghi nhận mà không cần yêu cầu chứng minh tên khác bằng giấy tờ. |