Trong động thái gần đây, Trung Quốc muốn hạn chế quyền lực truyền thông của Jack Ma thông qua việc yêu cầu Alibaba bán bớt các tờ báo hoặc trang tin, mạng xã hội đang nắm giữ. Nó diễn ra chỉ vài tháng sau khi Bắc Kinh mạnh tay với Jack Ma sau phát biểu chỉ trích công khai của ông này với cơ quan quản lý. Ant Group. là nạn nhân lớn nhất nhưng có thể không phải nạn nhân cuối cùng.
Tuy nhiên, Trung Quốc không cấm tất cả những người có ảnh hưởng phát ngôn trên mạng xã hội. Một trong số đó là Chủ tịch Rabbit, người có biệt danh trên mạng là Ren Yi. Tốt nghiệp Harvard, Ren Yi nổi tiếng nhờ đánh trúng tâm lý của một bộ phận người Trung Quốc, vốn loay hoay trước các thông tin của cả truyền thông chính thống và truyền thông phương Tây.
Từng là trợ lý của nhà Hán học quá cố Ezra Vogel, Chủ tịch Rabbit đã xây dựng được đội ngũ người hâm mộ lên tới 2 triệu trên các nền tảng mạng xã hội Weibo và WeChat. Theo Bloomberg, những phát ngôn của Ren Yi không bị chặn bởi tiếng nói ấy biết đâu là giới hạn.
Trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại, Ren Yi cho biết giới truyền thông cần có "trách nhiệm với xã hội" và suy nghĩ về cảm xúc của công chúng. Theo Ren Yi, Trung Quốc vẫn đang nỗ lực đi tìm sự cân bằng giữa việc cho phép các quan điểm khác nhau tồn tại nhưng đảm bảo chúng không làm mất niềm tin của công chúng vào thể chế chính trị.
Một trong cái bài viết mang lại thành công cho Ren Yi là về vấn đề biểu tình ở Hồng Kông. Thậm chí, độc giả của Ren Yi đều là những người được giáo dục tốt nhưng không bị thuyết phục hoàn toàn bởi thông tin trên các phương tiện truyền thông chính thống của Trung Quốc.
Theo Ren, những người biểu tình ở Hồng Kông được thúc đẩy bởi bản sắc chính trị và sẽ không bao giờ ủng hộ Chính quyền Đại lục bất kể các ưu đãi kinh tế được đưa ra. Ý tưởng mà Ren đưa ra là sàng lọc về quan điểm chính trị của các lãnh đạo trung tâm tài chính này. Nó tương đồng với những gì Trung Quốc thực hiện trong năm nay khi đưa ra quy tắc "chỉ những người yêu nước" mới có thể quản lý thành phố.
Những trường hợp như Ren cho thấy Trung Quốc nhận thấy tầm quan trọng của việc xây dựng hệ thống những phát ngôn không chính thức, nhất là sau những lời chỉ trích nhằm vào quốc gia này về cách xử lý đại dịch Covid-19. Trong năm qua, Bắc Kinh ngày càng phải phòng thủ trước làn sóng chỉ trích rộng rãi về các vấn đề Tân Cường và Hồng Kông.
Từ lâu, Trung Quốc đã kêu gọi giới truyền thông và học giả làm tốt hơn nữa việc "kể những câu chuyện của Trung Quốc với thế giới". Các học giả Trung quốc cũng đang cố gắng giải thích về Trung Quốc theo cách dễ hiểu với phương Tây. Bên cạnh đó, các học giả Trung Quốc cũng tiếp tục chỉ trích Mỹ và cách làm của họ.
Việc tạo ra tiếng nói đa chiều, cho phép cá nhân đưa ra những phát ngôn khác với truyền thông chính thống có vẻ là điều đang được Bắc Kinh bật đèn xanh. Tuy nhiên, nó cũng bị giới hạn ở một mức độ nhất định và những người phát ngôn phải biết đâu là lằn ranh đỏ không được vượt qua.
Jack Ma từng là một người rất có ảnh hưởng ở Trung Quốc, đặc biệt là giới trẻ. Tuy nhiên, vị thế của người đàn ông này đang bị lung lay dữ dội chỉ sau vài tháng. Không ai biết Bắc Kinh nhắm tới Jack Ma từ khi nào nhưng điều mọi người đều thấy là tai ương ập tới với người đàn ông từng giàu nhất châu Á này sau một phát ngôn chỉ trích cơ quan quản lý.