Giáo viên tại điểm bản Chà Lò, Trường tiểu học Mai Sơn, huyện Tương Dương, Nghệ An - Ảnh: DOÃN HÒA
Đây là điều giáo viên rất bức xúc mà Tuổi Trẻ đã phản ánh qua các bài viết "Đổ xô học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp", "Nên bỏ quy định chứng chỉ chức danh nghề nghiệp" và "Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp: Sẽ kiến nghị Bộ GD-ĐT xem lại"...
Phân loại rõ chứng chỉ bắt buộc và không bắt buộc
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ quản lý chuyên ngành tổng hợp, báo cáo cụ thể về các loại chứng chỉ đối với đội ngũ viên chức. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu nêu rõ các loại chứng chỉ nào là điều kiện để được bổ nhiệm thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, chứng chỉ nào là bồi dưỡng về chuyên môn - nghiệp vụ. Theo đó, phân loại rõ chứng chỉ nào bắt buộc và không bắt buộc trong quản lý viên chức.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GD-ĐT phải báo cáo cụ thể những nội dung tương tự trên trong quy định chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên tại cơ sở công lập. Đồng thời yêu cầu Bộ GD-ĐT và các bộ liên quan có báo cáo đề xuất phương án cụ thể sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan phù hợp để giải quyết dứt điểm các vướng mắc, bất cập trong thời gian vừa qua. Thời hạn báo cáo trong tháng 3-2021.
Dỡ bỏ được gánh nặng
Cô Nguyễn Thu Hà - giáo viên Trường THCS Cầu Giấy (Hà Nội) - bày tỏ: "Tôi mừng vì đọc được thông tin về chỉ đạo của Thủ tướng. Mong rằng Bộ
GD-ĐT và bộ liên quan sớm có đề xuất để sửa luật. Vẫn biết là quy trình sửa luật không phải ngày một ngày hai, nhưng có động thái tích cực thì giáo viên cũng phấn khởi".
Thầy Trần Văn Long, giáo viên THPT ở Hà Nội, chia sẻ: "Giáo viên cần được bồi dưỡng để nâng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Những gì thiết thực thì giáo viên sẽ hào hứng tham gia. Còn những chứng chỉ không phục vụ công việc chuyên môn, không thấy có ích nhưng vì quy định phải học để hợp lý hóa hồ sơ thì thấy mệt mỏi, lãng phí thời gian.
Thế nên chúng tôi rất mong Bộ GD-ĐT rà soát những quy định về chứng chỉ để kiến nghị loại bỏ những quy định về chứng chỉ không cần thiết. Việc này tạo động lực cho giáo viên trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay".
Thầy Phạm Thư Tùng - giáo viên Trường THPT Ernst Thalmann, TP.HCM - cho biết: "Tôi đã đóng 3 triệu đồng để đi học lớp bồi dưỡng lấy chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Cả khóa học với mức phí không nhỏ nhưng tôi thấy đa số kiến thức của lớp học này đều mang nặng tính lý thuyết và hình thức, giáo viên chúng tôi không áp dụng được vào công tác giảng dạy.
Vì vậy, việc học và thi đều là làm cho có, mang tính chất đối phó để cuối cùng lấy được cái chứng chỉ hợp thức hóa quy định hết sức vô lý của cơ quan quản lý mà thôi".
Trong khi đó, một giáo viên Trường THCS Colette (Q.3, TP.HCM) kể: "Lúc đầu trường chúng tôi đã phối hợp với một trường ĐH để tổ chức lớp học bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp cho giáo viên. Tuy nhiên, sau khi báo chí phản ánh về những bất cập của vấn đề này, trường chúng tôi đã tạm dừng lớp học và chờ hướng dẫn cụ thể của Bộ GD-ĐT. Hôm nay đọc thông tin Thủ tướng có chỉ đạo Bộ GD-ĐT đề xuất phương án sửa đổi quy định không hợp lý, giáo viên chúng tôi mừng lắm".
Giáo viên trên cho biết thêm: "Ngay đầu tháng 3, một số đồng nghiệp của tôi vẫn lo sợ không giữ được hạng giáo viên, bị hạ bậc lương. Do đó, cho dù nhà trường không tổ chức lớp học nhưng họ đã tự ghi danh và đóng 2,5 triệu đồng mỗi người để đi học. Tôi mong các cơ quan nhà nước sớm có quyết định đúng đắn, bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp cho giáo viên được nhờ. Tình hình này mà kéo dài thì chỉ làm lợi cho một số đơn vị giáo dục mở lớp dạy bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp mà thôi".
Quy định tại Luật viên chức
Trước đó, đầu tháng 2-2021, Bộ GD-ĐT ban hành nhóm thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, các trường phổ thông công lập. Theo ông Đặng Văn Bình, phó cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT), muốn bỏ chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp thì phải sửa đổi các quy định này tại Luật viên chức và nghị định số 101/2017/NĐ-CP.
Tốn tiền học lại điều đã biết
Tương tự như chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, với chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, giáo viên cũng rơi vào sự hình thức, đối phó. Nhiều giáo viên phản ảnh họ buộc phải tham gia các lớp bồi dưỡng để học điều mình đã biết rồi. Nhưng không học thì không có chứng chỉ, không có chứng chỉ thì chẳng những không được thăng hạng mà còn khó giữ được hạng hiện tại.
Thủ tướng giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ quản lý chuyên ngành tổng hợp, báo cáo cụ thể về các loại chứng chỉ đối với đội ngũ viên chức, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3-2021.
Xem thêm: mth.26514619002301202-peihgn-ehgn-hnad-cuhc-ihc-gnuhc-pac-tab-yl-ux/nv.ertiout