Tuần trước, Anh công bố tài liệu Đánh giá Tích hợp (Intergrated Review). Trong đó, vấn đề đối ngoại và an ninh được đặc biệt chú ý. Trong tài liệu, Anh đã thể hiện quan điểm xoay trục sang khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và hướng tới mục tiêu "Nước Anh toàn cầu".
Chìa khóa mở cửa của London
Chỉ hơn một năm trước, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã có bài phát biểu mạnh mẽ tại Greenwich, tại đây ông ví nước Anh thời hậu Brexit như siêu nhân.
Đánh giá tích hợp về các chính sách đối ngoại và an ninh công bố tuần trước đã được chờ đợi từ lâu. Đây được coi là cú hích lớn đầu tiên trong việc xác định cách thức nước Anh thời hậu Brexit làm thế nào để phù hợp với thế giới đang thay đổi. Nó cho chúng ta biết cách chính phủ Anh xếp hạng các mối đe dọa và rủi ro mà họ phải đối mặt và những cơ hội họ có thể nhìn thấy.
Từ báo cáo, Bloomberg đánh giá, nước Anh không còn là cầu nối giữa Mỹ và châu Âu mà đang thực hiện một số bước để xoay trục sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đang được cử để thực hiện sứ mệnh đầu tiên tới khu vực này.
Cùng với đó, Thủ tướng Johnson dự kiến sẽ tới thăm Ấn Độ vào tháng 4. Ông đã hy vọng về thỏa thuận thương mại tự do với New Delhi (nước này là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Anh ngoài EU). Cũng theo nhận định của Bloomberg, rất khó để Anh hướng tới Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà không tăng cường đẩy mạnh quan hệ với Ấn Độ.
Theo Bloomberg, sự xoay trục này có tác động kinh tế, an ninh và các chính sách đối ngoại rộng lớn hơn. Ông Johnson đã mời các nhà lãnh đạo của Úc, Hàn Quốc và Ấn Độ tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng 6 và ông sẽ thăm Ấn Độ vào tháng 4 này nhằm đẩy mạnh nỗ lực làm sâu sắc hơn quan hệ với các nền dân chủ lớn trên thế giới.
Mục tiêu lớn trước mắt của Anh
Điều đáng chú ý nhất trong tham vọng mới của ông Johnson chính là điều ông đã đặt ngay ở đầu báo cáo: "Đảm bảo vị thế của chúng ta là một cường quốc khoa học và công nghệ tới năm 2030."
8 trang tiếp theo báo cáo chi tiết về việc Anh có ý định thực hiện mục tiêu đó như thế nào bằng cách tăng cường các khoản chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển, củng cố mạng lưới quan hệ đối tác đổi mới toàn cầu và nâng cao kỹ năng quốc gia - bao gồm cả hộ Hộ chiếu Tài năng Toàn cầu nhằm thu hút những nhân tố giỏi nhất thế giới.
"Trong những năm tiếp theo, những quốc gia xây dựng vai trò lãnh đạo trong việc cải tiến công nghệ sẽ trở thành những nước đi đầu cho vị trí lãnh đạo toàn cầu," tài liệu cho biết.
CNBC nhận xét, đây được gọi là lần suy nghĩ lại quan trọng nhất về chiến lược của Anh kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Lời của cựu Ngoại trưởng Anh linh ứng?
CNBC nhận định, nhà lãnh đạo của Anh đã chuẩn bị xong cho kịch bản nhắm tới cú bắn vĩ đại của mình.
Tài liệu của ông Johnson đưa ra như một nỗ lực để trả lời bài phát biểu nhức nhối của Ngoại trưởng Mỹ Dean Acheson ở West Point gần 6 thập kỉ trước vào năm 1962 khi ông nói rằng: "Nước Anh đã đánh mất một đế chế và vẫn chưa tìm ra được vai trò nào."
Vào thời điểm đó, nhà ngoại giao Mỹ đã đề cao vai trò rộng lớn của Anh nếu lấy tấm vé trở thành một trong sáu quốc gia ở Thị trường chung châu Âu, điều mà phải tới 11 năm sau, tức là năm 1973 mới trở thành hiện thực.
"Nỗ lực của Anh đóng một vai trò quyền lực riêng biệt - nghĩa là một vai trò bên ngoài châu Âu, nỗ lực dựa trên mối quan hệ đặc biệt với Mỹ, dựa trên sự thịnh vượng chung, không có yếu tố chính trị, liên minh hay quyền lực - sắp được phát huy," cựu Ngoại trưởng Mỹ nói.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Dean Acheson
CNBC nhận định những gì ông Acheson nói khi ấy lại được vận dụng vào ngày nay, hơn 1 năm sau khi Anh rời Liên minh châu Âu (EU) và đúng lúc Thủ tướng Boris Johnson đang tìm kiếm những vai trò như vậy của đất nước.
Có thể nói, tài liệu này đưa nước Anh trở lại đúng hướng có thể đảm bảo vai trò toàn cầu rộng lớn, với những cơ quan an ninh và tình báo hàng đầu thế giới. Tài liệu cũng cho thấy một sự hiểu biết sâu sắc về những thách thức lớn nhất toàn cầu, trở thành tập tài liệu mà chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden phải đọc.
"Lịch sử đã cho thấy rằng các xã hội dân chủ là những người ủng hộ nhiệt tình nhất cho một trật tự quốc tế cởi mở và kiên cường, trong đó các hiến pháp toàn cầu chứng minh khả năng của họ trong việc bảo vệ quyền con người, kiểm soát căng thẳng giữa các cường quốc, giải quyết các mâu thuẫn, bất ổn định và biến đổi khí hậu cũng như chia sẻ lợi ích chung thông qua thương mại và đầu tư," trích báo cáo cho biết.