Du lịch tiếp tục 'kêu' vì hơn 4 năm vẫn chưa được tính lại giá điện
Đào Loan
(KTSG Online) - Trong đại dịch, doanh nghiệp du lịch đã nhiều lần đề nghị các biện pháp hỗ trợ từ nhà nước, bao gồm chính sách mới và thực hiện chính sách đã có từ lâu nhưng vẫn chưa được triển khai. Trong đó, có chính sách tính giá điện cho các cơ sở lưu trú du lịch từ giá dịch vụ sang giá sản xuất, đã được Bộ Chính trị chấp thuận hơn 4 năm qua nhưng vẫn chưa được thực hiện.
Một khu nghỉ dưỡng ở Phan Thiết. Ảnh: Đào Loan |
Nội dung "điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất" có trong Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nghị quyết này ban hành ngày 16-1-2017.
Đến ngày 6-10-2017, Chính phủ có Nghị quyết 103, ban hành chương trình hành động của chính phủ thực hiện nghị quyết 08 của Bộ chính trị. Trong đó, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất.
Tuy nhiên, cho đến nay, chính sách trên vẫn chưa được thực hiện. Năm ngoái, có thời điểm, các cơ sở lưu trú du lịch được tính tiền điện theo giá sản xuất nhưng là do ngành điện thực hiện theo quy định của Chính phủ về việc hỗ trợ doanh nghiệp bị thiệt hại do Covid-19 gây ra.
"Dù đã đề nghị rất nhiều lần và không có hội nghị nào không nói đến nhưng tôi cho rằng cần phải kiên quyết để đề nghị tiếp với Chính phủ", ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nói trong hội nghị về du lịch tại Huế.
Theo đó, tiền điện của các cơ sở lưu trú du lịch sẽ giảm khoảng 33% khi được trả theo giá điện cho sản xuất thay vì giá điện dịch vụ. Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, tính đến hết năm 2020, cả nước có khoảng 30.000 cơ sở lưu trú du lịch.
Cùng với vấn đề về tiền điện, Hiệp Du lịch Du lịch Việt Nam cũng đề xuất thực hiện nhiều chính sách để giúp doanh nghiệp du lịch bớt khó khăn như giảm 50% thuế giá trị gia tăng trong cả năm 2021, giảm thuế đất, tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội, lùi thời gian đóng phí công đoàn, hỗ trợ doanh nghiệp vay để trả lương cho nhân viên...
Đây là những chính sách đã được đề nghị nhiều lần kể từ khi du lịch bị Covid-19 làm sụt giảm khách từ hồi năm ngoái nhưng phần nhiều trong đó vẫn chưa được thực hiện.
"Chính sách đến với doanh nghiệp rất ít. Nhiều chính sách không thể triển khai được", ông Bình nói.
Việc triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để đẩy nhanh tốc độ phục hồi cũng được Công ty Tư vấn Quản lý toàn cầu McKinsey & Company đề cập đến trong báo cáo mới có tên "Đổi mới ngành du lịch: Việt Nam có thể đẩy nhanh tốc độ phục hồi như thế nào"
Theo đó, cần xác định lại vai trò của nhà nước trong hoạt động du lịch. Tại hầu hết các nước, công cuộc đổi mới ngành du lịch cần có sự tham gia của chuyên gia trong ngành phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp và nhà nước.
Cơ quan nhà nước và hiệp hội ngành cần bảo đảm cho sự tồn tại của doanh nghiệp. Trong trung hạn, Chính phủ cần hậu thuẫn cho các chương trình chuyển đổi công nghệ số và phân tích dữ liệu nhằm tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu dịch vụ du lịch trực tuyến có ý nghĩa rất lớn trong việc duy trì năng lực cạnh tranh.
Nhà nước có thể đóng vai trò kết nối nhà cung cấp với nhà phân phối cùng đơn vị trung gian để tạo ra các gói sản phẩm hấp dẫn cho từng phân khúc du khách và sau đó dựa trên những tương tác với du khách để phân tích, đưa ra những kiến thức quan trọng cho các bên trung gian.
Mời đọc thêm:
Thủ tướng: Nghiên cứu mở lại du lịch quốc tế trong bối cảnh dịch bệnh
McKinsey: Việt Nam không nên mở cửa khi chưa đạt miễn dịch cộng đồng
Du lịch chấp nhận 'lượm bạc cắc' để kéo khách ra khỏi nhà
Vốn FDI đổ vào thành phố vệ tinh kéo theo làn sóng đầu tư khách sạn
Xem thêm: lmth.-neid-aig-ial-hnit-coud-auhc-nav-man-4-noh-iv-uek-cut-peit-hcil-ud/768413/nv.semitnogiaseht.www