vĐồng tin tức tài chính 365

Khơi thông thị trường du lịch nội địa

2021-03-31 14:22

Khơi thông thị trường du lịch nội địa

Đào Loan

(KTSG) - Sau mùa Tết bết bát, doanh nghiệp bắt đầu nhận được tín hiệu lạc quan từ mảng du lịch trong nước, nhưng thị trường cần có thêm nhiều lực đẩy mới có thể thực sự khơi thông trong thời đại dịch.

Du khách tại núi Bà Đen, Tây Ninh. Ảnh: Đào Loan

Chủ nhật tuần rồi, phải chật vật lắm nhóm chục người chúng tôi mới có thể tìm đủ chỗ ngồi, gồm cả chỗ ngồi ghép với người lạ để ăn trưa trong một nhà hàng trên đỉnh núi Bà Đen, Tây Ninh. Dòng khách liên tục đổ vào khiến nhà hàng chật kín.

Khách đông, theo nhiều người là do khu này đang khuyến mãi, vé khứ hồi cho một người lớn đi cáp treo lên đỉnh núi cùng bữa ăn trưa tự chọn tại nhà hàng chỉ 400.000 đồng. Thêm vào đó, có những công ty du lịch đang tập trung đưa khách từ TPHCM cùng một số điểm lân cận đến đây với giá khá tốt, có tour trọn gói, từ TPHCM đến Tây Ninh cả ngày chỉ gần 650.000 đồng/người. “Thật bất ngờ, nếu chỉ nhìn chỗ này thì không ai nghĩ rằng du lịch đang rất lao đao”, một người bạn, là dân làm du lịch đang đi “ngó nghiêng” thị trường, nói.

Sau cơn mưa trời dần sáng

Sau khi mất trắng mùa du lịch Tết Nguyên đán vừa qua do đợt bùng phát dịch Covid-19 trong cộng đồng từ cuối tháng 1, nhiều doanh nhân kinh doanh lữ hành, khách sạn cho biết thị trường đang dần chuyển động.

Trong vài tuần gần đây, nhiều khách hàng hoãn chuyến do dịch đã khởi hành trở lại. Vào cuối tuần rồi, một số công ty lữ hành tại TPHCM đã có những đoàn lớn từ vài trăm đến hơn một ngàn khách đi Phú Quốc, Long Hải. Số lượng đặt chỗ mới cũng tăng trưởng khả quan. Một số khách sạn ở các địa phương khác thậm chí còn kín phòng vào cuối tuần, chuyện ít người dám nghĩ đến trong những ngày trước và sau Tết.

“Có thể thấy xu hướng tăng trưởng rõ ràng trong ba tuần gần đây. Các khách sạn của chúng tôi bắt đầu đầy hơn vào cuối tuần”, ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch tập đoàn Thiên Minh, nói tại hội nghị phục hồi, thúc đẩy, phát triển du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế trong trạng thái bình thường mới cuối tuần rồi. Theo ông, trong hai tuần gần đây một số khách sạn, đặc biệt là khách sạn ở Phan Thiết, Châu Đốc, Mai Châu... kín phòng vào cuối tuần.

Nhiều doanh nhân khác cũng cho biết thị trường không những chuyển động tốt ở mảng du lịch thuần túy, ngắn ngày, mà mảng khách hàng doanh nghiệp, khách lưu trú dài ngày cùng mảng ẩm thực, là những phân khúc đem lại doanh số tốt cho du lịch, cũng đang tăng trưởng.

“Chúng tôi ghi nhận lượng đặt phòng lớn cho mục đích nghỉ dưỡng và công tác trong nước”, ông Colin McCandless, Giám đốc IHG Hotels & Resorts, khu vực phía Nam của Việt Nam và Lào nói.

Theo đó, 13 khách sạn tại Việt Nam của tập đoàn đã có thể mở cửa để đón khách. Trong thời gian tới, những dịch vụ đã tăng trưởng mạnh trước đợt bùng dịch gần đây như các sự kiện với các cuộc hội họp lớn diễn ra với hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến, tiệc cưới, du lịch nghỉ dưỡng của gia đình nhiều thế hệ sẽ tiếp tục là điểm sáng.

Bài toán giá cả, dịch vụ

Thị trường đã chuyển động theo chiều hướng tốt nhưng theo nhiều doanh nhân, đó chưa phải là xu hướng bao trùm để có thể yên tâm dựa vào mảng nội địa nhằm vực dậy hoạt động sau thời gian dài đình đốn vì đại dịch.

Số lượng khách hiện có chỉ mới lấp đầy một phần nhỏ cơ số phòng của khách sạn và giúp cho một tỷ lệ rất nhỏ doanh nghiệp lữ hành có thể hoạt động được. Chỉ tính riêng tại TPHCM, theo số liệu từ Sở Du lịch, cả thành phố chỉ còn khoảng 10-15% công ty lữ hành còn hoạt động và có khách; số khách sạn đóng cửa vẫn còn nhiều nên lượng khách phải nhiều hơn nữa thì doanh nghiệp mới có thể trở lại như trước dịch.

“Làm sao để kéo khách ra khỏi nhà là câu hỏi thường trực, khiến chúng tôi đau đầu tìm câu trả lời. Thị trường nay đã khác nên phải “bắt mạch” rất thận trọng thì mới có cách tiếp cận đúng”, bà Nguyễn Thị Khánh, Hiệp hội Du lịch TPHCM nói với Kinh tế Sài Gòn (KTSG) vào trung tuần tháng 3, trong buổi trao đổi với các thành viên cùng Sở Du lịch để đưa ra bộ tiêu chí tổ chức du lịch an toàn và kích cầu du lịch.

Khảo sát mới của Hội đồng Tư vấn du lịch cũng đưa ra một số nhận định. Theo đó, nhiều khách hàng đã sẵn sàng đi du lịch chứ không chờ đến khi được tiêm vaccin ngừa Covid-19. Trong đó, có 30,6% số người được hỏi cho biết sẽ đi du lịch vào tháng 3 và tháng 4 này, cao điểm sẽ là vào mùa hè tới, với 53,3% cho biết định đi du lịch từ tháng 5 đến tháng 9-2021.

Tuy nhiên, dịch bệnh kéo dài đã tác động mạnh đến tâm lý và túi tiền của du khách, làm cho hai yếu tố được ưu tiên hàng đầu hiện là an toàn và có ưu đãi. Có 47% số người được khảo sát chọn tour ngắn từ 2-3 ngày để có chi phí thấp hơn, và có gần 80% lựa chọn đi theo gia đình, bạn bè thay vì đi đoàn đông với người lạ vì tâm lý e ngại dịch bệnh. Có đến 87% số người được khảo sát lựa chọn cách ưu đãi trực tiếp vào giá cả dịch vụ.

Cũng theo khảo sát đó, nhu cầu du lịch biển vẫn ở mức cao, khoảng 62%; kế đó là khám phá thiên nhiên với 48%. Nhu cầu khám phá và thưởng thức ẩm thực luôn là ưu tiên hàng đầu với 55% số người được hỏi lựa chọn.

Theo ông Lại Minh Duy, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch TPHCM, an toàn và giá cả hợp lý là hai ưu tiên hàng đầu khi thực hiện chương trình kích cầu năm nay. Giá hợp lý phải dựa trên yếu tố chất lượng của sản phẩm và dịch vụ cùng đánh giá điểm mạnh, điểm yếu so với các sản phẩm tương ứng. Trong chương trình kích cầu năm nay, cách tính toán giá cả dựa trên yếu tố này không chỉ là vấn đề của doanh nghiệp mà các địa phương cùng cả điểm đến phải tính đến, phải nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng để có chính sách hợp lý nhằm kích cầu hiệu quả. “Giá kích cầu dĩ nhiên là sẽ tốt hơn nhưng sẽ không có tình trạng đua nhau giảm giá để kéo khách mà ít chú trọng đến chất lượng như tình trạng đã từng xảy ra”, ông nói.

Báo cáo “Đổi mới ngành du lịch: Việt Nam có thể đẩy nhanh tốc độ phục hồi như thế nào?” của McKinsey & Company cũng có nội dung tương tự. Theo đó, trong bối cảnh nhu cầu cạn kiệt thì giảm giá là con dao hai lưỡi. Nhiều công ty lữ hành đã tung ra chiến dịch giảm giá ngay sau khủng hoảng, vừa để cạnh tranh và để kích thích nhu cầu trong người dân. Tuy nhiên, biện pháp này có thể sẽ dẫn đến tình trạng “pha loãng” giá, đặc biệt là đối với hệ thống khách sạn trên cả nước.

Thay vào đó, doanh nghiệp có thể áp dụng một số cách như bán sản phẩm theo gói để có cơ hội bán chéo và bán thêm, đồng thời đa dạng hóa nguồn doanh thu, củng cố sản phẩm cao cấp cùng khả năng thu được mức giá cao hơn.

Khi nhu cầu và độ tin tưởng của khách gia tăng, các công ty du lịch tự nhiên sẽ có xu hướng chuyển trở về mô hình giá linh hoạt hơn dựa trên những tiêu chí như công suất phòng khách sạn, số lượng hành khách trên những chuyến bay trong nước... Đây sẽ là cơ hội để doanh nghiệp điều chỉnh lại cơ chế giá tối ưu, đặc biệt là gần thời điểm các ngày lễ lớn. 

Xem thêm: lmth.-aid-ion-hcil-ud-gnourt-iht-gnoht-iohk/028413/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Khơi thông thị trường du lịch nội địa”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools