Tờ The Nikkei mới đây cảnh báo Đông Nam Á đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát ngày càng tăng và vấn đề đang trở nên trầm trọng hơn khi giá năng lượng và thực phẩm không tìm được đà giảm. Nếu không thể kiểm soát kịp thời, các ngân hàng trung ương của một số quốc gia sẽ buộc phải cân nhắc kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ.
Chỉ số giá tiêu dùng Singapore trong tháng 2 đã tăng 4,3% so với cùng kỳ
năm ngoái và là mức tăng cao nhất trong chín năm qua. Ảnh: STRAIT TIMES
Báo động lạm phát ở nhiều nước trong khu vực
Tại Singapore, kết quả khảo sát của Cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore (MAS) cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng 2 đã tăng 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức tăng cao nhất trong chín năm qua do chi phí vận tải của khu vực tư nhân tăng mạnh. Giá điện và khí đốt trong thời gian này cũng tăng 16,7%. Khoảng 94% số chuyên gia kinh tế được MAS tham vấn cho rằng lạm phát đang là rủi ro hàng đầu đối với nền kinh tế Singapore, nhiều hơn so với mức 56% số chuyên gia đồng ý điều này khi tham gia khảo sát hồi tháng 12-2021.
Người tiêu dùng và giới chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Singapore đang là đối tượng phải chịu ảnh hưởng nặng nhất từ đợt lạm phát hiện nay. Đơn cử, The Nikkei cho biết một tiệm bánh ở Singapore đã tăng giá sản phẩm 10%-17% sau dịp tết Nguyên đán vừa qua. Theo lời chia sẻ của nhân viên tiệm bánh thì tiệm “bị áp lực từ chi phí nguyên liệu và những thứ khác tăng cao, không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải tăng giá bán để tránh lỗ”.
Một hãng kinh doanh dịch vụ taxi ở Singapore là ComfortDelGro mới đây đã phải tăng giá dịch vụ sàn lần đầu tiên trong 10 năm qua, do chi phí nhiên liệu tăng hơn 5% và còn tính tăng thêm nữa nhằm đảm bảo lợi nhuận.
Hiện MAS dự kiến sẽ siết chặt hơn chính sách tiền tệ trong tháng 4. Trước đó, cơ quan này đã có hai đợt siết chặt chính sách tiền tệ trong tháng 10-2021 và tháng 1-2022, trở thành ngân hàng đầu tiên ở Đông Nam Á có động thái như vậy.
Tình trạng lạm phát tương tự cũng đang diễn ra tại Lào. Tỉ lệ lạm phát ở đây đã tăng lên mức 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất được ghi nhận kể từ tháng 1-2016. Giá nhiên liệu tại Lào từ đầu năm đến nay đã tăng gấp sáu lần, chưa kể mức tăng chóng mặt của các loại chi phí khác. Chính quyền Lào hiện đang phải tiến hành các bước nhằm kích thích sản xuất để giảm nhập khẩu, đồng thời kiểm soát giá nhiên liệu nhằm giảm tác động đối với nền kinh tế và người dân, như quyết định giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống còn 7% trong năm nay và giảm dự trữ nhiên liệu.
Tại Indonesia, lạm phát trong tháng 1-2022 là 2,18%, mức cao nhất trong 20 tháng qua. Trong khi đó, CPI của Thái Lan đã tăng lên mức 5,28% vào tháng 2 năm nay. Đây là mức lạm phát cao nhất trong 13 năm qua ở Thái Lan, tiếp tục tăng hơn so với mức 3,23% của tháng 1. Giá thịt, cá và các loại thực phẩm khác đắt hơn đã ảnh hưởng lớn đến các hộ gia đình.
Mức lạm phát của Philippines trong tháng 2 ở mức 3%, thấp hơn dự báo là 3,2% nhưng để chuẩn bị đối phó với nguy cơ lạm phát, chính quyền đã chi khoảng 57.700 USD để trợ cấp nhiên liệu cho một số đối tượng thuộc diện cần hỗ trợ.
Các ngân hàng trung ương của Indonesia và Thái Lan chưa có kế hoạch thay đổi chính sách tiền tệ ở thời điểm hiện tại nhưng khả năng cao là các ngân hàng này sẽ cân nhắc lại tùy thuộc vào tốc độ tăng giá tiêu dùng và tốc độ tăng lãi suất của các nền kinh tế phát triển khác trên toàn cầu.
4,7 triệu người Đông Nam Á ước tính đã rơi vào cảnh nghèo cùng cực trong năm 2021 khi 9,3 triệu việc làm biến mất do tác động của dịch COVID-19, đài CNBC dẫn báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ABD) hồi tháng này cho hay. Trong số những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, có các lao động phổ thông và người lao động làm việc trong khu vực bán lẻ và khối kinh tế phi chính thức, cũng như các doanh nghiệp nhỏ không tích hợp các yếu tố Internet và mạng xã hội. |
Hạ triển vọng tăng trưởng của Đông Nam Á
Triển vọng phục hồi sau đại dịch của các nền kinh tế trong khu vực trước sức ép lạm phát đang có dấu hiệu đi xuống. Tổ chức S&P Global (Mỹ) hạ dự báo tăng trưởng của khu vực Đông Nam Á từ mức 5,6% xuống còn 5% do nhu cầu toàn cầu giảm, căng thẳng Nga - Ukraine khiến giá năng lượng tăng vọt, lạm phát tăng và tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát hoàn toàn. Dù đánh giá thấp mức độ tiếp xúc kinh tế của khu vực Đông Nam Á với Nga và Ukraine, giới phân tích vẫn cảnh báo rằng một cuộc xung đột kéo dài gây tổn hại không chỉ đến châu Âu sẽ có tác động lan tỏa ở đây.
Du lịch cũng là mối quan tâm khác trong bối cảnh các nước ASEAN đang bắt đầu hồi sinh “ngành công nghiệp không khói” này. Trước đại dịch COVID-19, châu Âu chiếm tỉ trọng lớn nhất trong số du khách đến Thái Lan, với 17%. Khách du lịch châu Âu cũng chiếm 13% tổng lượng khách quốc tế của Indonesia và 11% của Singapore.
Một báo cáo khác gần đây của Ngân hàng Maybank (Malaysia) nhận định tình trạng khủng hoảng ở châu Âu đang tác động lớn đến xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài và tăng trưởng của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vì thị trường Liên minh châu Âu (EU) hiện chiếm 9% tổng kim ngạch xuất khẩu của ASEAN, trong khi vốn đầu tư từ EU chiếm 11% tổng số vốn đầu tư ở ASEAN.
Đối với một số nền kinh tế trọng điểm trong khu vực như Singapore, Maybank đã giảm dự báo tăng trưởng GDP của nước này từ mức 3,8% xuống còn 2,8% do “tăng trưởng toàn cầu và EU thấp hơn, giá năng lượng cao hơn và sự gián đoạn chuỗi cung ứng sản xuất”. Tương tự như vậy, chi nhánh châu Á của Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley (Mỹ) trong tháng này cũng đã hạ dự báo tăng trưởng của Singapore từ mức 4,8% xuống còn 3,7%, từ 4,3% xuống 3,3% đối với Thái Lan và từ 7,5% xuống 7% đối với Philippines.•
Mỹ, Nhật muốn ASEAN tham gia vào chuỗi cung ứng Tờ The Nikkei ngày 31-3 dẫn một số nguồn tin nội bộ cho biết Mỹ và Nhật đang lên kế hoạch đề nghị các nước ASEAN tham gia vào một khung kinh tế mới nhằm phát triển chuỗi cung ứng ổn định hơn, ngăn chặn tình trạng thiếu hụt vật liệu bán dẫn và các loại hàng hóa chiến lược khác ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Cụ thể, giới chức Washington kỳ vọng xây dựng một vùng kinh tế mới xung quanh các đối tác tin cậy vốn chia sẻ những giá trị tự do, dân chủ giống với Mỹ. Kế hoạch chi tiết của khung kinh tế này hiện chưa được công bố nhưng Mỹ được cho là đã gửi tài liệu có liên quan tới Nhật với mục tiêu cả hai cùng kêu gọi các nước ASEAN tham gia. Hai bên vẫn đang tiếp tục bàn thảo với nhau về những nội dung cụ thể của khung hợp tác kinh tế này. |