Củng cố tiềm lực đón cơ hội
Đến nay, nhiều dự báo lạc quan cho thấy ngành hàng không quốc tế nói chung và hàng không Việt Nam nói riêng có thể phục hồi vượt mức trước dịch ngay trong năm 2022.
Cụ thể, báo cáo của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) công bố đầu tháng 3/2022 dự báo, thị trường hàng không sẽ phục hồi vược mức trước khi có dịch Covid-19 vào đầu năm 2024 với tổng số hành khách dự kiến đạt 4 tỷ lượt khách. Thị trường nội địa sẽ phục hồi sớm hơn, ngay trong năm 2022 với mức phục hồi khoảng 93%, riêng thị trường nội địa Việt Nam phục hồi ở mức 96%.
Để chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc khôi phục, củng cố sức khỏe tài chính và năng lực cạnh tranh của các hãng hàng không là hết sức cần thiết và quá trình này tiếp tục cần có sự đồng hành của Chính phủ.
Yếu tố tích cực là điểm phục hồi của thị trường hàng không đã rõ xu hướng và đến sớm hơn so với nhiều dự báo đưa ra trước đây, nhờ yếu tố kiểm soát tốt đại dịch Covid-19 và triển vọng phục hồi của kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, đại đa số các hãng hàng không vẫn đang ở trong tình thế khó khăn để cân bằng tài chính sau tác động của dịch Covid-19. Cả ba hãng hàng không Trung Quốc gồm China Southern Airlines, China Eastern Airlines và Air China đều báo lỗ từ 1,9 tỷ USD đến 2,6 tỷ USD trong năm tài chính 2021; American Airlines lỗ khoảng 2 tỷ USD; Delta Airlines lỗ 408 triệu USD trong ba tháng cuối năm 2021 nhưng kỳ vọng phục hồi nhờ cao điểm du lịch xuân-hè sắp tới; Japan Airlines dự báo khoản lỗ ròng 146 tỷ USD (tương đương 1,3 tỷ USD) trong năm tài chính tính đến tháng 3/2022…
Vietnam Airlines dù chưa thoát lỗ nhưng tình hình kinh doanh đã tốt lên, mức lỗ giảm mạnh so kế hoạch báo cáo Đại hội cổ đông (giảm 1.300 tỷ đồng) nhờ doanh nghiệp chủ động đẩy mạnh tái cơ cấu, phát hành cổ phiếu tăng vốn. Với vai trò là hãng hàng không quốc gia, Vietnam Airlines luôn tiên phong, đồng hành cùng các bộ, ngành, địa phương trong các chương trình kích cầu, mở đường bay mới và hưởng ứng các chương trình phục hồi kinh tế của Chính phủ.
Mở rộng đường bay
Ghi nhận thực tế cho thấy, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, thị trường hàng không quốc tế vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề; trong đó, có Việt Nam. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của các hãng hàng không, cùng sự đồng hành của Chính phủ, bộ, ngành, thị trường hàng không Việt Nam đã từng bước phục hồi từ cuối năm 2021 đến nay.
Cụ thể, Chính phủ đang triển khai nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ ngành hàng không như giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh máy bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đế đối với những chuyến bay nội địa. Đồng thời, áp dụng giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong năm 2022; tạo điều kiện cho doanh nghiệp cơ cấu lại thời hạn trả nợ vay, miễn giảm lãi phí vay, tháo gỡ khó khăn về vốn...
Về phía các hãng hàng không đã từng bước khai thác trở lại tất cả đường bay, tăng tần suất phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Các hãng cũng không ngừng nỗ lực tối đa hóa đáp ứng nhu cầu di chuyển của hành khách, nâng cấp và hoàn thiện hoạt động khai thác để mang đến những trải nghiệm bay an toàn, thuận tiện.
Theo đó, đường bay quốc tế đã được các hãng hàng không Việt Nam nối lại với nhiều quốc gia, gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore... Những tín hiệu tích cực này góp phần củng cố niềm tin vào bức tranh tươi sáng của ngành hàng không trong thời gian tới và có thể dẫn đầu làn sóng phục hồi, góp phần "chắp cánh" cho một số ngành ngành, lĩnh vực phát triển như du lịch.
Tăng chuyến phục vụ khách du lịch
Trao đổi với Báo Tin tức, ở góc độ cơ quan quản lý, ông Nguyễn Phước Thắng, Trưởng phòng Khoa học, công nghệ, môi trường - Cục hàng không Việt Nam cho hay, thị trường hàng không việt Nam sau đại dịch Covid-19, dự báo sẽ du trì lại mức tăng trưởng 8-10%/năm về hành khách và 10-12% về hàng hóa. Đồng thời, phấn đấu đạt mục tiêu xây dựng đội tàu bay trẻ, tiên tiến với hơn 400 chiếc.
Ngành hàng không cũng sẽ nâng mức độ triển khai hiệu quả (EI) công tác giám sát an toàn, an ninh đạt 80-90%; đảm bảo năng lực điều hành bay từ 2,5-3 triệu chuyến/năm... Đặc biệt, ngành hàng không sẽ nâng cao năng lực khai thác của hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc từ 91 triệu lên 180-200 triệu hành khách vào năm 2025.
Đối với thị trường nội địa, trong khoảng thời gian từ cuối tháng 5 đến hết tháng 8 hàng năm, các hãng hàng không Việt Nam sẽ tập trung nguồn lực tăng chuyến trên những đường bay du lịch. Do đó, nguồn khách du lịch sẽ đóng vai trò chủ đạo và phát triển song hành với ngành hàng không.
Liên quan đến vấn đề liên kết ngành giữa hàng không và du lịch, tại Tp.Hồ Chí Minh, Sở Du lịch Tp.Hồ Chí Minh và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Dịch vụ mặt đất sân bay Việt Nam (VIAGS) đã ký kết thỏa thuận hợp tác thúc đẩy phục hồi và phát triển du lịch bền vững trên địa bàn thành phố nói riêng và thị trường cả nước nói chung. Theo đó, nội dung thỏa thuận hợp tác giữa Sở Du lịch Tp.Hồ Chí Minh và VIAGS giai đoạn 2022-2027, chủ yếu tập trung vào mục tiêu nâng cao số lượng và chất lượng khách du lịch, góp phần phát triển du lịch Việt Nam nói chung và điểm đến du lịch Tp.Hồ Chí Minh nói riêng.
Đánh giá về sự hợp tác giữa Sở Du lịch Tp.Hồ Chí Minh và VIAGS, ông Hoàng Xuân Hiệp, Phó Tổng Giám đốc VIAGS chia sẻ, Việt Nam đã và đang gỡ bỏ hạn chế và mở lại dần dần các chuyến bay, nhất là mở cửa du lịch quốc tế. Chính những cơ chế chính sách này đã tạo cơ hội cho cả ngành du lịch, hãng hàng không, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước phục hồi và phát triển du lịch hàng không tại Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch Tp.Hồ Chí Minh cũng cho hay, đây là một trong những cột mốc quan trọng, tạo tiền đề để du lịch Thành phố Hồ Chí Minh chuyển mình mạnh mẽ để phục hồi và phát triển hơn nữa khi ngành bắt đầu mở cửa đón khách quốc tế. Riêng ngành du lịch Tp.Hồ Chí Minh cũng được tiếp thêm nguồn lực, hỗ trợ quảng bá du lịch thành phố ra thị trường toàn cầu; chia sẻ kinh nghiệm, đào tạo kỹ năng... từ VIAGS để nâng tầm chất lượng và dịch vụ phục vụ du khách nói chung, khách quốc tế nói riêng.
Cùng quan điểm, bà Lương Thị Xuân, Nhà sáng lập triển lãm Quốc tế Hàng không Việt Nam chỉ ra rằng, hàng không là một ngành mũi nhọn của quốc gia và vận tải hàng không giữ vai trò quan trọng. Hơn thế nữa, ngành có giá trị về mặt kết nối kinh tế, xã hội, sản xuất, tiêu dùng...
Chính vì vậy, khi ngành hàng không phục hồi và phát triển sẽ trở thành bệ phóng cho nhiều lĩnh vực logistics, du lịch, thương mại, đầu tư... Đặc biệt, ngành hàng không Việt Nam đã xây dựng và phát triển có vị thế nhất định trong ngành hàng không quốc tế.
Để thúc đẩy ngành hàng không trong giai đoạn hiện nay, bà Lương Thị Xuân cho hay, phải triển khai nhiều hoạt động chuyên ngành tập trung kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước, mở rộng giao thương... Đây cũng là những hoạt động thiết thực quảng hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam ra thị trường quốc tế.
Triển lãm Quốc tế Hàng không Việt Nam 2022
Nối tiếp thành công của Triển lãm quốc tế thiết bị Công nghệ ngành Hàng không Việt Nam (VIAE) được tổ chức vào năm 2019 tại TP.HCM với sự tham gia của hơn 50 doanh nghiệp Hàng không trong và ngoài nước, sau hơn 2 năm trì hoãn vì đại dịch Covid-19, Triển lãm Quốc tế Hàng không Việt Nam – VIAE 2022 sẽ được tổ chức trong năm nay.
Triển lãm Quốc tế Hàng không Việt Nam 2022 sẽ được tổ chức từ ngày 15-17/9/2022 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) với chủ đề “Phát triển bền vững cho tương lai tươi sáng”. Triển lãm sẽ là nơi hội tụ các chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp, các hãng hàng không, nhà sản xuất hàng đầu trong và ngoài nước,… để giao lưu, trao đổi, chia sẻ các cơ hội phát triển mới, sáng kiến mới, đồng thời thảo luận các chủ đề thiết thực cùng các chuyên gia, diễn giả uy tín trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó còn là nơi trưng bày các thiết bị, công nghệ Hàng không tiên tiến, các mô hình máy bay hiện đại.
Các chủ đề thảo luận tại triển lãm có: Hiện trạng hàng không hậu Covid-19; Kích cầu bay – các quy chuẩn vận hành tại sân bay; Những yêu cầu dành cho máy bay thế hệ mới: Thiết kế hệ sinh thái hàng không…
Hương Anh (tổng hợp)