vĐồng tin tức tài chính 365

FECON: Qua cơn bĩ cực liệu có đến hồi thái lai?

2022-04-08 14:47

Lợi nhuận giảm sâu

Báo cáo tài chính 2021 sau kiểm toán của Công ty Cổ phần FECON (MCK: FCN) cho thấy lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 70,8 tỷ đồng, giảm hơn 38% so với số liệu đã công bố trước đó và chỉ bằng 53% kết quả đạt được năm 2020. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất của doanh nghiệp xây dựng này trong 10 năm qua và là năm thứ hai liên tiếp doanh nghiệp báo lãi đi lùi.

Nguyên nhân chủ yếu của sự suy giảm lợi nhuận là do giá vốn của một số dự án tăng so với dự kiến ban đầu bởi giá nguyên vật liệu biển động bất động bất thường và chi phí nhân công tăng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên thời gian thi công một số công trình kéo dài hơn kế hoạch nên phát sinh thêm chí phí trong năm và ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết công trình.

Theo chia sẻ HĐQT FECON, công ty đã làm việc và có những trao đổi thống nhất với một số chủ đầu tư về việc điều chỉnh tăng giá hợp đồng thi công do các yếu tố biến động nêu trên nên doanh nghiệp này đã thực hiện tính toán lãi gộp trên cơ sở giả định có nguồn bù giá này. Tuy nhiên, đơn vị kiểm toán thực hiện ghi nhận lãi gộp giảm đi trên quan điểm chưa có bằng chứng chắc chắn về việc bù giá này từ đơn vị thầu chính, do đó dẫn đến việc giảm lợi nhuận như trên.

Bên cạnh đó, việc giải ngân đầu tư công còn chậm ảnh hưởng lớn đến các dự án hạ tầng. Công tác thu hồi công nợ cũng bị ảnh hưởng, làm phát sinh chi phí tài chính và khó khăn dòng tiền cho doanh nghiệp.

Về lý do chủ quan, Công ty đang trong giai đoạn chuyển đổi từ nhà thầu chuyên môn sang nhà thầu chính, hệ thống quản trị đang từng bước thích nghi với các mục tiêu kinh doanh mới, cần năng lực quản trị toàn diện hơn.

Hồ sơ doanh nghiệp - FECON: Qua cơn bĩ cực liệu có đến hồi thái lai?

Lợi nhuận doanh nghiệp xây dựng giảm sâu kỷ lục trong 10 năm.

Không chỉ lợi nhuận sụt giảm mạnh, FECON còn âm nặng dòng tiền kinh doanh năm 2021 đến 110,4 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước vẫn dương 88,6 tỷ đồng. Dòng tiền đầu tư cũng âm hơn 1.200 tỷ đồng khiến doanh nghiệp này buộc phải tăng vay nợ để bù đắp. Nợ vay tài chính của FECON thời điểm cuối năm 2021 đã tăng gần 900 tỷ đồng so với đầu năm lên mức gần 2.500.

Tính tới ngày 31/12/2021, tổng tài sản của FECON tăng 12% so với đầu năm lên 7.598 tỷ đồng. Trong đó, chiếm tỉ trọng lớn nhất là tài sản ngắn hạn với 5.142 tỷ đồng, giảm 7% so với đầu năm. Hàng tồn kho tăng mạnh 66% so với hồi đầu năm lên mức 1.710 tỷ đồng, chiếm 22,5% tổng tài sản.

Vận đen tiếp tục đeo bám doanh nghiệp khi đầu năm nay, Cục Thuế thành phố Hà Nội đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với FECON. Cụ thể, về thuế GTGT, công ty đã hạch toán thuế GTGT được khấu trừ các hóa đơn của các dự án không có doanh thu. Về thuế TNDN, Công ty hạch toán chi phí không phù hợp với doanh thu trong kỳ.

Theo đó, tổng số tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp FECON phải nộp là hơn 1 tỷ đồng.

Lãnh đạo bán cổ phiếu, xin từ nhiệm

Trước tình hình kinh doanh không mấy khởi sắc của doanh nghiệp, loạt lãnh đạo và người nhà lãnh đạo của FECON cũng đã đồng loạt đăng ký thoái vốn khỏi doanh nghiệp này.

Mới đây nhất, ông Trần Trọng Thắng, Phó Chủ tịch HĐQT FECON đăng ký bán 100.000 cổ phiếu FCN theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận từ 31/3 đến 29/4. Trước đó, ông Thắng từng bán ra 30.000 cổ phiếu FCN từ 13/1 đến 11/2, giảm sở hữu xuống 631.461 cổ phiếu, tương đương 0,4% vốn điều lệ.

Ông Phạm Hồng, bố đẻ Chủ tịch HĐQT Phạm Việt Khoa, cũng đăng ký thoái 26.500 cổ phiếu FCN theo phương thức khớp lệnh nhằm mục đích giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân. Thời gian dự kiến giao dịch từ 31/3 đến 29/4. Nếu giao dịch hoàn tất ông Hồng chỉ còn nắm giữ lô lẻ 25 cổ phiếu của FECON. Trước đây, ông Hồng cũng từng bán ra 268.900 cổ phiếu từ 10/1 đến 29/1, hạ số lượng nắm giữ xuống còn 26.525 cổ phiếu (tỉ lệ 0,02%).

Bà Phạm Thị Minh Hoa, em gái Chủ tịch HĐQT FECON Phạm Việt Khoa cũng đăng ký bán ra 16.300 cổ phiếu nhằm giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân. Phương thức giao dịch là khớp lệnh, dự kiến từ ngày 1/4 đến 30/4. Nếu giao dịch hoàn tất bà Hoa sẽ giảm sở hữu xuống còn vỏn vẹn 97 cổ phiếu lẻ tại doanh nghiệp này.

Hồi đầu năm, ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch HĐQT Fecon cũng đã bán hơn 1,4 triệu cổ phiếu để giải quyết nhu cầu cá nhân. Giao dịch được thực hiện từ ngày 20/12/2021 đến ngày 18/1/2022, ước tính số tiền thu về hơn 39 tỷ đồng.

Cùng thời điểm, ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng Giám đốc cũng đã bán 60.200 cổ phiếu theo phương thức giao dịch khớp lệnh hoặc thoả thuận từ ngày 22/12 đến ngày 20/1. Ông Nguyễn Song Thanh, thành viên HĐQT cũng bán 30.000 cổ phiếu theo phương thức giao dịch khớp lệnh hoặc thoả thuận cùng mục đích giải quyết nhu cầu cá nhân.

Ngoài ra, ông Nguyễn Song Thanh, thành viên HĐQT FECON cũng đăng ký 30.000 cổ phiếu để giảm sở hữu từ 31.471 cổ phiếu về còn 1.471 cổ phiếu, giao thực hiện từ 22/12/2021 đến 20/1/2022.

Hồ sơ doanh nghiệp - FECON: Qua cơn bĩ cực liệu có đến hồi thái lai? (Hình 2).

Diễn biến giá cổ phiếu FCN trên thị trường.

Động thái chốt lời của một loạt lãnh đạo và người nhà diễn ra trong thời điểm cổ phiếu FCN tăng mạnh và đạt đỉnh vào giữa tháng 1/2022. Tuy nhiên sau đó cổ phiếu này đã giảm sâu và hiện đang giao dịch trong vùng giá 27.800 đồng/cổ phiếu (chốt phiên sáng ngày 8/4).

Bên cạnh việc thoái vốn ồ ạt của loạt lãnh đạo và người nhà lãnh đạo thì mới đây hàng loạt nhân sự cấp cao của FECON cũng đã gửi đơn xin từ nhiệm nhiều vị trí chủ chốt tại công ty.

Cụ thể, 4 thành viên HĐQT của FECON bao gồm ông Hà Thế Phương, ông Phùng Tiến Trung, ông Phạm Trung Thành, ông Nguyễn Song Thanh và thành viên Ban Kiểm soát là bà Phạm Thị Hồng Nhung đã đồng loạt gửi đơn xin từ nhiệm vào ngày 4/4 với cùng chung một lý do là vì công việc cá nhân.

Tất cả những lãnh đạo trên đều được bổ nhiệm cho nhiệm kỳ 2019-2024 nhưng đều xin từ nhiệm ngay trước thềm Đại hội đồng cổ đông được tổ chức.

Nỗ lực tăng trưởng trở lại trong năm 2022

Trước bối cảnh dịch Covid -19 vẫn đang diễn biến phức tạp, HĐQT FECON đã xây dựng các kịch bản ứng phó với các tác động của dịch bệnh, củng cố và duy trì sự phát triển ổn định của FECON, tích lũy nội lực để tạo đà tăng trưởng trong tương lai ngay sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.

Trong năm 2022, doanh nghiệp cho biết sẽ tái cấu trúc và nâng cao chất lượng hoạt động của HĐQT, tăng số lượng thành viên HĐQT chuyên trách để giúp công tác điều hành hiệu quả hơn Tái cấu trúc các Công ty thành viên theo hướng tinh gọn để tập trung nguồn lực cho hoạt động kinh doanh cốt lõi, tăng cường năng lực cạnh tranh cho FECON.

Cùng với đó tiến hành chỉ đạo, phê duyệt và đôn đốc Ban điều hành công ty xây dựng và thực hiện kế hoạch kinh doanh chi tiết 2022 đảm bảo đạt được các mục tiêu tài chính đã đề ra và củng cố phát triển Tập đoàn FECON theo hướng bền vững, chất lượng và hiệu quả.

Song song đó, sẽ nâng cao hiệu quả công tác quản lý dự án thông qua việc hoàn thiện hệ thống cung ứng tập trung và đẩy mạnh kiểm soát chi phí và giá thành. Nâng cao hiệu quả quản trị tài chính tập đoàn và đẩy mạnh khai thác ứng dụng công nghệ thông tin (4.0) trong công tác quản lý dự án và quản trị doanh nghiệp.

Để cải thiện kết quả kinh doanh, FECON đang hướng đến là tổng thầu tại các dự án cơ sở hạ tầng và công nghiệp nặng nhằm giành được tỷ suất lợi nhuận cao hơn.

Năm 2022, FECON đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất đạt 5.000 tỷ đồng, tăng 44% so với thực hiện năm 2021 và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 280 tỷ đồng, tăng 296%. Về phía Công ty mẹ, FECON dự kiến doanh thu đạt 3.080 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 80 tỷ đồng, lần lượt tăng 27% và 67%.

Bên cạnh đó, Công ty sẽ trình cổ đông phương án chia cổ tức năm 2022 không quá 10% bằng tiền mặt.

Xem thêm: lmth.461945a-ial-iaht-ioh-ned-oc-ueil-cuc-ib-noc-auq-nocef/nv.nitaudiougn.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“FECON: Qua cơn bĩ cực liệu có đến hồi thái lai?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools