Ngày 8/4, Diễn đàn Nhịp cầu phát triển 2022 được tổ chức tại Tp.HCM và kết nối với các điểm cầu online đã ghi nhận nhiều thảo luận về tăng cường kết nối giữa các địa phương với doanh nghiệp trong nước và ngoài nước, thúc đẩy tăng trưởng xanh và bền vững,…
Tại chương trình, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM phát biểu: “Sự kiện được tổ chức tại Tp.HCM nên có nhiều ý nghĩa khi Thành phố và khu vực phía Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của đợt dịch Covid-19 vừa qua, đã bước đầu thích ứng, phục hồi và đạt một số thành tựu kinh tế nhất định”.
Lãnh đạo chính quyền Tp.HCM cho biết, để đạt được mục tiêu về kinh tế xã hội cùng với cả nước, trong bối cảnh dịch bệnh đã từng bước được kiểm soát, Tp.HCM quyết tâm không để lỡ cơ hội phục hồi kinh tế.
Cụ thể, Tp.HCM xác định chủ đề năm 2022 là Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp.
UBND Tp.HCM đã ban hành chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội thành phố giai đoạn 2022-2025; trong đó giai đoạn phục hồi đến hết năm 2022 và giai đoạn phát triển từ năm 2023 đến năm 2025.
Từ nay đến hết năm 2022, UBND Tp.HCM xác định khắc phục các hệ lụy, từng bước khôi phục hoạt động kinh tế-xã hội gắn với thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và cập nhật kịch bản tăng trưởng kinh tế phù hợp.
“Trong đó tập trung khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng từ lưu thông đến sản xuất, phân phối tiêu dùng; đảm bảo cung cấp đầy đủ hàng hóa thiết yếu, giao thông thuận lợi, nhanh chóng, an toàn cho người dân, người lao động; hạn chế tối đa những đứt gãy chuỗi cung ứng không đáng có”, ông Hoan nhấn mạnh.
Bước vào giai đoạn phát triển, từ năm 2023-2025, UBND Tp.HCM sẽ tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; giải quyết điểm nghẽn đối với sự phát triển nhanh và bền vững của thành phố; tập trung mọi nguồn lực để phát huy các thế mạnh là trung tâm kinh tế, tài chính; trung tâm thương mại-mua sắm; dịch vụ logistics; du lịch; đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ… của đất nước và khu vực.
Với vai trò là đầu tàu của nền kinh tế Việt Nam, trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Tp.HCM đang không ngừng phấn đấu hướng đến một cơ cấu kinh tế năng động, giá trị gia tăng cao và ít ô nhiễm môi trường.
Thành phố này ưu tiên các doanh nghiệp có năng lực đổi mới sáng tạo và năng lực quản trị tiên tiến; khuyến khích đầu tư phát triển các ngành nghề sản xuất, kinh doanh, tạo động lực trực tiếp cho tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế như: đổi mới sáng tạo, công nghệ cao, năng lượng tái tạo, lĩnh vực thâm dụng khoa học công nghệ…
Ông Hoan khẳng định, Tp.HCM xác định, hoạt động thu hút nguồn vốn FDI cần tạo bước đột phá để tận dụng triệt để lợi thế của Thành phố như nguồn nhân lực chất lượng cao trình độ phát triển công nghệ đang tiệm cận với khu vực; cơ sở hạ tầng đang được tập trung đầu tư tương đối hoàn chỉnh; môi trường đầu tư được cải thiện…
Năm 2021, Diễn đàn Nhịp cầu phát triển lần đầu tiên được tổ chức khi Chính phủ cam kết mạnh mẽ về phát triển, nhất là về chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng sạch, thích ứng biến đổi khí hậu trong giai đoạn phát triển mới hậu Covid-19.
Từ năm nay, chương trình sẽ trở thành thường niên dựa trên sáng kiến kết hợp sứ mệnh và nhiệm vụ giữa ngoại giao kinh tế và báo chí truyền thông kinh tế nhằm thúc đẩy mạnh mẽ và nâng cao hiệu quả các hoạt động kết nối, mở rộng hợp tác, cập nhật trao đổi các xu hướng mới của thế giới, giúp các địa phương và doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.