vĐồng tin tức tài chính 365

Ra lệnh cấm nhập than đá từ Nga, EU phải đối mặt với "con dao hai lưỡi" như thế nào?

2022-04-09 11:50

"Con dao hai lưỡi"

Theo tờ The New York Times (NYT-Mỹ), gói trừng phạt mới của EU dự kiến được thông qua ngày 6/4 nhưng đã bị trì hoãn do bất đồng quan điểm của chính các quốc gia thành viên trong khối.

"Quá trình ra quyết định phản ánh những thách thức trong việc đạt được thỏa thuận giữa tất cả 27 quốc gia thành viên về các lệnh cấm, đặc biệt khi một số quốc gia trong khối phụ thuộc nhiều hơn vào năng lượng của Nga so với những quốc gia khác", NYT nhận định.

Với lệnh trừng phạt mới, EU sẽ giảm dần sự phụ thuộc vào than đá Nga trong vòng 4 tháng, kéo dài thời gian hơn so với 3 tháng theo kế hoạch ban đầu.

Trước động thái của EU, có ý kiến cho rằng, việc cắt nguồn cung cấp than có thể gây ra nhiều tác hại cho khối này hơn là cho Nga, bởi việc cấm sử dụng than Nga có thể khiến giá năng lượng tăng vọt tại châu Âu, bất chất nguồn cung than đá thay thế dễ dàng tìm kiếm hơn so với nguồn cung khí đốt tự nhiên và dầu mỏ.

Ra lệnh cấm nhập than đá từ Nga, EU phải đối mặt với con dao hai lưỡi như thế nào? - Ảnh 1.

EU nhất trí dừng nhập than đá từ Nga. Ảnh:FT

Ông Carlos Torres Diaz, Phó chủ tịch cấp cao của hãng tư vấn Rystad, gọi các biện pháp trừng phạt này là “con dao hai lưỡi”.

Theo văn phòng thống kê của EU, Eurostat, vào năm 2019, 47% nhu cầu sử dụng than đá của EU đến từ Nga. Điều này khiến Moscow này trở thành nhà cung cấp nhiên liệu quan trọng nhất của EU. Theo bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, lượng than nhập khẩu từ Nga trị giá 4 tỷ euro/năm.

Tìm nguồn cung thay thế

Mỗi quốc gia thành viên có nhu cầu năng lượng khác nhau, và trong số những quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào năng lượng của Nga chính là Đức, nền kinh tế lớn nhất của khối. Theo số liệu của chính phủ Đức, gần một nửa tổng lượng than mà Đức nhập khẩu đến từ Nga, trị giá đạt 2,2 tỷ euro trong năm 2021. Chúng phần lớn được sử dụng để tạo ra điện và cung cấp năng lượng cho ngành công nghiệp thép của Đức.

Năm ngoái, chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz đã đưa ra kế hoạch để từ bỏ than đá vào đầu thập kỷ tới. Trong tháng trước, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng kinh tế Robert Habeck cho biết Đức sẽ hướng tới việc giảm phụ thuộc vào than đá của Nga vào cuối mùa hè năm nay.

"Việc thực hiện lệnh cấm vận than đã cho thấy chúng tôi chuẩn bị kỹ lưỡng như thế nào", ông Habeck nhấn mạnh.

Các nhà ngoại giao tại Brussels cho biết Đức và các nước khác đã yêu cầu tăng thêm thời gian để hoàn thành các đơn đặt hàng hiện tại và cắt giảm các hợp đồng hiện có trước khi thực hiện lệnh cấm.

Ông Habeck tiết lộ, các công ty Đức đã đàm phán lại hợp đồng với các nước xuất khẩu than đá khác nhưng các lô hàng đã được đặt hàng và đang được vận chuyển từ Nga sẽ không bị chặn lại hoặc quay đầu. "Nếu chúng tôi buộc những tàu hàng quay trở về thì chúng tôi có thể đối mặt với tình trạng thiếu hụt [than đá]", ông nói.

Theo Hiệp hội Nhập khẩu Than Đức, Mỹ, Colombia và Nam Phi có thể là nguồn cung thay thể, giúp bù đắp khoảng trống mà lệnh cấm tạo ra.

Văn phòng Thủ tướng Đức cho biết, trong một cuộc điện đàm hôm 6/4, Thủ tướng Scholz và Tổng thống Colombia Iván Duque Márquez đã thảo luận về vấn đề năng lượng.

Australia đã cung cấp gần một phần ba lượng than nhập khẩu của Liên minh châu Âu trong năm 2019. Giá than tại thị trường Australia cũng đã tăng vọt, do các công ty ở châu Âu tìm đến.

Ba Lan là quốc gia EU phụ thuộc nhiều nhất vào than đá. Trong khi phần lớn than của nước này được khai thác trong nước, khoảng 20% ​​được nhập khẩu từ Nga vào năm ngoái.

Tháng trước, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đã đề xuất luật cấm nhập khẩu than từ Nga.

Việc chấm dứt hoàn toàn nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Nga sẽ khó khăn hơn nhiều. Theo ông Habeck, Đức đã giảm được 15% sự phụ thuộc vào khí đốt từ Nga trong ba tháng đầu năm nay. Tuy nhiên cũng có những cảnh báo việc áp đặt các lệnh trừng phạt đối với khí đốt tự nhiên của Nga, cho rằng điều này có thể dẫn đến việc mất việc làm đáng kể trong các lĩnh vực hóa chất, khai thác mỏ và dược phẩm.

Ông Habeck đã trình bày dự thảo luật nhằm tăng tốc độ mở rộng năng lượng tái tạo của Đức, tập trung vào năng lượng gió và mặt trời.

Nhưng sẽ mất vài năm trước khi các cảng mới được xây dựng cho phép vận chuyển khí đốt tự nhiên hóa lỏng bằng tàu biển, cung cấp một sự thay thế cho vận chuyển bằng đường ống từ Nga. Và ngay cả khi thuận lợi thì Đức cũng có thể mất nhiều năm trước khi các thiết bị đầu cuối có thể thay thế gần 22% tỷ trọng khí đốt tự nhiên trong lĩnh vực năng lượng Đức.

https://soha.vn/ra-lenh-cam-nhap-than-da-tu-nga-eu-phai-doi-mat-voi-con-dao-hai-luoi-nhu-the-nao-20220408162748838.htm

Xem thêm: nhc.88111658090402202-oan-eht-uhn-ioul-iah-oad-noc-iov-tam-iod-iahp-ue-agn-ut-ad-naht-pahn-mac-hnel-ar/nv.fefac

Comments:0 | Tags:No Tag

“Ra lệnh cấm nhập than đá từ Nga, EU phải đối mặt với "con dao hai lưỡi" như thế nào?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools