Trong tuần qua, thông tin về việc Bộ Tài chính cho lấy ý kiến các bộ, ngành về việc nghiên cứu rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ bạn đọc.
Phần lớn bạn đọc cho rằng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế hiện nay là 11 triệu đồng và mức giảm trừ cho người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/người là quá thấp, không phù hợp với tình hình cuộc sống thực tế.
Người dân làm thủ tục thuế tại Cục Thuế TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG
Áp lực thu nhập, áp lực đóng thuế
Chia sẻ về vấn đề này, anh Đặng Văn Chương (TP.HCM) cho biết hiện nay lương tối thiểu vùng được chia theo khu vực: Khu vực thành thị và khu vực nông thôn. Mức sống ở hai khu vực này là khác nhau, thu nhập của người lao động tại hai khu vực này cũng khác nhau, trong khi thuế TNCN lại áp dụng chung cách tính thuế cho cả nước như vậy là chưa hợp lý và gây áp lực cho người lao động sống tại khu vực thành thị.
Lấy một ví dụ đơn giản, một người ở thành thị có thu nhập 20 triệu đồng/tháng, có một người phụ thuộc. Tính cả tiền giảm trừ gia cảnh và người phụ thuộc thì số tiền còn lại để tính thuế TNCN là 4,6 triệu đồng. Trong khi cũng với mức thu nhập đó ở vùng nông thôn, vẫn là 4,6 triệu đồng phải chịu thuế TNCN nhưng so về mức sống thì người lao động ở thành thị hằng ngày phải lo chi tiêu đủ thứ, vật giá, chi phí sinh hoạt đương nhiên cao hơn ở nông thôn.
“Xét về mức giảm trừ của người phụ thuộc, nuôi một đứa trẻ ở thành thị chi phí khác so với nuôi một đứa trẻ ở nông thôn. Mức giảm trừ 4,4 triệu đồng cho người phụ thuộc hiện nay là quá thấp. Do vậy, giờ đây ngoài việc lo thu nhập kiếm sống thì còn phải lo đóng tiền thuế, áp lực đủ đường” - anh Chương chia sẻ.
Tương tự, chị Nguyễn Lan Hương (TP.HCM) cho rằng việc tăng mức giảm trừ gia cảnh và tăng mức giảm trừ cho người phụ thuộc lên cao, kéo theo tiền thuế TNCN nộp về ngân sách nhà nước sẽ bị giảm.
Tuy nhiên, nếu nhìn lại hiện nay tiền thuế TNCN mà người dân đóng chủ yếu thu từ người lao động làm công ăn lương, có bảng lương thu nhập rõ ràng. Trong khi đó, rất nhiều người có thu nhập từ kinh doanh online, mua bán bất động sản… những người này thu nhập rất cao nhưng tiền thuế chưa chắc đã đóng cao hơn người làm công ăn lương.
“Tôi cho rằng để đảm bảo tính công bằng, hợp lý và tránh thất thu thuế thì ngoài việc đề xuất sửa đổi cách tính thuế TNCN lại cho phù hợp với tình hình thực tế, cơ quan quản lý cần có các biện pháp để kiểm soát được thu nhập của cá nhân. Có như thế mới tránh thất thu thuế TNCN, thay vì quy định một mức cố định như hiện nay” - chị Hương nhìn nhận.
Cần điều chỉnh theo lương tối thiểu vùng
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về vấn đề này, luật sư Từ Tiến Đạt, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng việc sửa đổi cách tính thuế TNCN là hết sức cần thiết. Một trong những nguyên tắc được quy định trong Luật Quản lý thuế 2019 là mọi tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của luật. Đồng thời, cơ quan quản lý thuế bảo đảm việc đóng thuế phải bình đẳng, công khai, minh bạch và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người nộp thuế.
Do đó, có thể điều chỉnh cách tính thuế TNCN dựa theo lương tối thiểu vùng. Hằng năm, lương tối thiểu vùng tăng thì mức giảm trừ gia cảnh và người phụ thuộc cũng tăng theo một mức nhất định hoặc một biên độ nhất định.
Phương án thứ hai cũng có thể xem xét tới, đó là giảm bậc tính thuế, nâng mức giảm trừ gia cảnh. Cụ thể, theo quy định tại Điều 7 Thông tư 111/2013 của Bộ Tài chính, hiện có bảy bậc tính thuế TNCN. Bậc thấp nhất là 5% của thu nhập tính thuế (sau khi trừ đi các khoản giảm trừ) và bậc cao nhất là 35%.
Theo luật sư Từ Tiến Đạt, thay vì quy định bảy bậc tính thuế thì có thể rút gọn thuế suất tính thuế TNCN xuống còn bốn bậc. Bên cạnh đó là xem xét đến việc nâng mức giảm trừ gia cảnh từ 11 triệu đồng/tháng lên mức 20 triệu đồng/tháng và mức giảm trừ đối với người phụ thuộc là 8 triệu đồng/người/tháng.•
Cách tính thuế thu nhập cá nhân hiện hành Căn cứ vào Điều 7 Thông tư 111/2013 của Bộ Tài chính, thuế TNCN phải nộp = thu nhập tính thuế x thuế suất. Trong đó, thu nhập tính thuế là khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công trừ đi các khoản giảm trừ gia cảnh, người phụ thuộc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… Thuế suất được chia ra làm bảy bậc: Thu nhập tính thuế/tháng đến 5 triệu đồng có thuế suất là 5%; Trên 5-10 triệu đồng là 10%; Trên 10-18 triệu đồng là 15%; Trên 18-32 triệu đồng là 20%; Trên 32-52 triệu đồng là 25%; Trên 52-80 triệu đồng là 30%; Trên 80 triệu đồng là 35%. Luật sư TỪ TIẾN ĐẠT, Đoàn Luật sư TP.HCM |