Là một trong 3 trụ cột trong Chương trình chuyển đổi số của TP HCM, kinh tế số đang được thành phố tích cực đẩy mạnh. Theo đó, TP HCM sẽ phổ biến kiến thức về chuyển đổi sang kinh tế số; xây dựng kế hoạch phổ biến kiến thức chung về xây dựng lộ trình và thực hiện chuyển đổi sang kinh tế số; giới thiệu, chia sẻ các bài học thành công và thất bại của doanh nghiệp (DN) khi chuyển đổi qua kinh tế số trên thế giới cũng như ở Việt Nam.
Thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số
Song song đó, hỗ trợ phát triển thương mại điện tử (TMĐT) bằng việc thúc đẩy áp dụng nhanh chóng nền tảng mã địa chỉ bưu chính VPostcode trong hoạt động TMĐT và logistics; tập trung tổ chức các chương trình xúc tiến TMĐT đa dạng với những DN TMĐT lớn, chấp hành nghiêm pháp luật để tạo sức lan tỏa trong cộng đồng DN.
Đồng thời, thúc đẩy chuyển đổi số tại các DN; tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa các hiệp hội thuộc những ngành khác nhau để tranh thủ sự hỗ trợ của các công ty tư vấn quản lý, công nghệ và chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số. Xây dựng và triển khai các hoạt động hỗ trợ những DN nhỏ và vừa, DN ngành nghề truyền thống, DN sản xuất chuyển đổi sang sản xuất sản phẩm, cung cấp dịch vụ trên các nền tảng số. Tổ chức đào tạo cho các DN nhỏ và vừa nhằm giúp họ tự đánh giá lại phương pháp sản xuất - kinh doanh, đánh giá lại chuỗi giá trị, mô hình kết nối với khách hàng để tự chuyển đổi phương pháp sản xuất - kinh doanh của mình theo phương thức mới.
TP HCM cũng tập trung triển khai hiệu quả các giải pháp theo Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, trong đó có giải pháp về nguồn vốn, quỹ hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Thúc đẩy chuyển đổi số tại các DN sản xuất công nghiệp, thay đổi quy trình sản xuất, tăng cường áp dụng các giải pháp công nghệ hiện đại, sáng tạo các mô hình sản xuất mới hiệu quả hơn và từng bước chuyển dịch sang phương thức sản xuất mới.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM Lâm Đình Thắng cho biết hiện vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau nhưng nhìn chung, kinh tế số là nền kinh tế phát triển trong kỷ nguyên số. Kinh tế số giúp gia tăng quy mô và thúc đẩy tăng trưởng cho các nền kinh tế. Bên cạnh đó, kinh tế số còn có ý nghĩa rất nhân văn là tạo cơ hội cho nhiều người hơn, góp phần làm giảm khoảng cách giàu - nghèo, giải quyết các vấn đề xã hội, tăng sự tham gia của người dân, DN vào việc hoạch định chính sách…
Theo ông Lâm Đình Thắng, lần đầu tiên TP HCM xác định được chỉ số đóng góp của kinh tế số vào GRDP của thành phố ở góc độ nghiên cứu khoa học. "Đó là cơ sở quan trọng để TP HCM bắt đầu định hình những chính sách phát triển kinh tế số" - ông nhấn mạnh.
Ông Lâm Đình Thắng cho biết TP HCM là một trong những địa phương có số dân sử dụng điện thoại thông minh cao nhất nước. Hạ tầng cáp quang, internet băng thông rộng, hạ tầng di động 3G, 4G phủ 100% phường, xã, thị trấn. Xu hướng số hóa, làm việc, học tập từ xa ngày càng lan rộng và phổ biến. Các ứng dụng công nghệ phục vụ đời sống người dân trên nhiều lĩnh vực được phát triển nhanh chóng. Đây là một trong những lợi thế và tiềm năng để kinh tế số của TP HCM đạt được những mục tiêu đề ra.
Hiện nay, 10 ngành được TP HCM ưu tiên chuyển đổi số là y tế, giáo dục, giao thông vận tải, tài chính - ngân hàng (NH), du lịch, nông nghiệp, logistics, môi trường, năng lượng, đào tạo nhân lực.
Theo một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, kinh tế số năm 2021 ước đạt hơn 8,2 tỉ USD. Dự kiến kinh tế số của TP HCM năm nay có thể đóng góp tới 15% GRDP. Kinh tế số không chỉ đóng góp về tăng trưởng mà còn giúp tăng năng suất lao động, cơ hội kinh doanh mới, tối ưu hóa cấu trúc nền kinh tế; giúp người dân giàu có hơn, thoát bẫy thu nhập trung bình.
Ông Luân Quốc Hưng, Phó Tổng Giám đốc EVNHCMC (cầm bút), giới thiệu về sản phẩm tự động hóa vừa được trao chứng nhận là sản phẩm “Make by EVN”, sáng 12-4. Ảnh: THANH NHÂN
Đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt
Ở lĩnh vực tài chính - NH, mới đây, UBND TP HCM đã có chỉ thị về đẩy mạnh thực hiện giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn. Theo đó, NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị sử dụng ngân sách làm thủ tục mở thẻ tín dụng; nghiên cứu triển khai giải pháp thúc đẩy thanh toán không tiền mặt trên nền tảng số, bảo đảm an toàn, bảo mật, thuận tiện cho người sử dụng.
TP HCM khuyến khích các NH thương mại phối hợp với UBND các huyện vùng xa trung tâm thành phố tăng cường tuyên truyền, có chính sách ưu đãi, khuyến khích cá nhân mở tài khoản thanh toán tại NH, miễn - giảm phí dịch vụ để tạo thói quen thanh toán không dùng tiền mặt.
Trên thực tế, tài chính - NH là một trong những lĩnh vực có sự bứt phá mạnh mẽ về chuyển đổi số thời gian qua, góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn TP HCM. Đặc biệt, từ khi chính thức có quy định cho phép các NH triển khai mở tài khoản thanh toán qua định danh trực tuyến (eKYC), số khách hàng mở tài khoản tăng đột biến; giao dịch không tiền mặt cũng tăng trưởng nhanh chóng.
Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Tổng Giám đốc NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), nhận định công nghệ số giúp gắn kết khách hàng, thúc đẩy thanh toán không tiền mặt. Hiện nay, phần lớn các NH tập trung nguồn lực theo 3 hướng: số hóa sản phẩm, dịch vụ và kênh giao dịch một cách liền mạch xuyên suốt; hoàn thiện nền tảng dữ liệu và công cụ phân tích để hiểu hơn về hành trình trải nghiệm của khách hàng; xây dựng văn hóa DN số với phương pháp làm việc mới.
Tại quầy giao dịch, Sacombank triển khai các công nghệ tự động hóa tiên tiến nhất để rút ngắn thời gian xử lý giao dịch. Trên các kênh khác, NH ứng dụng eKYC để xác thực thông tin cá nhân trực tuyến, dùng công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên phục vụ việc tư vấn, chăm sóc khách hàng.
Theo các NH, nhờ đẩy mạnh chuyển đổi số đã giúp hoạt động kinh doanh của NH duy trì bền vững và ổn định. Như tại NH TMCP Nam Á (Nam A Bank), nhờ nâng cấp toàn diện NH số Open Banking phiên bản 2.0 tăng tính năng, tiện ích, khách hàng được thực hiện các giao dịch trực tuyến nhanh chóng, an toàn, bảo mật mọi lúc mọi nơi.
"Ứng dụng công nghệ giúp NH có nhiều cơ hội tiếp cận và mở rộng cung ứng sản phẩm, dịch vụ phù hợp với giá cả hợp lý đến những thị trường rộng lớn mà người dân chưa có tài khoản, chưa có cơ hội tiếp cận dịch vụ NH. Từ đó góp phần gia tăng và phổ cập dịch vụ tài chính toàn diện" - đại diện Nam A Bank nhìn nhận.
Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính không chỉ phát triển mạnh ở các NH thương mại mà còn ở những công ty tài chính, ví điện tử, sàn TMĐT… Ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập kiêm Phó Chủ tịch ví điện tử MoMo, cho hay với tác động của đại dịch Covid-19, chỉ trong 2 năm (2020-2021), thanh toán điện tử đã tăng trưởng 3 con số. Giao dịch thanh toán điện tử trong lĩnh vực hành chính công, trường học, bệnh viện, điện - nước cũng tăng rất mạnh. Không chỉ vậy, người dân TP HCM và các đô thị lớn ngày càng quen với việc đi chợ, mua vé máy bay online... - phản ánh hình thức thanh toán này ngày càng phổ biến.
Chỉ tính riêng ví điện tử MoMo, đến nay đã có tới 31 triệu người dùng. Riêng trong 2 năm 2020 - 2021, mỗi năm có thêm 10 triệu người dùng mới.
Bán lẻ: Chuyển đổi số để tồn tại
Ở lĩnh vực thương mại - bán lẻ, mặc dù không nằm trong các lĩnh vực được ưu tiên trong chương trình chuyển đổi số nhưng nhiều DN ở TP HCM cũng tự chuyển đổi số để thích ứng và phát triển.
Sự thay đổi trong thói quen lẫn xu hướng tiêu dùng diễn ra nhanh chóng kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, cùng với đó là những vấn đề phát sinh trong vận hành, hậu cần, chuỗi cung ứng là lực đẩy buộc các DN bán lẻ chuyển đổi số để tồn tại và phát triển. Chỉ riêng các tháng đầu năm 2022, trong khi doanh thu mảng bán lẻ trực tiếp xuống thấp thì doanh thu mảng TMĐT của các DN bán lẻ vẫn báo cáo tăng trưởng.
Sự dịch chuyển từ cửa hàng truyền thống sang các nền tảng TMĐT là một phần trong xu hướng số hóa ngành bán lẻ TP HCM và cả nước. Các DN bán lẻ phải tính toán bài toán trải nghiệm đa kênh của khách hàng, từ đó tăng hiệu quả vận hành của cả hệ thống và có những bước đi khá mạnh mẽ trong công nghệ số cho phù hợp với khách hàng trẻ.
Hiện nay, hầu hết các DN bán lẻ lớn như Saigon Co.op, Big C, MM Mega Market, AEON, WinMart… đều đang vận hành các kênh mua sắm trực tuyến thông qua website, app (ứng dụng điện thoại), Zalo… Song song đó, DN không ngừng hiện đại hóa kênh bán hàng trực tiếp thông qua việc tạo thuận lợi tối đa cho khách hàng trong thanh toán, liên kết với các NH, ví điện tử để chấp nhận thanh toán bằng thẻ NH, ví điện tử…
Trong lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, nhiều tập đoàn lớn đang đầu tư mạnh mẽ cho chuyển đổi số. Chẳng hạn, Phúc Sinh Group - DN chuyên về xuất khẩu nông sản ở TP HCM - nhờ đầu tư cho chuyển đổi số từ rất sớm đã giúp công ty tư nhân này vươn lên dẫn đầu ngành hàng của mình trong nhiều năm liền với doanh số khoảng 6.000 tỉ đồng/năm. Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Phúc Sinh Group - thường được biết đến với tên gọi "vua hồ tiêu", rất tự hào về điều này khi ngành hồ tiêu có sự tham gia của nhiều tập đoàn nước ngoài.
"Phúc Sinh đã ứng dụng hệ thống ERP (tích hợp các phần mềm từ kế toán, nhân sự, bán hàng… phục vụ tất cả hoạt động của DN) từ năm 2007. Nhiều chuyên gia hoạch định chiến lược rất ngạc nhiên bởi Phúc Sinh khi đó là một DN nông nghiệp với quy mô nhỏ. Trước khi làm ERP, các phòng, ban có nhiều quyền lực.
Nhiều lúc, nhiều việc họ có thể làm chậm một vài ngày. Nhưng sau khi có ERP, họ không thể làm chậm được vì tất cả báo cáo, dữ liệu phải cập nhật ngay. Hiện Phúc Sinh vẫn tiếp tục đầu tư cho chuyển đổi số với đội ngũ kỹ sư công nghệ thông tin không phải để viết phần mềm mà để kết nối giữa các công ty phần mềm bên ngoài và nội bộ. Việc số hóa giúp việc quản lý công ty minh bạch, dễ dàng với ít nhân sự" - ông Thông nhấn mạnh.
Xu thế tất yếu của ngành điện
Tại Hội nghị Tự động hóa năm 2022 với chủ đề "Tự động hóa ngành điện trong xu thế chuyển đổi số" do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức ngày 12-4 ở TP HCM, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc EVN, cho biết năm 2021, Tập đoàn Điện lực Singapore (SPGroup) đánh giá chỉ số lưới điện thông minh của Tổng Công ty Điện lực TP HCM (EVNHCMC) đứng thứ 2 ASEAN.
"Chính vì có lưới điện thông minh đồng bộ với khâu cải tiến thủ tục hành chính nên trong thời gian qua, chỉ số tiếp cận điện năng của điện lực TP HCM đã được các tổ chức quốc tế đánh giá cao, chất lượng phục vụ điện cho người dân được cải thiện nhiều" - ông Lâm nhìn nhận và cho rằng chuyển đổi số là xu thế tất yếu nhưng cũng là con đường dài, rất khó khăn nên việc lựa chọn những bài toán và bước đi phù hợp rất quan trọng.
Ông Luân Quốc Hưng, Phó Tổng Giám đốc EVNHCMC, cho biết từ những năm 2014-2015, tổng công ty đã bắt đầu triển khai tự động hóa lưới điện, đến nay đã kết nối, thử nghiệm và đưa vào vận hành điều khiển từ xa 56/56 (100%) trạm 110 KV. Đối với lưới điện trung áp 22 KV, EVNHCMC đang vận hành điều khiển xa 64 trạm ngắt và 1.062 tuyến dây. Các tuyến dây đều được phân đoạn và giao liên với nhau bằng thiết bị đóng cắt có chức năng SCADA để có thể thao tác điều khiển từ xa khi cần thiết.
Kết quả thấy rõ của quá trình ứng dụng tự động hóa, số hóa là độ tin cậy của lưới điện TP HCM không ngừng được nâng cao. Trong giai đoạn dịch Covid-19 căng thẳng tại TP HCM, việc ứng dụng tự động hóa, vận hành và điều khiển từ xa lưới điện đã mang lại hiệu quả tích cực. Từ phòng trực của Trung tâm Điều độ hệ thống điện, các kỹ sư có thể theo dõi và điều khiển tất cả thiết bị trên lưới điện của toàn TP HCM, duy trì cấp điện với độ tin cậy cao cho thành phố.
Một điểm sáng khác trong việc số hóa của EVNHCMC là sản phẩm tự động hóa Chương trình quản lý mất điện trên sơ đồ đơn tuyến OMS do đội ngũ nội bộ tổng công ty nghiên cứu, xây dựng. Sản phẩm này đã được EVN công nhận là 1 trong 6 sản phẩm "Make by EVN".
(Còn tiếp)
Xem thêm: mth.25194041221402202-mch-pt-auc-iom-gnourt-gnat-cul-gnod/et-hnik/nv.moc.dln