Chỉ số lạm phát ở châu Á – bao gồm các quốc gia Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Hàn Quốc, gần đây đã tăng cao hơn dự báo. Trong khi đó, New Zealand hôm 13/4 nâng lãi suất lên mức cao nhất trong 22 năm, do lo ngại về giá cả tăng quá nóng. Hơn nữa, chi phí sản xuất tăng nhanh cho thấy điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra.
Thị trường tài chính đang bắt đầu phản ứng khi kỳ vọng lạm phát tăng cao và các NHTW châu Á có động thái tích cực hơn để kiểm soát tình hình giá cả. Điều này cũng tương tự như những gì vừa diễn ra ở Mỹ, khi số liệu mới công bố cho thấy lạm phát tháng 3 tăng mạnh nhất kể từ cuối năm 1981, tiếp tục tạo áp lực cho Fed.
Lợi suất trái phiếu chính phủ của khu vực này đã tăng trong năm nay, dẫn đầu là Hàn Quốc, trong khi chỉ số theo dõi lợi nhuận của trái phiếu các thị trường mới nổi châu Á giảm 2,6% - ghi nhận thành tích tồi tệ nhất kể từ năm 2013. Điều này báo hiệu khả năng một số NHTW sẽ nâng lãi suất để kiểm soát lạm phát và hỗ trợ các đồng nội tệ khi dòng vốn "tìm đường" rời khỏi khu vực này.
Xung đột Nga – Ukraine đã trở thành một "bước ngoặt", gây ra sự biến động cho thị trường hàng hóa. Giá năng lượng và nhiên liệu theo đó đã tăng cao hơn và đe dọa đến nguồn cung ngũ cấp cho khu vực tiêu thụ hàng đầu thế giới. Phân bón và chi phí vận chuyển tăng cũng đang ảnh hưởng đến giá lương thực toàn cầu vốn cao kỷ lục.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết đầu tháng này, giá hàng hóa tăng cao dự kiến sẽ khiến lạm phát ở châu Á tăng thêm 1 điểm phần trăm lên 3,7% trong năm nay. Dù mức này vẫn tương đối thấp so với Mỹ, nhưng các nhà hoạch định chính sách bị buộc phải chuyển trọng tâm điều chỉnh chính sách và trấn an nhà đầu tư.
PPI và CPI của một số quốc gia châu Á
Theo Australia & New Zealand Banking Group, dòng vốn ròng 22,3 tỷ USD đã rời khỏi các thị trường mới nổi châu Á (không tính Trung Quốc) trong năm ngoái. Đây là đợt bán tháo lớn chưa từng có kể từ tháng 3/2020.
Ấn Độ - quốc gia đông dân thứ 2 thế giới, đang gặp khó khăn trong việc mua bán lương thực và năng lượng hàng ngày. Tại quầy bán rau của Dnyaneshwar Uttam Sante ở ngoại ô Mumbai, người mua có thể chứng kiến lạm phát thông qua một túi nhựa đựng rau trộn mà anh ta đóng gói cho khách hàng: Sante tính phí 450 rupee (gần 6 USD), cao hơn khoảng 80% so với vài tuần trước.
Sante nói: "Tôi không có cách nào khác". Khi đó, một khách hàng đã phàn nàn về mức giá tăng cao đến mức "không thể tin nổi" của bình gas nấu ăn – tăng gần 30% lên 950 rupee.
Phản ứng của Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) cũng ví dụ cho thấy áp lực ngày càng lớn mà châu Á đang phải đối mặt. Thống đốc Shaktikanta Das tuần trước nói về "sự thay đổi mang tính kiến tạo" trong triển vọng kinh tế vĩ mô và lạm phát kể từ cuối tháng 2 – về cơ bản là xung đột Nga – Ukraine, đã đảo lộn triển vọng lạm phát sẽ dịu lại trong năm nay. Ông cho biết NHTW Ấn Độ đặt mối ưu tiên lạm phát lên trên tăng trưởng.
Tại Trung Quốc, giá sản xuất đã tăng 8,3% so với 1 năm trước, thấp hơn so với 8,8% trong tháng 2 nhưng vẫn cao hơn ước tính trung bình là 8,1%. Ở Nhật Bản Giá tiêu dùng không bao gồm thực phẩm tươi sống đã tăng 0,6% trong tháng 2 so với 1 năm trước, với tốc độ nhanh nhất trong 2 năm do chi phí năng lượng tăng lên.
NHTW Hàn Quốc và Singapore cũng họp trong tuần này. Các nhà kinh tế có quan điểm chia rẽ về khả năng tiếp tục tăng lãi suất tại Seoul. Trong khi đó, Singapore dự kiến sẽ mạnh tay hơn để chế ngự lạm phát đối với các hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là năng lượng.
HSBC nhận định, lương thực, thực phẩm gây rủi ro lạm phát lớn nhất cho các NHTW châu Á, dù đây là khu vực xuất khẩu ròng loại hàng hóa này. Các đợt phong tỏa ở Trung Quốc nhằm chống dịch là một nguyên nhân khác có thể gây lạm phát cho lĩnh vực logistics.
Hơn nữa, giá tiêu dùng còn có khả năng tăng cao hơn do chi phí đầu vào của các nhà sản xuất tiếp tục đi lên. Mối tương quan giữa giá nhà máy và chi phí tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, vì một số doanh nghiệp cũng chịu phí chênh lệch hay tỷ giá đồng nội tệ có thể giúp giảm bớt những cú sốc. Song, các nhà phân tích của ANZ và Nomura nhận thấy lạm phát còn tiếp tục tăng lên.
Krystal Tan – chuyên gia kinh tế của ANZ, nói về mức giá mà các nhà sản xuất và người tiêu dùng phải trả: "Chênh lệch giữa PPI và CPI hiện là rất lớn. Điều cho tôi thấy rằng sẽ có những áp lực giá đáng kể, cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến CPI khi các nhà sản xuất bắt đầu chứng kiến chi phí đầu vào cao hơn."
Kenneth Wong – giám đốc của một trong những nhà sản xuất đồ lót hàng đầu thế giới, có các nhà máy ở Trung Quốc, Campuchia và Thái Lan, đang cảm thấy những khó khăn ập đến. Ông chứng kiến giá dầu tăng vọt đối với khoảng 20 thành phần cần thiết cho quần áo như vải, đệm mút, dây kim loại và bộ điều chỉnh bằng nhựa.
Và giá cả vẫn đang leo thang, theo Wong. Thông thường, Wong sẽ báo giá cho khách hàng với tiêu chuẩn là "vòng đời" của sản phẩm, chẳng hạn như 3 năm. Hiện tại, ông đang phải liên tục cập nhật giá.
Wong chia sẻ: "Trước đây, khi mua những thứ như chun, chỉ hoặc khóa, chúng tôi thậm chí còn không phải suy nghĩ. Tuy nhiên, bây giờ chúng tôi thực sự phải sát sao với việc này."
Tham khảo Bloomberg
http://tintuc.vdong.vn/04/1313035.htm