Ủi phẳng quả đồi: chuyện nhỏ ở Lâm Đồng
Tại Lâm Đồng, để phân lô xẻ nền, ngoài hiến đất làm đường, việc xẻ đồi bạt núi diễn ra khắp nơi. Bảo Lộc, Bảo Lâm, Di Linh, Lâm Hà, Đức Trọng... đều trở thành điểm nóng của việc thay đổi hiện trạng đất để mua bán bất động sản. Đáng nói, việc này diễn ra quy mô, có tổ chức.
Những dự án "nhiều không"
Khu đất được đặt tên Sun Valley (đường Tản Đà, xã Lộc Quảng, huyện Bảo Lâm) có thể xem là "công nghệ" thực hiện những dự án lậu trên nền đất từng là đồi chè cà phê chuyên canh.
Theo UBND xã Lộc Quảng, khu vực Sun Valley trước đây của người dân địa phương canh tác cà phê rồi được nhiều người khác mua lại. Sau đó, họ xin hiến đất làm đường, đấu nối với đường liên thôn 4 và thôn 6 đang được thi công.
Khu vực được giới mua bán đất gọi là "dự án" Sun Valley là một vùng đồi hơn 40ha đã bị san gạt tung tóe để phân lô. Địa hình đã bị biến đổi hoàn toàn ở đại dự án "lậu" này.
Tại đây, công trình kiên cố với bêtông cốt thép đang được xây dựng. Nhiều quả đồi trong phạm vi của dự án này đã bị xóa sổ. Nhân viên bán hàng đã quảng cáo khắp nơi, chào bán hơn 1.200 lô đất (tại Lâm Đồng, các dự án có phép chưa từng đầu tư dự án "lớn" tương tự - PV).
Các dự án lậu ở Bảo Lộc, Bảo Lâm có đặc điểm chung: không có giấy chứng nhận đầu tư dự án bất động sản, không được cấp phép thi công đường, không được cấp phép san gạt đất đai, không được phép đấu nối với đường giao thông hiện hữu...
Trong cùng một khu vực đường được gọi là "dự án" nhưng đất được phân nhỏ cho nhiều người cùng đứng tên.
Lâm Đồng đã cấm mở đường mới ngoài quy hoạch nhưng giữa lòng khu rừng ở xã B’lá (huyện Bảo Lâm), gần khu đất tự đặt tên The Tropicana Garden 2, một con đường nhựa vẫn được mở - Ảnh: M.V.
Vứt bỏ cà phê làm "nhà sinh thái"
"Tại đường Phan Đình Phùng (phường Lộc Tiến) ngay dưới đường dây điện cao thế là một "dự án" chưa được đặt tên đã san gạt gần như hoàn chỉnh mặt bằng. Đất bị đào lên chở đi nơi khác, đường đất đỏ đã xuất hiện rõ rệt.
Quả đồi nằm ở khu đất hơn 10ha này đã bị san bằng dù chưa có bất kỳ một giấy phép nào cho phép chủ khu đất được cải tạo mặt bằng, thay đổi hiện trạng đất. Những người dân trong khu vực cho chúng tôi biết khu đất bị san ủi rầm rộ nhiều tháng liền và chỉ mới dừng gần đây khi hình hài một dự án phân lô xẻ nền hình thành.
Con suối đi ngang khu đất cũng bị san gạt đến tận mép nước. Mỗi khi mưa lớn, đất đỏ cuộn đổ về đỏ quạch. Đáng nói hơn, khu đất này nằm ở vùng trung tâm TP Bảo Lộc, cách Thành ủy, UBND TP Bảo Lộc không xa.
Đi theo tỉnh lộ 725, cách quốc lộ 20 khoảng 40km chúng tôi đến xã nghèo B’Lá (huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng). Cạnh một rừng thông lớn là khu "Làng sinh thái The Tropicana Garden" với 93 căn nhà tiền chế xây trên diện tích 2,9ha.
Khu đất này từng là đất trồng cà phê, sau khi UBND huyện Bảo Lâm điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất chuyển thành đất ở nông thôn và chủ đất cho san ủi phân lô.
Đầu năm 2022, đoàn kiểm tra của UBND tỉnh Lâm Đồng đã đến The Tropicana Garden và nhấn mạnh đây là dự án kinh doanh bất động sản núp bóng nhà ở cá nhân.
Việc xác định sai phạm ở đây đã được chỉ ra, tuy nhiên việc giao dịch mua bán các lô đất vẫn chưa bị ngăn chặn. Nhân viên kinh doanh ở đây cho chúng tôi biết các lô đất đã được bán qua tay nhiều lần.
"Chỉ có lô của chị Trang chủ dự án vẫn là F0. Nếu anh mua thì mua lô đó", nam nhân viên này nói.
Ủi rừng làm đường, có sao đâu!?
Cách đó không xa, ngay giữa khu rừng là một đồi cà phê đã bị cạo trọc. Quanh khu đất vẫn còn cà phê và rừng thông. Khu đất đã bị xẻ ngang xẻ dọc bằng đường nhựa. Tuy nhiên, đường chính dẫn vào khu vực này vẫn là đường đất đỏ dẫn xuyên qua rừng.
Một cán bộ ngành xây dựng tại địa phương bảo: "Không rõ quy hoạch được điều chỉnh kiểu gì mà đất xây dựng lại lọt vô giữa rừng, nơi chưa có hạ tầng dân cư".
Tại khu vực tiếp khách, các tư vấn viên giới thiệu về "dự án" nghỉ dưỡng này với hơn 70 lô được phân chia sẵn. Toàn bộ khu vực đang xây dựng và sắp được mở rộng, bán cho khách dạng đất nền là khoảng 7ha.
"Cò" đất nói với chúng tôi đây là The Tropicana Garden 2, mỗi căn được bán 3-4 tỉ. Sắp tới sẽ có thêm nhiều khu tương tự xung quanh.
Bất chấp UBND tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu dừng san gạt, làm đường nhưng quanh khu vực này chúng tôi ghi nhận việc san gạt quy mô lớn vẫn diễn ra. Đường nhựa vẫn được xây dựng mà không thấy bóng dáng cơ quan chức năng.
Điều làm chúng tôi bất ngờ nhất là cứ cách 1-2km lại có một đường bêtông lớn, là đường tắt xuyên rừng nối tỉnh lộ 725 xuống những khu vực đang san gạt, làm đường. Những người làm vườn trong khu vực cho biết các con đường bêtông vốn là đường mòn dân đi làm vườn, khi có những "dự án" thì đường xuyên rừng được mở to ra.
Theo UBND huyện Bảo Lâm, toàn bộ những con đường chúng tôi vừa nêu đều chưa có trong quy hoạch giao thông và những khu đất đang san ủi đều không có giấy phép.
Đua nhau san gạt làm đất nền
Ở các địa phương nêu trên tại Lâm Đồng có hàng trăm khu đất có diện tích từ 1ha trở lên đã và đang bị san gạt, cày xới. Đối với những khu có diện tích dưới 1ha thì không thể đếm xuể. Chỉ cần chạy dọc những con đường cũng có thể dễ dàng nhìn thấy cảnh tượng những mảng đồi trọc đang lấn át dần những mảng xanh.
Những khu bị san gạt không phép còn áp sát những khu rừng. Một cảnh tượng hỗn loạn chưa từng có trong lịch sử phát triển của nơi này.
Xem thêm: mth.72085718081402202-tout-ol-nahp-nab-gnal-gnur-tad-1-yk-nen-nab-ol-nahp-aoh/nv.ertiout