Sự việc nóng lên khi TP Hội An ban hành Phương án 610/PA-UBND về tăng cường công tác quản lý hoạt động hướng dẫn tham quan khu phố cổ Hội An bắt đầu từ ngày 15-5.
Từ câu chuyện thu phí vào Hội An, có người còn liên tưởng đến cả việc bà con, người thân, bạn bè đến Hội An thăm nhau cũng phải mua vé 80.000 đồng/người, thậm chí người ở gần Hội An đến ăn đám cưới, đám giỗ cũng lo bị thu phí. Có sự liên tưởng này là do dư luận tiếp nhận thông tin không đầy đủ trong khi đại diện chính quyền lại nói không rõ, dẫn đến nhiều cách hiểu bị lệch.
Năm 1995, Hội An đã có “Quy chế quản lý khách tham quan du lịch phố cổ Hội An” với vé trọn gói tham quan khu vực I phố cổ. Từ ngày 1-11-2012 đến nay, Hội An vẫn bán vé 120.000 đồng/lượt khách quốc tế và 80.000 đồng/lượt khách trong nước chứ không phải bây giờ mới bán. Hơn 10 năm qua du khách vẫn hài lòng, lượng khách đến Hội An vẫn đông đúc và không hề có bất cứ phản ứng nào.
Nhưng việc không nêu rõ khu vực I là khu vực nào và không thông tin rõ ràng dẫn đến dư luận hiểu lầm rằng Hội An bắt toàn bộ người vào khu phố cổ đều phải mua vé theo kiểu tận thu. Trong khi đó, như đã nói, khu vực I chỉ toàn là di tích và các cửa tiệm cổ buôn bán hàng hóa tái hiện không gian phố cổ xưa, vốn là điểm tham quan.
Theo lý giải của ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP Hội An, việc bán vé này không phải là tận thu của du khách trong nước. Người thân của người đang sinh sống, buôn bán ở khu vực I đều có thể vào thăm nom nhau mà không cần phải mua vé. Mục đích chính của phương án này là để chống thất thoát vé trong các đơn vị lữ hành và tạo ra sự công bằng giữa các doanh nghiệp.
Theo ông Sơn, du khách bỏ tiền ra mua tour du lịch, trong đó có trả phí cho cả việc mua vé tham quan các di tích của Hội An, thế nhưng khi các đơn vị lữ hành dẫn khách đến thì lại “lách” không mua vé mà dẫn khách lang thang ở phố cổ.
Tương tự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự cũng cho rằng dư luận rầm rộ mấy ngày qua là do chính quyền nói không rõ dẫn đến hiểu sai. Kể cả thông tin về phân luồng người dân và du khách. Ở đây là TP Hội An sẽ hướng dẫn khách đi theo đoàn thì mua vé ở đâu, đi vào đường nào, chỗ trạm nào bán vé để tránh dẫn khách đi lang thang. Còn với người Hội An, người dân tới đây muốn đi đường nào thì đi, không cấm.
Có một điều cần ghi nhận là dư luận có ý kiến nhiều chiều về vấn đề này trong mấy ngày qua chứng tỏ người dân rất yêu Hội An nên mới quan tâm như thế.
Hội An có chín loại hình kiến trúc với hơn 1.000 di tích. Các di tích đều rệu rã vì có tuổi đời hàng trăm năm, hạ tầng lại đang không thể đáp ứng với số lượng khách khổng lồ đến mỗi ngày. Hội An gần như lúc nào cũng quá tải. Xả thải, vứt rác bừa bãi, tiếng ồn, giao thông ùn tắc… đang uy hiếp di sản này. Nếu không bán vé sẽ không có kinh phí để trùng tu, bảo dưỡng, giảm áp lực lên di tích.
Tuy nhiên, nói đi phải nói lại, để thu tiền vé của khách trong nước, Hội An phải xem lại các khâu phục vụ, nhà vệ sinh, môi trường, quản lý trật tự… và quy hoạch lại khu vực I chứ không để buôn bán hàng rong lôm côm, quán nhậu tràn lan, bát nháo như hiện nay. Du khách muốn mua sắm, ăn uống và người dân buôn bán hãy ra khu vực khác.
Như thế, mọi người có thể tham quan khu phố cổ và cũng sẽ có nơi để ăn uống và mua sắm. Bởi di sản văn hóa thế giới hàng trăm tuổi như Hội An cần được giữ gìn một cách thận trọng, kể cả việc lắng nghe và ghi nhận những góp ý nhiều chiều.