Cụ thể, ngày 6/4, đồng rúp Nga đã giảm xuống mức 81,6 rúp đổi 1 USD, đánh dấu mức thấp nhất của đồng tiền này kể từ tháng 4/2022.
Việc tỷ giá đồng rúp so với đồng USD vượt qua mức tâm lý 80 rúp/USD xuất phát từ những báo cáo gần đây cho biết Shell đang có kế hoạch hồi hương hơn 1 tỷ USD thu nhập của hãng về nước.
Nói với Bloomberg, Dmitry Polevoy, thuộc công ty đầu tư Locko-Invest, cho rằng với việc thanh khoản trên thị trường tiền tệ đang ở mức thấp, động thái này sẽ làm đồng rúp biến động.
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đồng ý chuyển cho Shell 94,8 tỷ rúp (1,2 tỷ USD) để mua lại số cổ phần mà Shell nắm giữ tại dự án Sakhailin-2, một dự án khí đốt ở Viễn Đông.
Sau khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2 năm ngoái, đồng rúp của Nga đã giảm xuống còn 130 rúp đổi 1 USD. Tuy nhiên, bất chấp các đòn trừng phạt từ phương Tây, đồng tiền của Nga đã phục hồi một phần nhờ xuất khẩu năng lượng vẫn tăng ổn định.
Nhưng sau khi chạm mức cao nhất 60 rúp đổi 1 USD vào tháng 6 năm ngoái, thu nhập từ năng lượng bắt đầu bị ảnh hưởng và nhu cầu về đồng USD tăng lên, dẫn đến khủng hoảng thanh khoản ngày càng tăng.
Trong khi đó, nguồn vốn vẫn tiếp tục tháo chạy khỏi Nga. Theo báo cáo của Bloomberg, tổng tài sản bán ra từ các công ty rời đi đã lên tới 15-20 tỷ USD vào năm ngoái.
Trong tuần này, chi nhánh tại Nga của ngân hàng Raiffeisen Bank International AG đã cấm chuyển USD cho bất kỳ ai, ngoại trừ khách hàng cao cấp. Ngân hàng này cũng nâng số tiền chuyển tối thiểu là 20.000 USD.
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã vượt qua đồng USD trở thành đồng tiền được giao dịch nhiều nhất tại Nga, vì các biện pháp trừng phạt của phương Tây khiến các tổ chức ở Nga khó thực hiện các giao dịch dựa trên đồng USD.