Công ty Cổ phần DNP Holding (HNX: DNP), tiền thân là Công ty Cổ phần Nhựa đồng Nai, thành lập từ năm 1976 với mô hình công ty đầu tư. Năm 2004, công ty được cổ phần hoá với vốn điều lệ ban đầu là 3 tỷ đồng. Bước sang năm 2006, công ty chính thức niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội với mã giao dịch là DNP.
Dấu ấn của doanh nhân Vũ Đình Độ
Mặc dù gia nhập vào thị trường kinh doanh từ sớm nhưng phải đến năm 2012, sau khi tái cấu trúc doanh nghiệp ngành nhựa này mới bắt đầu ghi nhận được những bước vọt nổi bật trong tình hình sản xuất kinh doanh. Đây cũng là năm DNP Holding đón nhận sự gia nhập của ông Vũ Đình Độ.
Năm 2014, ông Vũ Đình Độ nắm giữ chức vụ Tổng Giám đốc DNP Holding. Ngay sau đó một năm, ông Độ chính thức ngồi vào ghế nóng, giữ chức Chủ tịch HĐQT. “Chào đón" tân Chủ tịch, DNP Holding tăng vốn điều lệ lên 67 tỷ đồng trong năm 2015.
Trong hành trình phát triển các năm tiếp theo, quy mô tài sản của DNP Holding liên tục tăng bằng lần, năm 2016, công ty tăng vốn điều lệ lên 300 tỷ đồng, gấp 4,4 lần so với năm trước.
Tính từ 2016-2022, DNP Holding đã thực hiện thêm 6 lần tăng vốn điều lệ khác. Tính đến năm 2022, quy mô vốn của công ty ở mức 1.189 tỷ đồng, tăng gấp 396 lần số vốn điều lệ ban đầu.
Tuy nhiên, với chiều tăng của quy mô vốn điều lệ, tình hình vay nợ của công ty cũng trên đà “phi mã”. Cụ thể, tính tại ngày 31/12/2022, nợ phải trả của DNP Holding chạm mức 11.967 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ.
Về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, trong giai đoạn từ 2012-2016, DNP thiết lập kỷ lục vào năm 2016 với doanh thu đạt 1.454 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 96 tỷ đồng, tăng lần lượt 61% và 81% so với năm 2015.
Tuy nhiên những năm sau đó, mặc dù doanh thu liên tục được cải thiện nhưng lợi nhuận của doanh nghiệp lại theo chiều ngược lại. Đáng chú ý, năm 2018, doanh thu thuần của DNP ghi nhận 2.181 tỷ đồng nhưng chỉ báo lãi vỏn vẹn 12 tỷ đồng.
Bước sang năm 2022, doanh thu thuần của DNP ghi nhận 7.692 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, doanh thu từ hoạt động tài chính của công ty ghi nhận tăng mạnh từ 275 tỷ đồng trong năm 2021 lên 511 tỷ đồng trong năm 2022, tương đương tăng hơn 85%.
Sau khi trừ các chi phí, DNP Holding thu về khoản lợi nhuận đạt 94,8 tỷ đồng, tăng 317% so với cùng kỳ 2021. Tuy nhiên, khoản lãi trên vẫn chưa thể vượt đỉnh lợi nhuận 96 tỷ đồng được lập vào năm 2016 của công ty.
Tại một diễn biến khác, trong năm 2022, Công ty Cổ phần Nhựa Đồng Nai đổi tên Công ty Cổ phần DNP Holding. DNP giải thích việc đổi tên này nhằm tạo thuận lợi cho quá trình kết nối với các đối tác chiến lược để tạo điều kiện giao dịch và kinh doanh theo định hướng phát triển của công ty.
Với mô hình kinh doanh holding, DNP định hướng phát triển 4 lĩnh vực chính gồm: Nước (DNP Water) với chiến lược thoái vốn các công ty liên kết không còn cơ hội gia tăng sở hữu lớn hơn 51%, đầu tư nhà máy nước quy mô lớn tại các địa bàn chiến lược; vật liệu xây dựng; đồ gia dụng và bao bì.
Tham vọng với ngành nước
Một trong những lý do DNP tăng trưởng liên tục trong giai đoạn từ 2014-2022 chính là chuẩn bị tiềm lực tài chính theo đuổi thị trường cung cấp nước sạch.
Năm 2017, Công ty Cổ phần Đầu tư Ngành nước DNP (DNP Water) được thành lập với vốn điều lệ 1.100 tỷ đồng. Đây cũng là công ty tư nhân đầu tiên trong ngành nước tại Việt Nam được IFC đầu tư 24,9 triệu USD.
Tại ĐHĐCĐ niên 2019, Chủ tịch HĐQT của DNP Holding, ông Vũ Đình Độ tuyên bố chiến lược đưa công ty từ một doanh nghiệp sản xuất trở thành công ty đầu tư nhằm linh hoạt hóa trong việc lựa chọn những cơ hội mới, thoái vốn những mảng không hiệu quả.
DNP Water từ đó đã mở rộng phạm vi hoạt động tới 8 tỉnh thành, tổng công suất thiết kế các nhà máy đang sở hữu đạt 680.000 m3/ngày, số lượng khách hàng hiện hữu đạt gần 500.000 tổ chức và cá nhân. Hiện DNP Water đang sở hữu trực tiếp và gián tiếp 13 công ty trong các hoạt động đầu tư, sản xuất và kinh doanh nước sạch, tại một số tỉnh thành và nắm cổ phần tại 8 công ty nước sạch.
Theo thông tin định kỳ về tình hình tài chính mới được công bố, năm 2022, lợi nhuận sau thuế của DNP Water đạt mức 37,6 tỷ đồng, đây là mức lãi khả quan vì cùng kỳ năm 2021 công ty lỗ hơn 143 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tại ngày 31/12/2022, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp ở mức 2.984 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2021.
Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu giảm từ 1,66 tại cuối năm 2021 xuống còn 1,34 tại cuối năm 2022, tương đương dư nợ phải trả của DNP Water là 3.998 tỷ đồng. Trong đó dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu đạt 0,23.
Thông tin từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, hiện DNP Water đang lưu hành trên thị trường 6 lô trái phiếu với tổng giá trị phát hành là 300 tỷ đồng (mỗi lô trị giá 50 tỷ đồng). Số trái phiếu trên cùng được phát hành vào ngày 31/8/2020, kỳ hạn 3 năm, với lãi suất cố định là 11%/năm. Mục đích phát hành trái phiếu nhằm tăng quy mô hoạt động của công ty.
Cái "bắt tay" triệu đô với Samsung
Tháng 6/2022, Samsung Engineering - thuộc Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) chính thức trở thành cổ đông chiến lược của DNP Water, bằng việc đầu tư 41 triệu USD để mua lại toàn bộ khoản vay chuyển đổi của IFC, thông qua đó sở hữu 24% vốn chủ sở hữu của DNP Water.
Phi vụ hợp tác giá triệu đô này được nhiều người kỳ vọng bởi với sự tham gia của Samsung, DNP Water sẽ có thêm không chỉ nguồn lực tài chính mà còn kỹ thuật, công nghệ, quản trị dự án, kinh nghiệm chính sách.
Tiết lộ tại buổi lễ ký kết hợp tác, sau khi Samsung trở thành cổ đông, 2 bên sẽ tiến hành xây dựng kế hoạch triển khai các dự án cấp nước và nước thải quy mô lớn, thúc đẩy chính sách cho ngành, song song với việc huy động nguồn vốn quốc tế dài hạn, công nghệ kỹ thuật cao để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.