Dự kiến, ngày 19/4, TAND TP Hà Nội sẽ mở lại phiên tòa xét xử Phạm Thanh Hải (57 tuổi, cựu Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại đầu tư và phát triển công nghệ quốc tế - IDT) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Phiên tòa trước đó (diễn ra vào ngày 29/3) đã bị hoãn do vắng mặt nhiều bị hại và người liên quan.
Theo cáo trạng, năm 2007, ông Hải thành lập Công ty IDT, hoạt động kinh doanh trên mạng nhưng không đem lại hiệu quả. Túng thiếu tiền để trang trải chi phí, chi tiêu cá nhân, Hải bắt đầu tổ chức các cuộc hội thảo, thành lập trang mạng "hoclamgiau.vn".
Bên cạnh đó, bị cáo còn tự giới thiệu bản thân là tiến sĩ, có nhiều kinh nghiệm kinh doanh tại Liên Xô cũ, có tài đầu tư... Còn công ty của Hải thì được quảng bá là đang triển khai các dự án có lãi suất cao, làm giàu từ cây macca, siêu lợi nhuận. Từ đó, Hải thu hút các nhà đầu tư góp vốn cho bị cáo.
Để chứng minh tính khả thi của các dự án mà Hải đang quảng cáo, vị "tiến sĩ" đưa ra các hợp đồng với lãi suất huy động cao ngất ngưởng, từ 40 đến 50%/năm, cắt lãi ngay khi nộp tiền. Ngoài ra, Hải còn khuyến khích các nhà đầu tư mở rộng mạng lưới huy động vốn như một dạng đa cấp. Mỗi một hợp đồng mới mà nhà đầu tư môi giới, kết nối được, họ sẽ được Hải trích 2 - 10% tiền thưởng.
Cơ quan tố tụng xác định, dù mục đích huy động vốn của Hải là để phục vụ mục đích cá nhân, nhưng ông ta vẫn chỉ đạo nhân viên Công ty IDT soạn thảo, ký kết hợp đồng, thu chi kiểm đếm tiền.
Cụ thể, Hải đưa ra các bản Hợp đồng góp vốn đầu tư, Hợp đồng ủy thác đầu tư... với nội dung: Bên A là các nhà đầu tư; Bên B là cá nhân Phạm Thanh Hải nhưng với tư cách là Tổng Giám đốc, Chủ tịch HĐQT công ty; việc góp vốn, ủy thác để đầu tư vào các dự án của Công ty IDT, Công ty CP đầu tư và phát triển Maccadamia Quốc tế (Công ty IDMA).
Hải tự ý sử dụng con dấu công ty IDT đóng dấu xác nhận trên chữ ký của ông ta trong các bản hợp đồng giữa bị cáo và các nhà đầu tư để nạn nhân tin tưởng.
Bằng thủ đoạn trên, VKS cáo buộc, từ tháng 10/2014 đến tháng 10/2015, Hải đã huy động được hơn 2.700 tỷ đồng, từ 2.574 nhà đầu tư. Số tiền này, Hải sử dụng chủ yếu cho vay cá nhân, thanh toán gốc và lãi cho những hợp đồng đến hạn, chi thưởng kết nối hợp đồng mới, chi phí tổ chức các cuộc hội thảo, tham quan, du lịch quảng bá dự án...
Hải chỉ sử dụng một phần nhỏ để góp vốn với danh nghĩa cá nhân vào một số công ty, dự án. Các dự án mà Hải góp vốn đều mới thành lập, hoạt động không hiệu quả, không có khả năng sinh lợi nhuận cao như bị cáo quảng bá, cam kết, hứa hẹn.
Theo cáo buộc, Hải nhận tiền của nhà đầu tư nhưng không quản lý việc thu, chi theo sổ sách kế toán. Hải cũng chỉ đạo nhân viên không nhập vào hệ thống sổ sách... Càng về sau, số lượng người nộp tiền lớn, tiền gốc - lãi và chi phí hàng tháng tăng lên hàng trăm tỷ đồng.
Để có tiền trả, Hải phải tăng hoạt động huy động tiền góp vốn nhằm tránh bị đổ vỡ, lộ kế hoạch của bản thân.
Đến khi không còn khả năng xoay sở, Hải bị cáo buộc đã lừa đảo chiếm đoạt hơn 570 tỷ đồng của 574 người.
Xem thêm: mth.20341242121403202-yl-tav-is-neit-auc-uaig-mal-coh-pol-uas-gnad-taht-us/taul-pahp/nv.moc.irtnad