Đề xuất làm đường kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận, Lâm Đồng hơn 1.900 tỉ đồng
Trình bày tờ trình, bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết dự án dự kiến trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư là dự án quan trọng quốc gia, do chuyển đổi mục đích sử dụng hơn 75 ha đất rừng.
Trong đó có hơn 59 ha rừng đặc dụng và rừng phòng hộ cần xin chủ trương chuyển mục đích sử dụng.
Theo ông Dũng, dự án được thực hiện trên địa bàn 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa.
Điểm đầu giao với QL27C tại Km16+900 thuộc địa phận xã Sông Cầu (H.Khánh Vĩnh).
Điểm cuối tại ranh giới giữa Khánh Hòa và Ninh Thuận trên đường tỉnh ĐT.656 nối vào đường tỉnh ĐT.707, thuộc Ninh Thuận.
Về quy mô, dự án có chiều dài khoảng 56,9 km đường cấp 3 miền núi (mặt đường rộng 6 m, 2 làn, không có dải phân cách, tốc độ thiết kế 60 km/giờ). Trong đó, đoạn nâng cấp mở rộng đường hiện trạng dài 19,74 km, mở mới 37,16 km.
Tổng mức đầu tư dự án là hơn 1.900 tỉ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng trên 101 tỉ đồng; chi phí xây dựng và thiết bị hơn 1.400 tỉ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn và chi phí khác hơn 95 tỉ đồng; chi phí dự phòng là hơn 249 tỉ đồng; chi phí trồng rừng thay thế là trên 18 tỉ đồng.
Về nguồn vốn cho dự án, ngân sách trung ương chi 1.000 tỉ đồng, nguồn vốn địa phương 930 tỉ đồng (giai đoạn 2021 - 2025 trên 121 tỉ đồng, giai đoạn 2026 - 2030 là trên 808 tỉ đồng). Dự án được thực hiện từ 2022 - 2027.
Chính phủ đề xuất áp dụng cơ chế đặc biệt cho dự án. Cụ thể giao UBND tỉnh Khánh Hòa quyết định đầu tư, tổ chức thực hiện dự án theo trình tự, thủ tục thực hiện dự án nhóm A do cấp tỉnh quản lý.
Thẩm tra nội dung, chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội Lê Quang Huy nêu rõ thường trực ủy ban này cho rằng thời gian thực hiện dự án đến năm 2027 là chưa phù hợp.
Có thể rút ngắn nếu dự án được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại kỳ họp tháng 5, đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ để rút ngắn thời gian, tránh đầu tư dàn trải, kéo dài.
Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ xác định rõ trách nhiệm và chế tài xử lý trong việc bố trí nguồn lực cho dự án, ngay trong nghị quyết của Quốc hội phê duyệt chủ trương dự án.
Liên quan đến đề xuất cơ chế đặc biệt cho dự án, thường trực đề xuất cơ chế Quốc hội ủy quyền Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề nêu trên.
Tuy nhiên, đây là dự án quan trọng quốc gia nên trách nhiệm thực hiện dự án vẫn thuộc Chính phủ.
Theo đó, cần quy định trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, báo cáo Quốc hội của Chính phủ trong việc thực hiện dự án để vừa bảo đảm tuân thủ pháp luật về đầu tư công, vừa tạo độ linh hoạt trong xử lý các vấn đề thực tiễn.
Cần tính toán thêm cơ cấu vốn và phân kỳ đầu tư
Nêu ý kiến sau đó, về kinh phí, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết còn có những băn khoăn, quy mô dự án khiêm tốn nhưng thời kỳ thực hiện lại quá dài, đến 2027 mới hoàn thành là quá lâu.
Dự án chủ yếu sử dụng vốn trung ương, cơ cấu vốn và phân kỳ đầu tư cần tính toán thêm cho phù hợp.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và kế hoạch đầu tư công trung hạn để xem xét trong đầu tư công có nội dung nào vốn trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho địa phương không?
Ông cũng lưu ý thời điểm trình dự án liên quan đến vốn đầu tư công, dự án trình quá thời hạn 31-3 theo nghị quyết của Quốc hội.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy yêu cầu phải đảm bảo chuyện đi lại, sinh kế của người dân không bị ảnh hưởng khi cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây đưa vào khai thác.