Ước tính lợi nhuận quý I
Quý I/2023, Tổng công ty cổ phần Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC, mã chứng khoán PVS) ước đạt doanh thu và lợi nhuận trước thuế hợp nhất lần lượt 3.200 tỷ đồng và 180 tỷ đồng, tương ứng giảm 18% và 42% so với cùng kỳ năm 2022.
Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans, mã chứng khoán PVT), một đại diện cho ngành vận tải biển, nhưng vẫn thuộc “họ” dầu khí, ước đạt 278 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý I/2023, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo PVTrans, thị trường vận tải biển quốc tế vẫn tương đối tích cực trong bối cảnh nguồn cung tàu giới hạn. Tuy nhiên, triển vọng có thể bị ảnh hưởng bởi những rủi ro liên quan đến tăng trưởng kinh tế thế giới và việc cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+. Do đó, giá cước trong năm 2023 nhiều khả năng sẽ hạ nhiệt, sau khi tăng trưởng cục bộ trong năm 2022. Tại thị trường nội địa, nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu có thể bị tác động bởi nguy cơ suy giảm đà phục hồi kinh tế và lạm phát ở mức cao. Vì vậy, sản lượng vận chuyển dầu thô, xăng dầu và khí LPG dự kiến không tăng mạnh.
Đối với Công ty cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn (mã chứng khoán BSR), lợi nhuận từng quý trong năm 2023 được nhận định có thể giảm so với cùng kỳ, do công suất vận hành thấp hơn, trong khi chi phí bảo dưỡng nhà máy sau 12 năm hoạt động dự kiến sẽ tăng. Bên cạnh đó, thuế nhập khẩu xăng giảm từ 8% xuống 5% và thuế thu nhập doanh nghiệp tăng từ 5% lên 10% sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của Công ty.
Tại Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling, mã chứng khoán PVD), lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ, lợi nhuận quý I/2023 sẽ là con số dương, so với mức âm của cùng kỳ năm 2022.
Trong báo cáo phân tích mới đây, Công ty Chứng khoán SSI dự đoán, PVD Drilling có thể đạt 52 tỷ đồng lợi nhuận trong quý I/2023, do giá cho thuê bình quân đối với các hợp đồng năm 2023 cao hơn so với năm 2022, đồng thời công suất hoạt động cao hơn nhờ có nhiều hợp đồng hơn. Trong năm nay, giàn khoan tự nâng PV Drilling II và III sẽ lần lượt phục vụ các hợp đồng dài hạn tại Indonesia và Malaysia, kỳ vọng PV Drilling sẽ ghi nhận lợi nhuận khả quan so với mức lỗ của năm ngoái.
Mục tiêu kinh doanh cả năm
Năm 2023, Lọc hoá dầu Bình Sơn đặt mục tiêu đạt doanh thu hợp nhất 95.545 tỷ đồng, giảm gần 43%; lợi nhuận sau thuế hợp nhất 1.628 tỷ đồng, giảm 89% so với thực hiện năm 2022. Kế hoạch này dựa trên kịch bản giá dầu thô ở mức 70 USD/thùng (giá dầu thế giới cuối tuần qua đạt hơn 86 USD/thùng). Theo Ban lãnh đạo Lọc hoá dầu Bình Sơn, trong năm 2023, nhà máy của Công ty sẽ tiến hành bảo dưỡng tổng thể lần thứ 5, với thời gian ngưng hoạt động khoảng 50 ngày (từ 22/6 - 11/8/2023).
Tương tự, trong năm 2023, nhiều nhà máy của Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PV Power, mã chứng khoán POW) sẽ tạm ngừng hoạt động để thực hiện sửa chữa như Cà Mau 2, Nhơn Trạch 1 và 2, Hủa Na. Năm nay, PV Power đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 30.332 tỷ đồng, tăng 7%, nhưng lợi nhuận sau thuế ước đạt 1.118 tỷ đồng, giảm 56% so với năm 2022.
Với PTSC, doanh nghiệp đặt mục tiêu năm nay đạt doanh thu trên 13.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 780 tỷ đồng, các chỉ tiêu này đều thấp hơn mức thực hiện năm 2022 (doanh thu 16.412,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 834,3 tỷ đồng).
Ông Phan Thanh Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị PTSC cho biết, trong quý II/2023, doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh tái cấu trúc, triển khai các giải pháp về quản lý, quản trị rủi ro, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp, tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực cốt lõi phù hợp với nhu cầu thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh. Hiện PTSC đang kết hợp với các đối tác trong và ngoài nước thực hiện các dự án trọng điểm như kết hợp với Sarens để phát triển dự án năng lượng tái tạo ngoài khơi; ký thỏa thuận phát triển chung với Sembcorp về việc hợp tác đầu tư, xuất khẩu điện sang Singapore từ nguồn năng lượng tái tạo ngoài khơi tại Việt Nam; phối hợp với liên danh Semco Maritime và Công ty TNHH MTV Dịch vụ Cơ khí Hàng hải PTSC tham gia dự án điện gió ngoài khơi tại Đài Loan.
PVTrans cũng thận trọng khi đặt kế hoạch kinh doanh năm 2023, với doanh thu 6.800 tỷ đồng, giảm 29% và lợi nhuận sau thuế 538 tỷ đồng, giảm 53,5% so với mức thực hiện năm 2022. Mặc dù vậy, ông Phạm Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị PVTrans chia sẻ, doanh nghiệp phấn đấu đạt trên 1.000 tỷ đồng lợi nhuận.
Tại Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PV OIL, mã chứng khoán OIL), kế hoạch doanh thu hợp nhất năm 2023 là 50.000 tỷ đồng, giảm 52% so với mức thực hiện năm 2022, với kịch bản giá dầu thô 70 USD/thùng; lợi nhuận sau thuế năm nay dự kiến đạt 480 tỷ đồng, giảm 34% so với năm ngoái.
Các doanh nghiệp ngành dầu khí thường đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng, thậm chí “gây sốc” với cổ đông.
Dù các doanh nghiệp thận trọng với hoạt động sản xuất - kinh doanh năm 2023, nhưng có cơ sở để kỳ vọng, lợi nhuận sẽ vượt kế hoạch. Cụ thể, nhu cầu dầu mỏ thế giới năm 2023 được dự báo đạt gần 102 triệu thùng/ngày, tăng 2 triệu thùng/ngày so với năm 2022 và giá dầu có khả năng tăng mạnh từ giữa năm do OPEC+ tiếp tục cắt giảm sản lượng. Nhiều tổ chức đưa ra dự báo, giá dầu năm 2023 sẽ dao động phổ biến trong vùng 80 - 90 USD/thùng, không có những biến động trồi sụt mạnh như năm 2022.
Cùng với đó, thỏa thuận khung hợp đồng bán khí cho dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II đã được ký kết giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với liên danh giữa Marubeni Corporation và Tổng công ty cổ phần Thương mại Xây dựng, dự kiến tháng 6/2023 sẽ là mốc ra quyết định đầu tư cuối cùng (FID) của dự án. Với nguồn vốn cho dự án Lô B - Ô Môn là 10 tỷ USD, riêng khâu khai thác chiếm hơn 5 tỷ USD, thì khi quyết định FID được phê duyệt, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khoan, kho nổi, hỗ trợ khai thác dầu khí, tức doanh nghiệp nằm ở phân khúc thượng nguồn sẽ là đối tượng được hưởng lợi trực tiếp nhờ khối lượng công việc rất lớn.