Nhiều trường ĐH mới chỉ nhận được khoảng 2.000 hồ sơ xét tuyển học bạ. Con số này thấp hơn rất nhiều so với năm 2022.
Mới vài ngàn hồ sơ xét tuyển học bạ, ngóng thí sinh
Nhiều trường ĐH dù nhận hồ sơ đã vài tháng nhưng mới chỉ nhận được vài ngàn hồ sơ xét tuyển học bạ của thí sinh. Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM bắt đầu nhận hồ sơ từ cuối tháng 2-2023. Đến thời điểm này, trường mới chỉ nhận được hơn 2.000 hồ sơ.
Ông Phạm Thái Sơn - giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM - cho biết năm trước thời điểm này trường đã nhận hơn 6.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh. Như vậy số hồ sơ năm nay mới chỉ bằng khoảng 1/3 so với năm trước.
Cũng theo ông Sơn, thời gian nhận hồ sơ đến đầu tháng 6 và năm nay trường chỉ xét tuyển học bạ một đợt. Năm 2022, trường xét tuyển hai đợt. Tuy nhiên, vì số thí sinh trúng tuyển xét học bạ đợt 1 gần hết chỉ tiêu nên điểm sàn xét tuyển học bạ đợt 2 lên đến 29 điểm (trung bình lớp 12). Điểm gần như tuyệt đối nên rất ít thí sinh đạt được. Do đó năm nay trường chỉ xét tuyển một đợt nhưng tình hình hồ sơ thế này cũng rất đáng lo.
Đây cũng là điều nhiều trường ĐH khác đang "sốt ruột". Ông Trần Hải Nam - trưởng phòng tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM - cho hay trường dự kiến kết thúc nhận hồ sơ xét học bạ cuối tháng 3. Tuy nhiên, do lượng hồ sơ khá ít nên trường kéo dài thời gian xét tuyển đợt 1 đến cuối tháng 4. Đến thời điểm này, trường nhận được trên 3.000 hồ sơ xét tuyển của thí sinh. Con số này chỉ bằng hơn 50% so với năm 2022. Như vậy, hồ sơ xét tuyển học bạ năm nay chậm hơn năm trước khá nhiều.
Tương tự, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM cũng mới chỉ nhận được gần 3.000 hồ sơ với hơn 4.000 nguyện vọng. Mức này thấp hơn so với năm trước. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng chỉ nhận được hơn 2.000 hồ sơ. Đại diện trường này cho biết số thí sinh đăng ký xét tuyển trên hệ thống nhiều nhưng gửi hồ sơ trực tiếp về trường thấp hơn rất nhiều.
Hy vọng chất lượng tốt hơn
Theo nhiều trường ĐH, lượng hồ sơ xét tuyển học bạ giảm có nhiều nguyên nhân. Ông Trần Hải Nam cho biết trường có tìm hiểu từ các trường phổ thông và được biết học sinh đang chuẩn bị thi học kỳ 2. Trường tập trung cho thí sinh thi, tạm dừng việc cấp học bạ nên thí sinh cũng không thể xét tuyển. "Hy vọng sau khi thi học kỳ 2, lượng thí sinh xét tuyển học bạ có thể nhiều hơn" - ông Nam nói.
Trong khi đó, ông Phạm Thái Sơn cho rằng điểm chuẩn năm 2022 quá cao có thể là nguyên nhân khiến thí sinh e ngại. Theo ông Sơn, thực tế lượng thí sinh liên hệ trường hỏi thông tin rất nhiều nhưng số nộp hồ sơ lại ít, không biết thí sinh xét tuyển ở đâu. Có thể điểm chuẩn học bạ năm rồi quá cao nên thí sinh còn cân nhắc. Tỉ lệ nhập học phương thức xét học bạ của trường khá cao, khoảng 60% số thí sinh trúng tuyển.
Ông Phạm Doãn Nguyên, phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, lý giải năm trước sau dịch nên thí sinh có phần nôn nóng, nộp ồ ạt hồ sơ xét tuyển ở các trường. Năm nay thí sinh có thời gian tìm hiểu, tham vấn nhiều hơn nên việc nộp hồ sơ được cân nhắc hơn. Thông tin từ các trường THPT cho thấy năm 2022 thí sinh nộp đến 10 hồ sơ ở nhiều trường khác nhau nhưng năm nay số hồ sơ ít hơn nhiều.
"Thí sinh tìm hiểu ngành nghề, cân nhắc kỹ khi nộp hồ sơ cũng là điều đáng mừng. Lượng hồ sơ các trường nhận có thể ít hơn nhưng chất lượng hơn, tỉ lệ ảo thấp hơn. Điều này tốt cho cả các trường và thí sinh" - ông Nguyên nói thêm.
Nhiều trường công bắt đầu xét tuyển sớm
Ghi nhận từ nhiều trường ĐH công như Kinh tế TP.HCM, Mở TP.HCM, Nông Lâm TP.HCM, Công nghiệp TP.HCM... cho thấy đa số bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển sớm từ tháng 4 và kết thúc vào tháng 5, 6. Trường ĐH Kinh tế TP.HCM là một trong số các trường công mở cổng đăng ký xét tuyển sớm đầu tiên. Đại diện trường này cho biết thống kê sơ bộ cho thấy lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển tương đương năm trước, không có đột biến.
Với hình thức xét tuyển học bạ THPT, những bạn học sinh có thành tích học tập tốt sẽ có được nhiều lợi thế trong việc xét tuyển sớm, nắm chắc cơ hội vào đại học.
Xem thêm: mth.72712420002403202-uad-id-hnis-iht-teib-gnohk-ab-coh-gnab-coh-iad-neyut-tex/nv.ertiout