Mở đường cho siêu ứng dụng X?
Tỷ phú Elon Musk chính thức sáp nhập Twitter vào X Corp, tờ Bloomberg đưa tin. Điều này đồng nghĩa, Twitter sẽ không còn tồn tại với tư cách là một công ty độc lập. Ngày 4/4, Bloomberg cho biết, hồ sơ pháp lý được nộp lên tòa án California, Mỹ cho thấy Twitter đã được sáp nhập vào một công ty khác tên là X Corp. Hiện chưa rõ điều này sẽ tác động thế nào với Twitter, nền tảng mạng xã hội đã trải qua quá trình cải tổ rộng khắp kể từ khi được tỷ phú Elon Musk mua lại với giá 44 tỷ USD năm ngoái.
Musk chưa bình luận gì về động thái sáp nhập. Tuy nhiên hôm 11/4, vị tỷ phú đăng tweet với chỉ một ký tự duy nhất là "X". Đoạn tweet này thu hút được hơn 13 triệu lượt xem chỉ trong vài giờ đồng hồ. Năm ngoái, Musk từng nói rằng mua lại Twitter sẽ là một chất xúc tác để tạo nên siêu ứng dụng X. Tuy nhiên, Musk chưa nói rõ về việc làm thế nào để tích hợp nó vào hệ sinh thái của mình - bao gồm hãng sản xuất xe điện Tesla Inc., Space Exploration Technologies Corp.
Dòng Tweet của tỷ phú Elon Musk về kế hoạch tạo ra siêu ứng dụng X - Ảnh: Twitter
Elon Musk từng cho biết, ông mong muốn tạo ra một siêu ứng dụng tương tự như WeChat của Trung Quốc. Ở đó, khách hàng có thể làm mọi thứ, từ thanh toán, đặt vé cho tới nhắn tin.
Thế nào là siêu ứng dụng?
Người dùng điện thoại thông minh ở châu Á không quá lạ lẫm với thuật ngữ Siêu ứng dụng - Super app. Tại Việt Nam, các siêu ứng dụng cũng đang ngày càng trở nên phổ biến hơn. Grab, Gojek, Be, Zalo, Momo… đều đang được xây dựng theo xu hướng này nhằm phục vụ tất cả nhu cầu của khách hàng chỉ trên một ứng dụng duy nhất.
Các siêu ứng dụng phổ biến ở Việt Nam - Ảnh chụp màn hình
Còn trong khu vực, vài năm trở lại đây, cuộc đua phát triển siêu ứng dụng diễn ra mạnh mẽ. Các ứng dụng Grab, Gojek, Alipay hay WeChat ngày càng trở nên phổ biến đối với người dùng Đông Nam Á hay Trung Quốc và Ấn Độ.
Siêu ứng dụng là nền tảng tích hợp đa dịch vụ, cung cấp "tất cả trong một". Khởi đầu từ các ứng dụng cung cấp các tính năng cơ bản như nhắn tin, đặt xe hay thanh toán, sau đó phát triển theo hướng đa tính năng, cung cấp nhiều dịch vụ hơn. Các nền tảng này ngày nay tích hợp nhiều tính năng từ gọi xe, giao nhận hàng hóa, giao đồ ăn, đi chợ hộ... đến các giải pháp thanh toán như ví điện tử, thanh toán tiền điện, nạp tiền điện thoại, chuyển tiền, nhắn tin, gọi điện... Điều này có nghĩa người dùng có thể trải nghiệm và sử dụng nhiều tiện ích khác nhau mà không phải mở nhiều ứng dụng.
Ông Jason Wong, nhà phân tích về thiết kế và phát triển phần mềm tại Gartner, mô tả cách thức xây dựng siêu ứng dụng là một công ty chủ quản sẽ mở ứng dụng cho các bên thứ ba để xây dựng các cấu phần nhỏ bên trong ứng dụng chính. Wong ví các siêu ứng dụng giống như cách Người dơi (Batman) và Người sắt (Ironman) mặc những bộ đồ có sức mạnh, và sau đó họ thêm hoặc bớt các tính năng tùy trường hợp cần thiết. "Bạn xây dựng một ứng dụng lõi, sau đó các đối tác thấy được giá trị và họ tạo ra các ứng dụng con bổ sung vào ứng dụng lõi của bạn." Wong chia sẻ trên trang mạng Vox.
Elon Musk ấp ủ dự định tạo ra siêu ứng dụng hàng đầu tại Mỹ - Ảnh: CNBC
Theo phân tích, việc phát triển siêu ứng dụng giúp các nhà vận hành có thể phân tích, dự đoán thói quen, hành vi của người dùng thông qua lượng dữ liệu lớn đổ về. Từ đó, có thể tối ưu và cá nhân hoá các trải nghiệm, dịch vụ dành cho khách hàng.
Ông Konstantin Kostadinov, Giám đốc kinh doanh cấp cao Viber cho biết, khách hàng dành tới 77% thời gian của họ trên 3 ứng dụng hàng đầu và gần nửa thời gian cho 1 trong số các ứng dụng này. Người dùng muốn một giải pháp có thể giải quyết tất cả vấn đề của họ - đây chính là lý do vì sao siêu ứng dụng trở nên phổ biến hơn. Khi cài đặt các siêu ứng dụng, người dùng có thể đặt đồ ăn và hàng tạp hoá, đặt chỗ ở du lịch, thanh toán hoá đơn, quản lý tài chính…
Các chuyên gia cũng cho biết, siêu ứng dụng đang là một trong những công cụ marketing hiệu quả nhất. Theo phân tích, các siêu ứng dụng có khả năng giúp nhãn hàng tiếp cận nhiều đối tượng và cung cấp nhiều tính năng khác nhau có thể được sử dụng để quảng cáo sản phẩm hoặc dịch vụ. Thêm vào đó, chúng có thể được tùy chỉnh để phù hợp với nhu cầu của một chiến dịch marketing cụ thể.
Siêu ứng dụng X sẽ có những tính năng gì?
Dù rất phổ biến ở châu Á, tuy nhiên tại Mỹ (cùng với Canada và Châu Âu), chưa thực sự có một siêu ứng dụng nổi bật. Elon Musk không phải là người duy nhất nhận ra tiềm năng của siêu ứng dụng trong thị trường hơn 300 triệu dân của Mỹ. Một vài ứng dụng đã thử mở rộng các tính năng của mình nhưng chưa đạt được các dấu mốc thật sự đáng chú ý.
Dịch vụ gọi xe Uber bắt đầu cung cấp tính năng giao đồ ăn và giao hàng tạp hóa trong nền tảng của mình. Microsoft cho phép các bên thứ ba phát triển ứng dụng trong hệ sinh thái làm việc nhóm có tên Teams. PayPal đã ra mắt phiên bản siêu ứng dụng vào tháng 9 năm 2021, mặc dù có vẻ như nó chỉ giới hạn ở các dịch vụ tài chính.
Ứng dụng gọi xe Uber đã thử nghiệm mở rộng tính năng để trở thành siêu ứng dụng - Ảnh: Getty
Tỷ phú Musk nhiều lần đăng tweet về việc biến Twitter thành siêu ứng dụng, tuy nhiên các tính năng cụ thể và quá trình biến đổi Twitter cụ thể như thế nào thì chưa được hé lộ nhiều. Dù vậy, theo dõi các động thái của Elon Musk, giới chuyên gia đã có những dự đoán đầu tiên.
Thứ nhất, siêu ứng dụng X có thể là một cổng thanh toán. Hồi đầu tháng này, Financial Times cho biết Elon Musk được cho là đang thúc đẩy xây dựng một hệ thống thanh toán trong Twitter. Twitter cũng đã nộp các thủ tục giấy tờ cần thiết để đăng ký tính năng xử lý thanh toán với các nhà quản lý tại Mỹ.
Thứ hai, siêu ứng dụng X của Elon Musk có thể có tính năng giao dịch tiền số, chứng khoán và nhiều giao dịch tài chính khác. Giữa tháng 4, CNBC đưa tin Twitter hợp tác với eToro, nền tảng giao dịch tài chính, để cho phép người dùng giao dịch cổ phiếu, tiền số.
Twitter và Etoro thông báo hợp tác với nhau - Ảnh: Getty
Công ty giao dịch chứng khoán và tiền điện tử eToro cũng thông báo rằng họ đã hợp tác với Twitter để cho phép người dùng Twitter mua và bán tài sản trên eToro thông qua một tính năng trên Twitter. Người dùng Twitter nhấp vào tính năng này sẽ được đưa đến màn hình có giá cổ phiếu của công ty đó trên đó và một nút để xem trên trang web của eToro. Người dùng Twitter chưa thể mua hoặc bán bất trực tiếp từ giao diện mạng xã hội, tài khoản Twitter cũng không thể dùng để đăng nhập vào eToro. Tuy nhiên những thông tin trên là dấu hiệu cho thấy Twitter muốn tiến sâu hơn vào lĩnh vực tài chính.
Thứ ba, giới quan sát đang chờ đợi siêu ứng dụng của Elon Musk sẽ tích hợp Trí tuệ nhân tạo như thế nào. Vị tỷ phú đã thành lập một công ty Trí tuệ nhân tạo có tên là X.AI. Hiện tại, nó có vẻ là một công ty riêng biệt, nhưng nó có tên X và gợi mở nhiều sự liên kết với siêu ứng dụng X.
Musk cho biết ông muốn tích hợp AI để mở rộng khả năng hút người dùng của Twitter, chẳng hạn như khả năng gửi các tweet và video dài hơn cho những người đăng ký trả phí Twitter Blue. Musk cũng nói rằng ông sẽ mở rộng các cách để người sáng tạo kiếm tiền từ nội dung của họ trên nền tảng Twitter, giống như cách nhà sáng tạo nội dung đang được trả trên YouTube. Triển vọng cụ thể của những kế hoạch này còn chưa rõ ràng nhưng các tính năng vừa liệt kê ở trên đã mang đến những sự háo hức nhất định về tiềm năng của siêu ứng dụng X.
Giới quan sát chờ đợi vào khả năng tích hợp AI vào ứng dụng mới của Elon Musk - Ảnh: Business Insider
Đề phòng sự cố từ siêu ứng dụng
Không có gì là hoàn hảo, điều gì cũng có hai mặt, nhận định này đúng với cả những siêu ứng dụng thành công nhất. Với hơn 47 triệu người dùng hàng tháng, tương đương hơn 90% dân số Hàn Quốc, siêu ứng dụng KakaoTalk được sử dụng cực kỳ phổ biến trong giao tiếp thường ngày tại Hàn Quốc. Tài khoản KakaoTalk cũng có thể được liên kết với nhiều loại hình dịch vụ, từ thanh toán, gọi xe cho đến định vị GPS.
Ứng dụng gọi xe Kakao Taxi tại Hàn Quốc - Ảnh: Nikkei Asia
Tháng 10/2022, siêu ứng dụng này bị gián đoạn hoạt động trong nhiều giờ do sự cố hỏa hoạn tại trung tâm dữ liệu, nơi đặt máy chủ của Kakao. Kakao không phải chịu trách nhiệm về vụ hoả hoạn, tuy nhiên tập đoàn này bị chỉ trích vì thiếu các quy trình dự phòng đầy đủ. Tính đến ngày 3/11/2022, tác động tài chính của việc ngừng hoạt động đã gây thiệt hại cho Kakao 40 tỷ Won. Công ty cũng lên kế hoạch bồi thường cho các tài xế, cửa hàng và nhân viên giao hàng bị ảnh hưởng bởi sự cố. Sự cố nghiêm trọng tới mức các nhà lập pháp Hàn Quốc tranh cãi về việc sửa đổi luật truyền thông phát sóng để các trung tâm dữ liệu tư nhân như của Kakao, Naver phải chịu quy định giống với các cơ sở quản trị thảm họa quốc gia khác trong các trường hợp khẩn cấp. Các thay đổi có thể bao gồm yêu cầu doanh nghiệp tư nhân báo cáo cho chính phủ khi có gián đoạn dịch vụ và phạt tối đa 3% doanh thu nếu không làm như vậy. Bài học từ Kakao cho thấy các siêu ứng dụng khi thu hút lượng người dùng quá lớn chắc chắn sẽ chịu nhiều sự quản lý và thậm chí có thể bị chia tách để tránh khả năng vi phạm các luật chống độc quyền.
Xem thêm: nhc.435255151224032881-teib-cad-ig-oc-ksum-nole-auc-rettiwt-eht-yaht-gnud-gnu-ueis-x/nv.fefac