Trước đó, các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an đã phối hợp Công an tỉnh Đồng Nai khám xét trung tâm này cùng một số trụ sở làm văn phòng, thu giữ nhiều tài liệu và làm việc với một số nhân viên của trung tâm để phục vụ công tác điều tra.
Đây là một trung tâm dạy nghề lái xe có số học viên cao nhất ở tỉnh Đồng Nai.
Dùng công nghệ ăn gian số giờ chạy xe
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, Trung tâm dạy nghề lái xe 3T Sài Gòn là đơn vị đưa vào áp dụng thiết bị chuyên dụng DAT từ rất sớm (Distance and Time, là thiết bị điện tử được lắp trên ô tô tập lái để giám sát thời gian và quãng đường thực hành lái xe) và có riêng thiết bị cho mình. Trong quá trình sử dụng thiết bị để dạy lái xe thì trung tâm này đã bị học viên phản ánh dấu hiệu tiêu cực đến cơ quan chức năng để xử lý. Trong đó, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cũng tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị của học viên.
Nhiều người đi học lái xe cho rằng tại Trung tâm dạy nghề lái xe 3T Sài Gòn khi thực hành học lái xe thực tế trên đường khoảng 300km nhưng lại được gọi đến chụp ảnh để ăn gian số giờ trên phần mềm xử lý, dù không chạy thực tế trên đường. Sau đó, học viên được trung tâm này "phù phép" để đủ điều kiện thi tốt nghiệp, sát hạch.
Một thầy giáo dạy lái xe cho biết công nghệ DAT đưa vào sát hạch nhằm chống gian lận thi nên Bộ Giao thông vận tải có quy định rất cụ thể. Nếu học viên muốn thi lấy bằng ô tô hạng B2 phải chạy được 810km và phải hơn 20 giờ và áp dụng 4 giờ chạy đêm, đồng thời phải chạy tối thiểu 3 tiếng 20 phút số xe tự động. Khi học viên lên xe, DAT nhận diện khuôn mặt ở nhiều góc và phần mềm nhảy lộ trình, số giờ chạy xe…
Tuy nhiên tại Trung tâm dạy nghề lái xe 3T Sài Gòn không ít lần đã bỏ qua những quy chuẩn trên.
Một học viên từng học ở trung tâm này cho biết: "Sau khi tôi và một nhóm bạn đóng đủ tiền thì chỉ cho mỗi người chạy chừng 100km đến 300km. Tiếp đó, họ kêu học viên đến văn phòng, dùng phần mềm DAT để cho nhận diện. Chẳng hiểu họ can thiệp kiểu nào mà chúng tôi cũng chạy đủ 810km và số giờ theo quy định rồi được cấp bằng lái xe".
Thầy giáo dạy lái xe trên còn cho hay, theo quy định, mỗi xe chỉ đặt một máy DAT nhưng riêng Trung tâm dạy nghề lái xe 3T Sài Gòn lại đặt nhiều máy DAT.
Tạo "chân rết" kéo học viên
Trung tâm dạy nghề lái xe 3T Sài Gòn tự giới thiệu "là đơn vị đào tạo dạy nghề lái xe ô tô chuyên nghiệp, với 24 chuỗi trung tâm đào tạo" ở các tỉnh Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
Theo tìm hiểu, do có nhiều cơ sở đào tạo nên Trung tâm dạy nghề lái xe 3T Sài Gòn đã chiêu sinh được rất nhiều học viên. Cụ thể, giáo viên dạy lái xe ở các tỉnh gom học viên. Nếu đưa học viên về trung tâm này sẽ được hưởng hoa hồng và họ dùng pháp nhân của trung tâm để đưa học viên đi thi.
"Qua các đợt thi, học viên của Trung tâm dạy nghề lái xe 3T Sài Gòn vẫn đông nhất so với các trung tâm đào tạo khác. Nếu công an truy số học viên ở đây đào tạo và so sánh với số km, số giờ bắt buộc phải chạy thì chỉ có can thiệp vào phần mềm DAT để chỉnh sửa mới đào tạo ra hàng ngàn học viên như vậy. Họ cũng thu nhiều khoản tiền ngoài luồng, như trước khi thi bắt học viên đóng thêm tiền thế chân 2 triệu. Trường hợp nào thi rớt họ bắt đóng thêm tiền và phải về sân sát hạch của trung tâm để chạy", một thầy giáo dạy lái xe nhiều năm ở Đồng Nai cho hay.
Liên quan vụ việc, tháng 1-2023, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố vụ án, khởi tố, bắt tạm giam 23 bị can là lãnh đạo, nhân viên tại hai trung tâm đăng kiểm xe ở TP Biên Hòa để điều tra về các hành vi đưa và nhận hối lộ.
Trong số các bị can, Võ Chí Giang (39 tuổi, nhân viên Trung tâm dạy nghề lái xe 3T Sài Gòn) bị khởi tố để điều tra về hành vi "đưa hối lộ".
Ngày 22-4, các lực lượng công an đã tiến hành khám xét Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn cùng một số văn phòng của trung tâm này ở TP Biên Hòa.