Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến chuyên gia phản hồi về vấn đề này.
* Thạc sĩ Đoàn Kim Vân Quỳnh (Đại học Văn Lang):
Nhiều đầu mối, rối quản lý
Nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước cũng như các nhà đất công khác có nhiều nguồn gốc khác nhau, hiện giao cho nhiều đầu mối quản lý. Trải qua thời gian dài các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng nhà đất thuộc sở hữu nhà nước có nhiều thay đổi vẫn chưa phù hợp với thực tiễn.
Điển hình như chỉ riêng với nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước thì đã rất phức tạp về nguồn gốc và pháp lý quản lý, đối tượng sử dụng, đan xen hình thức sở hữu và diện tích sử dụng…
Tồn tại trên khiến cho việc quản lý, khai thác quỹ nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước cũng như nhà đất công gặp nhiều khó khăn. TP rất cần có phương án quản lý tập trung, hiệu quả nguồn công sản này.
Để quản lý thống nhất, tập trung nguồn nhà đất công, pháp luật về nhà ở cần có quy định bao quát, thống nhất các loại hình nhà đất công hiện nay để tạo cơ sở cho việc tổ chức đầu mối quản lý, vận hành, sử dụng, khai thác nguồn nhà đất bảo đảm tập trung, hiệu quả nhất.
Hiện tại nhà đất do các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ở TP đang quản lý, sử dụng được quản lý theo nghị định 167/2017, hiện được Ban chỉ đạo 167 thuộc Sở Tài chính chịu trách nhiệm tham mưu xử lý, chưa có đơn vị quản lý thống nhất. Còn nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước hiện được quản lý theo quy định Luật Nhà ở 2014 và các nghị định hướng dẫn thi hành như nghị định 99/2015, nghị định 30/2019 hoặc xa hơn là nghị định 61 năm 1994…
Dự thảo nghị định hướng dẫn Luật Nhà ở 2023 đang được lấy ý kiến, hoàn thiện rất cần các quy định bao quát về quản lý nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước cũng như các nhà đất công khác.
* Ông Nguyễn Thanh Hải (giám đốc Trung tâm Quản lý nhà và giám định xây dựng):
Hoàn chỉnh quy định, quản lý thống nhất
Tháng 8-2022, UBND TP ra quyết định về việc chuyển giao quỹ nhà ở thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP về cho trung tâm quản lý.
Đến nay quỹ nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước từ các quận, huyện, TP Thủ Đức đã chuyển giao về cho Trung tâm Quản lý nhà và giám định xây dựng quản lý là 8.125 căn. Còn lại khoảng 1.500 căn vẫn đang còn do Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà TP quản lý.
Quản lý tập trung nguồn nhà đất công nói chung cũng như nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước nói riêng là rất cần thiết để bảo đảm phát huy hiệu quả giá trị nguồn nhà đất này. Việc quản lý thống nhất cũng giúp tạo lập được dữ liệu quản lý nhà ở tập trung, khoa học, xử lý hồ sơ công việc ngày càng hiệu quả chuyên nghiệp.
Với vai trò, chức năng được giao quản lý quỹ nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước, Trung tâm Quản lý nhà và giám định xây dựng cũng có các kiến nghị để sửa đổi, bổ sung quy định quản lý đối với loại nhà này. Hiện nội dung dự thảo nghị định hướng dẫn Luật Nhà ở 2023 cũng quy định cụ thể đối với quản lý nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước.
TP.HCM tăng cường quản lý bằng công nghệ
Theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM, TP hiện có 9.921 căn nhà là nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước; 9.295 nhà đất do các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ở TP đang quản lý, sử dụng; 131 nhà đất thuộc trung ương quản lý đang thực hiện sắp xếp lại; 9.890 căn hộ và 2.230 nền đất phục vụ tái định cư; 721 căn hộ nhà ở xã hội; 69 căn hộ là nhà ở công vụ; 1.084 nhà đất chưa xác lập quyền sở hữu nhà nước; 2.380 nhà đất trống, đất dôi dư sau bồi thường, giải tỏa do Nhà nước trực tiếp quản lý.
Hiện UBND TP giao Sở Tài chính phối hợp với Trường đại học Kinh tế - Luật và các cơ quan liên quan xây dựng đề án quản lý, khai thác tài sản công và số hóa dữ liệu liên quan đến tài sản công để việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất công ngày càng khoa học, chặt chẽ, hiệu quả, không lãng phí.
TTO - Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị vừa quyết định lập tổ công tác hỗ trợ các địa phương thực hiện chính sách về phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ.