Nomadland tạo nên hình ảnh những người du mục của thế kỷ 21, không được xã hội chấp nhận - Ảnh: IMDb
"Cô là người vô gia cư, đúng không?". Fern ngần ngừ, giây sau Fern nhìn vào cô gái trẻ tuổi vừa nói với mình, rồi cất tiếng đáp như hỏi, hỏi như đáp: "Không, cô chỉ không có nhà. Đó là hai chuyện khác nhau đấy nhỉ?".
Fern, một phụ nữ tầm 60 tuổi góa chồng, mất việc làm vì cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008. Cô đi khắp bờ Tây nước Mỹ trên chiếc xe van được thiết kế theo kiểu "nhà di động" và nhận làm thời vụ trên dọc đường.
Kể cả khi đoạn hội thoại trên diễn ra, hầu hết khán giả của bộ phim Nomadland (tạm dịch: Đất du mục) vẫn nghĩ Fern là người vô gia cư.
Phim dõi theo những chuyến đi của cô, cây cối và đất đá lướt qua ô kính, nơi cô dừng lại là nơi cô cắt đứt để ra đi.
Fern không phải "phượt thủ" già nhất, dĩ nhiên không qua được Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất (tên tiểu thuyết của nhà văn Jonas Jonasson). Cô không lớn tuổi hơn những người cũng như mình - đạp ga bằng đôi chân run, để lại quá khứ, gia đình.
Trần trụi đến ráo hoảnh
Một số người chọn cuộc sống trên chiếc RV, nhưng có những số phận buộc phải sống vậy. Đại suy thoái năm 2008 đã đẩy nhiều người lên chiếc xe thất nghiệp, lăn bánh chạy dù họ muốn hay chăng.
Nomadland đến vào thời điểm này lại thêm ý nghĩa. Bộ phim không phải là để người xem nhớ những gì đã từng qua mà đúng hơn là dự báo về một vài năm sắp tới, khi tình trạng bong bóng kinh tế hiện tại mong manh như bọt xà phòng. Lúc ấy, chuyến xe lại chất thêm nhiều…người già.
Hình ảnh thiên nhiên hiện lên vừa hùng vĩ vừa cô độc, ôm lấy những con người đã già yếu trên chuyến đi cuối đời - Ảnh: IMDb
Fern đại diện cho tinh thần Mỹ kiểu cũ, những kẻ du mục (nomad) đến miền viễn Tây hoang hóa truy tìm giấc mơ.
Cô đối lập lại thế giới ngày nay, nơi mọi người có một mái nhà khi tuổi già ập đến. Fern chống lại các thiết chế gia đình và bất cứ sự ràng buộc nào dù là tình yêu xế chiều. Bộ phim không ca ngợi lối sống của Fern mà xem đó như một sự lựa chọn.
Đừng đợi Nomadland chiếu khung cảnh đẹp nao lòng như những bộ phim xê dịch. Phim sử dụng nguồn ánh sáng tự nhiên để ghi hình nên khi tỏ khi mờ như quay bằng camera điện thoại.
Và có lẽ cũng đừng mong những bản nhạc kích thích niềm hưng phấn ra khỏi nhà. Ludovico Einaudi là người viết nhạc cho Nomadland. Nhà soạn nhạc cổ điển người Ý này chỉ có thứ âm nhạc gí người nghe vào nỗi trống trải, hoang vu.
Nomadland trần trụi đến ráo hoảnh: những người già đang trên chuyến đi cuối cùng trước khi chết.
Bạn dọc đường của Fern, từng người ra đi sau cuộc hành trình của riêng họ. Những người còn sống tụ họp lại, vứt vào đống lửa vài viên đá. Đá sinh ra cát bụi, con người rời kiếp đá của mình để về kiếp đất…
Những trường đoạn chìm trong tiếng nhạc của Ludovico khiến thước phim kéo dài đến vô tận. Người ta vẫn thường tự hỏi trước khi chết, con người trông thấy điều gì.
Cảnh vật thu vào đôi mắt của Fern là hình ảnh cô thấy trước khi chết, một hành trình cận tử dạo qua những khóm xương rồng trên đất nẻ. Còn cái người xem thấy là những thân phận đi mải miết, lầm lũi như bạch dạ hành.
Phim được ghi hình bằng nguồn ánh sáng tự nhiên - Ảnh: IMDB
Frances McDormand - héo vì vai diễn, khô vì đời
Càng ngày Frances McDormand (trong vai Fern) càng héo quắt lại.
Cách đây 3 năm, trong bộ phim Three Billboards Outsite Ebbing, Missouri đã đem lại cho nữ diễn viên tượng vàng Oscar thứ 2, da mặt cô đã bó chặt vào gò xương khô khốc, lộ ra vẻ khắc nghiệt. Oscar năm nay, Frances lại được đề cử nữ diễn viên xuất sắc nhất.
Những vai diễn của Frances McDormand ngày mỗi ghim chặt cô vào thế giới thực, tách khỏi ống kính máy quay. Bộ phim lần trước, Frances đóng vai một bà mẹ đi tìm công lý cho đứa con gái bị hãm hiếp đến chết. Lần này, Frances sắm hình hài một người phụ nữ cô độc trên chiếc xe lăn bánh khắp miền Tây.
Cứ như một cuộc song hành đời – phim của nữ diễn viên, cô già đi bao nhiêu, vai diễn của cô càng cay đắng nhường ấy.
Frances McDormand năm nay 64 tuổi, cô là diễn viên tột hạng hay thực sự là một kẻ du mục? - Ảnh: IMDB
Frances McDormand trên màn ảnh và ngoài đời không khác nhau là bao. Cô độc giữa Hollywood hào nhoáng. Tách mình khỏi những bữa tiệc huyên náo. Vùi cơ thể, tâm trí vào những vai đau đớn nhất cô có thể tìm thấy.
Diễn xuất của Frances McDormand trong phim Nomadland khiến người xem ám ảnh bởi cô phải cạnh tranh khốc liệt với những diễn viên không chuyên. Ngoại trừ Frances, hầu hết diễn viên đều là những người sống rong ruổi trên đường thực sự. Có vẻ như cô không đóng phim điện ảnh mà là một nhân vật tình cờ bị thước phim tài liệu chộp lấy thì đúng hơn.
Frances McDormand khiến người ta tin sái cổ rằng những chữ cô đang lầm bầm, đôi bàn tay siết chặt, hõm mắt khô lại - tất cả đều là thật. Không phải tin không đâu, người ta còn đồ rằng, qua mỗi vai diễn, cô lại chết đi một ít…
Bị Trung Quốc tẩy chay
Nomadland vừa nhận được giải Quả cầu vàng cho hạng mục "Phim chính kịch xuất sắc". Chloé Zhao cũng là nữ đạo diễn châu Á đầu tiên nhận giải thưởng danh giá trên. Phim đang nhận được 4 đề cử cho giải Oscar 2021.
Tuy nhiên, bộ phim lại đang bị tẩy chay ở Trung Quốc vì những chỉ trích trong quá khứ của Chloé Zhao nhằm vào đất nước này.
Trailer Nomadland
TTO - Tháng 8-1968, phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam dâng lên cao điểm ngay trước Hội nghị quốc gia Dân chủ tổ chức tại Chicago. 10.000 người lũ lượt kéo về đây biểu tình thay vì trải chiếu xem các chính trị gia diễn trò.
Xem thêm: mth.59442749130401202-iod-couc-cam-gnaoh-auig-cum-ud-ek-al-at-gnuhc-dnaldamon/nv.ertiout