Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư số 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01 /2020/TT-NHNN về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Được cơ cấu nợ, miễn giảm lãi
Thông tư 03 có hiệu lực thi hành từ ngày 17-5-2021, được doanh nghiệp (DN) và cả NH chờ đợi thời gian qua. Quy định của thông tư tạo thuận lợi trong việc cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng.
"Với quy định tại Thông tư 01, NH chỉ có thể cơ cấu lại nợ theo từng quý hoặc vài tháng/lần, vì không xác định được khi nào hết dịch? Còn thông tư mới cho phép có thể cơ cấu lại đối với những khoản nợ phát sinh đến cuối năm 2021. NH cũng mạnh dạn hơn khi cho vay mới đối với những khách hàng đang được cơ cấu" - phó tổng giám đốc một NH thương mại phân tích.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực đánh giá Thông tư 03 được ban hành là phù hợp và hỗ trợ cho cả NH lẫn DN. Cụ thể, về phía DN sẽ không phải chuyển nhóm trong vòng 3 năm và có cơ hội tiếp cận vốn vay mới. Về phía NH cũng không chuyển nhóm nợ đối với khoản nợ được cơ cấu và trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ trong 3 năm. "Yêu cầu NH trích lập dự phòng rủi ro sẽ phản ánh đúng hơn bản chất của các khoản nợ xấu. Ngoài ra, quy định về lộ trình trích lập sẽ làm giảm áp lực đối với khả năng sinh lời, lợi nhuận của tổ chức tín dụng. Dù vậy, việc vừa phải trích dự phòng rủi ro đối với những khoản nợ được cơ cấu vừa phải tiếp tục cho vay mới đối với các DN này sẽ đòi hỏi NH phải đánh giá đúng, chính xác hơn tình trạng của DN" - TS Cấn Văn Lực lưu ý.
Ông Nguyễn Viết Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Tự động ETEC, cho rằng việc NH được cơ cấu lại thời hạn trả nợ đến cuối năm nay sẽ tác động trực tiếp đến những DN đang có khoản vay lớn. Việc này có ý nghĩa động viên, tiếp sức DN vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài; từ đó có thể nắm bắt cơ hội thị trường dần phục hồi trong hiện tại.
"Đây là tin vui cho cộng đồng DN. Quan trọng là triển khai thông tư này như thế nào để DN thực sự được thụ hưởng" - ông Toàn nói.
Khánh hàng chờ làm thủ tục vay vốn tại VPBank. Ảnh: TẤN THẠNH
Cần giải pháp hỗ trợ triệt để
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM, bày tỏ lạc quan kinh tế trong nước và môi trường kinh doanh của DN từ nay đến cuối năm 2021 sẽ có nhiều chuyển biến tích cực, trong điều kiện dịch bệnh trên toàn cầu và trong nước được kiểm soát tốt. Theo ông Dũng, thời gian qua, DN được trợ lực từ những giải pháp hỗ trợ đồng bộ, trong đó có các gói hỗ trợ của Chính phủ trong năm 2020 như giãn nợ, cơ cấu lại nợ… "Năm 2021 là khởi đầu mới của Đại hội XIII của Đảng và khởi đầu chu kỳ kinh tế mới. DN rất kỳ vọng Chính phủ, các bộ - ngành sớm có những hỗ trợ thiết thực, dài hơi hơn. Cụ thể là kéo dài thời gian giãn nợ lâu hơn để hỗ trợ DN tốt hơn" - ông Dũng kiến nghị.
Cũng theo ông Dũng, hiện nay, không ít DN gặp nhiều vấn đề trong tiếp cận vốn. Bản thân NH thương mại cũng là DN, phải bảo đảm an toàn trong kinh doanh tài chính của họ. Vì vậy, với thông tư mới về việc cơ cấu lại nợ được áp dụng, cơ quan quản lý nhà nước cần có giải pháp giúp NH thương mại hạn chế rủi ro trong bối cảnh đã có nhiều bài học về quản lý nợ xấu và áp lực xử lý nợ xấu.
Ông Trần Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn, đánh giá thị trường đang hồi phục tốt, nhu cầu mua hàng tăng trở lại, việc giãn nợ sẽ giúp DN bớt áp lực trả nợ trong ngắn hạn để tập trung sản xuất - kinh doanh. Tuy vậy, thay vì chỉ áp dụng trong vài tháng đến 1 năm, NH cần có chính sách giãn nợ dài hơi hơn để giúp DN phục hồi và trả nợ từ từ.
Nhấn mạnh chính sách phải đi vào thực tiễn cuộc sống, ông Nguyễn Viết Toàn nêu thực tế năm 2020, Chính phủ đã triển khai nhiều đợt hỗ trợ cho DN nhưng số tiếp cận được chính sách hỗ trợ rất ít. Lý do là để được giảm nợ, giãn nợ, NH thường đánh giá chỉ số tín nhiệm khách hàng và kết quả đánh giá xếp hạng này trực tiếp ảnh hưởng đến kế hoạch vay vốn của DN. Từ thực tiễn này, ông Toàn cho rằng cần tháo gỡ những vướng mắc, bất cập để đưa chính sách vào đời sống, mang lại hiệu quả thực sự, giúp DN tháo gỡ khó khăn.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hiệp hội NH Việt Nam, cũng đề xuất cần sự vào cuộc, hỗ trợ của Chính phủ trong việc cho phép tổ chức tín dụng được khoanh nợ. Cụ thể là Chính phủ cần xem xét ban hành nghị định cho phép NH được khoanh nợ đối với các khoản vay thuộc đối tượng áp dụng tại Thông tư 01 trước đây và giờ là Thông tư 03. Khi đó, NH mới yên tâm cho vay mới.
Giãn trích lập dự phòng trong 3 năm
Theo quy định tại Thông tư 03, các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư của khoản nợ phát sinh trước ngày 10-6-2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính và phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23-1-2020 đến 31-12-2021.
Đồng thời, NH được quyết định việc miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ đối với số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 10-6-2020 từ hoạt động cấp tín dụng mà khách hàng phải trả trong 2 năm 2020-2021 nhưng không có khả năng do ảnh hưởng dịch Covid-19. Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và miễn, giảm lãi, phí cho khách hàng được thực hiện đến ngày 31-12-2021.
Thông tư 03 cũng bổ sung quy định trích lập dự phòng rủi ro. Các NH phải trích lập số tiền dự phòng cụ thể đối với toàn bộ dư nợ của khách hàng theo kết quả phân loại đối với phần được giữ nguyên nhóm nợ và kết quả phân loại đối với dư nợ còn lại của khách hàng. Trường hợp số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung dương thì NH phải trích bổ sung theo lộ trình trong 3 năm và đến cuối năm 2023, trích đầy đủ 100%.
Xem thêm: mth.10864830240401202-ioh-cuhp-peihgn-hnaod-cus-peit-on-uac-oc/et-hnik/nv.moc.dln