Đại dịch toàn cầu COVID-19 đã khiến du lịch Việt Nam đối mặt với khủng hoảng lớn chưa từng có. Năm 2020, khách quốc tế sụt giảm gần 80%, khách nội địa sụt giảm 50%, thiệt hại tới 23 tỷ USD. Chuỗi tăng trưởng liên tục 10 năm bị đứt gãy. Những đợt dịch liên tiếp khiến "sức khỏe" của gần 3.000 doanh nghiệp lữ hành và 3 vạn cơ sở lưu trú bị đe dọa nghiêm trọng.
Là một trong những đơn vị lữ hành lớn của Hà Nội, thời gian qua, Công ty lữ hành Hà Nội Tourist cầm cự được nhờ nguồn quỹ dự phòng đã được tích lũy trong một thời gian dài. Cả năm trời thị trường sụt giảm, nguồn khách không có, nhân viên buộc phải cắt giảm thu nhập, luân phiên giờ làm, tranh thủ đào tạo nghiệp vụ, coi đó như là đầu tư cho tương lai.
"Nhân viên làm việc nhiều nhưng lượng khách lại rất ít, do đó phải quyết tâm cao mới có thể duy trì", ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty lữ hành Hà Nội Tourist, cho hay.
Tuy nhiên, với những doanh nghiệp nhỏ, hầu như không có quỹ dự phòng rủi ro khó lòng trụ vững. Năm 2020, khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế ngừng hoạt động. Hàng trăm nghìn nhân viên ngành du lịch đã chuyển sang chạy Grab, phục vụ quán ăn, bán hàng online…
Quảng Ninh là 1 trong 10 điểm đến trong nước được khách Việt ưa thích nhất. (Ảnh: Dân trí)
"Đó là nỗi đau của ngành du lịch, vì để đào tạo được nhân lực chuyên nghiệp cần rất nhiều thời gian. Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ để giữ được lực lượng lao động này", ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch, chia sẻ.
Khó khăn nhất là các doanh nghiệp lữ hành. Là mắt xích trung gian, họ không chỉ mất nhân lực, mà còn bị nợ đọng vốn tại hàng không, khách sạn, điểm lưu trú vì phải đặt trước dịch vụ, trong khi phải bồi hoàn kinh phí khi khách đồng loạt hủy tour. Trong khi rất ít doanh nghiệp có thể tiếp cận những hỗ trợ về thuế, phí, tín dụng.
Thị trường đang có tín hiệu ấm dần. Các chuyên gia đánh giá, lúc này người dân đã sẵn sàng chi tiêu cho du lịch, điều họ cần nhất là cảm giác thật sự an toàn, chứ không chỉ là giảm giá. Do đó sự tích cực vào cuộc của các địa phương là rất cần thiết. Nguồn khách dồi dào chính là "liều thuốc" hiệu quả nhất để hồi sinh các doanh nghiệp du lịch.
Nhu cầu du lịch tăng cao sau dịch
Hai năm qua, sau mỗi đợt dịch được kiểm soát tốt, thị trường du lịch lại ấm lên, cho thấy nhu cầu đi du lịch của người dân là rất lớn. Thời điểm này, hàng chục nghìn du khách đã đăng ký tour cho kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 và mùa hè với những điểm đến yêu thích như: Sa Pa, Hạ Long, Phú Quốc, Đà Nẵng, Đà Lạt.
Trước đây, nhiều khách du lịch lựa chọn tour quốc tế, năm nay có xu hướng chọn tour trong nước với dịch vụ cao cấp. Không chỉ hưởng ứng cuộc vận động người Việt đi du lịch Việt Nam hay hiệu ứng từ các chương trình kích cầu, du khách thực sự hứng thú với mỗi chuyến đi.
Đầu tháng 4, ba tuần sau khi du lịch mở cửa trở lại, lượng khách đến Quảng Ninh tăng dần, đặc biệt tại các điểm di tích danh thắng và các khu nghỉ dưỡng biển.
Tại các khu vui chơi, lượng khách tăng mạnh vào cuối tuần. Xu hướng lựa chọn những quần thể nghỉ dưỡng có đầy đủ các loại hình vui chơi giải trí vẫn được khách nội địa ưa chuộng.
"Mình đã đi rất nhiều nơi ở trong nước cũng như quốc tế nhưng mình thấy Quảng Ninh vẫn là một điểm đến hấp dẫn, đặc biệt là an toàn phòng chống dịch", chị Hoàng Thị Mai (du khách) chia sẻ.
Theo thống kê của nhiều công ty du lịch lớn, lượng khách đặt các tour du lịch ngắn ngày vẫn chiếm ưu thế. Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 tới đây, công suất khách book tour đã lên đến 50% - 60%.
Khảo sát mới nhất của Hội đồng Tư vấn Du lịch TAB phối hợp với Vnexpress cho thấy, 10 điểm đến trong nước được khách Việt ưa thích nhất lần lượt là: Đà Nẵng, Kiên Giang, Lâm Đồng, Lào Cai, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Bình Định, Bình Thuận, Hà Giang và Quảng Nam. Nghỉ dưỡng biển được ưa thích nhất trong hành trình du lịch của khách Việt (chiếm 65,9%), kế đến mới là khám phá ẩm thực, nghỉ dưỡng núi, dã ngoại...
Kích cầu du lịch nội địa mùa cao điểm hè 2021
Năm 2020, lượng khách nội địa đạt 56 triệu lượt, tương đương 66% lượng khách nội địa năm 2019. Tại nhiều thời điểm trong năm, công suất phòng tại một số trung tâm du lịch lớn đạt tới 30% - 50%, cuối tuần gần như kín phòng. Đợt cao điểm chuẩn bị bước vào du lịch Hè đang chuẩn bị bắt đầu, hiện các địa phương, doanh nghiệp đã sẵn sàng cho một mùa Hè sôi động.
Đại dịch toàn cầu COVID-19 đã khiến du lịch Việt Nam đối mặt với khủng hoảng lớn chưa từng có. (Ảnh: Báo Đầu tư)
Xu hướng du lịch của khách Việt qua một số khảo sát gần đây: du lịch nghỉ dưỡng biển, ẩm thực được ưa chuộng; lựa chọn đi cùng gia đình, bè bạn; tự đặt tour trực tuyến; đi nhiều lần nhưng mỗi lần ở ngắn 2 - 3 ngày.
Các địa phương thế mạnh du lịch biển đảo có lợi thế trên đường đua hút khách nội địa. Bình Định giảm giá tới 30% giá tour, lữ hành, lưu trú cho khách, thêm sản phẩm city tour Quy Nhơn...; Đà Nẵng - "Rực rỡ sắc Hè" tập trung du lịch thể thao nghỉ dưỡng, kết hợp phố đi bộ và dịch vụ đêm tại bãi biển...; Khánh Hòa - "Nha Trang biển gọi", liên kết để kích cầu, tổ chức chuỗi 100 sự kiện văn hóa, thể thao liên tục từ nay đến cuối năm; Thanh Hóa tung ra loạt lễ hội Du lịch biển - Hải Tiến, Hải Hòa, Lễ hội hoa và Du lịch biển Sầm Sơn...
"Định hướng cho các doanh nghiệp du lịch hình thành liên minh kích cầu, với tiêu chí: tăng tối đa về chất lượng và giảm tối đa giá thành", ông Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, cho biết.
Du lịch sinh thái, trị liệu, thể thao; du lịch cộng đồng, miền núi, khám phá, trải nghiệm văn hóa bản địa là những sản phẩm được quảng bá mạnh. Sau 2 đợt kích cầu năm 2020, ngành du lịch kéo khách trở lại với 56 triệu lượt, doanh thu hơn 312.000 tỷ đồng.
Theo thống kê, với gần 893.000 khách trong tháng 11/2020, tuyến Hà Nội - TP Hồ Chí Minh là chặng bay đông khách thứ hai thế giới, chỉ sau chặng Jeju - Seoul (Hàn Quốc). Người Việt vẫn sẵn sàng, thậm chí nóng lòng đi du lịch trong nước ngay từ bây giờ.
VTV.vn - Các hãng hàng không cho biết số lượng khách đặt mua vé tăng đáng kể những ngày qua. Thậm chí các hãng đã phải tăng chuyến tới các điểm du lịch.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.32495058180401202-hcid-iad-uah-ahp-tub-gnas-nas-man-teiv-hcil-ud/et-hnik/nv.vtv