Khu vực mỏ cát sông Tiền ở huyện Chợ Mới, An Giang nằm ngay bến đò kênh Ngang được đấu giá hơn 2.811 tỉ đồng - Ảnh: BỬU ĐẤU
Như Tuổi Trẻ đã thông tin, Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh An Giang đưa ra đấu giá mỏ cát trên sông Tiền thuộc xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang với giá khởi điểm hơn 7,2 tỉ đồng. Đơn vị trúng đấu giá là Công ty TNHH thương mại và dịch vụ T-S.HOME với số tiền trên 2.811 tỉ đồng.
Mỏ cát này có diện tích 60,3ha; mức sâu khai thác dự kiến -16m và trữ lượng ước tính trên 2.372.500m3. Dư luận đặt câu hỏi: Tại sao Công ty TNHH thương mại và dịch vụ T-S.HOME dám "chơi trội" đưa ra số tiền "khủng" 2.811 tỉ đồng để thắng thầu?
Không ai đấu giá cát bằng tiền
Ông Trần Lĩnh Nam - giám đốc Công ty TNHH khai thác vật liệu Trầm Tích (quận 3, TP.HCM), người có mặt ở ngày đấu giá mỏ cát sông Tiền diễn ra tại xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới - cho rằng nhiều người đã hiểu sai câu chuyện đấu giá này rất nhiều.
"Bữa đó, có nhiều người không phải chuyên ngành cát tham gia đấu giá mỏ cát nhưng lại không hiểu thông số "R" (thông số cấp quyền khai thác khoáng sản - PV) nên đơn vị đấu giá mới chiều chuộng theo ghi ra số tiền tương ứng là 2.811 tỉ đồng đó. Vì nếu là dân trong nghề, người ta chỉ cần trả giá chỉ số R tăng bao nhiêu phần trăm là hiểu ngay" - ông Nam kể lại.
Theo ông Nam, Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh An Giang đã tính toán theo nghị định 67/2019 của Chính phủ để tính toán ra thông số R = 5% đối với khoáng sản tạm tính khi chưa biết chắc chắn số lượng cát có dưới mỏ là bao nhiêu.
Sở Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh đã ước trữ lượng ban đầu tạm tính là gần 2,4 triệu tấn (tạm gọi là R). Sau đó, đưa ra 5% của R đấu giá tương đương với trên 7,2 tỉ đồng.
"Theo tôi, sở đã làm hết cách để tính giá cao nhất cho Nhà nước. Chúng tôi đấu giá chỉ đấu theo hình thức tăng bao nhiêu phần trăm R là được. Bữa đó tôi trả giá R bằng 1.905% chứ không ai lại đấu giá ra tiền như vậy. Vì sau khi trúng đấu giá, họ xin giấy phép thăm dò trữ lượng thì trữ lượng đạt thấp hơn phải trả thấp hơn, chứ đâu phải trả số tiền đó" - ông Nam khẳng định.
5 người "ngoại đạo" đấu giá mỏ cát
Ông Nam cho biết, hôm đấu giá có 5 người tham gia không biết, không hiểu về địa chất và cũng không làm trong ngành cát nên không hiểu rõ R là gì.
"Tôi thấy bức xúc, vì không có cơ sở nào để nói doanh nghiệp sẽ trả số tiền đó. Vì sau khi được công nhận trúng đấu giá phải đi xin giấy phép thăm dò địa chất, trữ lượng ở đó bao nhiêu nữa. Nếu mỏ cát không có cát hoặc cát rất thấp thì sao? Lúc này R sẽ giảm, hoặc không có thì R chỉ bằng 0. Tôi thấy UBND tỉnh An Giang và sở đã tính toán hết cách mới ra được con số 7,2 tỉ đồng đó. Tôi khẳng định An Giang đã làm đúng nghị định 67 nên mới có mức giá đó và mức giá này không bao giờ có chuyện giá thấp" - ông Nam nói thêm.
Ông Bùi Văn On - phó giám đốc Công ty TNHH Phúc Thành Tân Châu (thắng thầu một mỏ cát trên sông Hậu với giá 273 tỉ đồng), có mặt tham gia buổi đấu giá ở huyện Chợ Mới - cũng cho rằng đơn vị thắng thầu mỏ cát Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới với số tiền quá lớn là "bất thường".
Công ty TNHH thương mại và dịch vụ T-S.HOME vẫn chưa đưa ra phản ứng sau phiên đấu giá. Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Văn Thái - trưởng phòng khoáng sản, tài nguyên nước thuộc Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh An Giang, đại diện đơn vị trúng thầu mỏ cát sông Tiền đã liên hệ Sở hướng dẫn làm hồ sơ, thủ tục xin giấy phép thăm dò khoáng sản.
"Họ có đóng tiền ký quỹ 1,4 tỉ đồng lúc đấu thầu. Từ bây giờ đến lúc nhận quyết định trúng thầu, họ sẽ nộp tiền lần 1 là 145 tỉ đồng theo quy định. Chúng tôi đang hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các bước tiếp theo" - ông Thái nói.
85 tỉ đồng
Đó là tổng doanh thu thuế, phí mà tỉnh An Giang thu được trong năm 2021 từ việc cho 9 doanh nghiệp khai thác cát trên sông Tiền và sông Hậu với tổng sản lượng khai thác khoảng 1,6 triệu khối.
Người trúng đấu giá "bỏ", xử lý ra sao?
Theo luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP Hà Nội), trường hợp sau khi đã công bố người trúng đấu giá mà tại cuộc đấu giá người này từ chối kết quả trúng đấu giá thì người trả giá liền kề là người trúng đấu giá, nếu giá liền kề đó cộng với khoản tiền đặt trước ít nhất bằng giá đã trả của người từ chối kết quả trúng đấu giá và người trả giá liền kề chấp nhận mua tài sản đấu giá.
Trong trường hợp đấu giá thành, luật sư Trần Minh Hải (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng theo điều 46 Luật đấu giá tài sản, khi đấu giá viên công bố kết quả trúng đấu giá thì người trúng đấu giá được coi như chấp nhận giao kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá. Nếu người này từ chối kết quả trúng đấu giá thì cần phải xem xét hợp đồng mua bán tài sản đấu giá có ràng buộc trách nhiệm của các bên không (ví dụ như phạt vi phạm khi đơn phương chấm dứt hợp đồng, bồi thường thiệt hại...).
Nếu hợp đồng không có quy định ràng buộc thì người từ chối kết quả đấu giá chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi khoản tiền đặt trước.
Luật sư Hải cũng lưu ý, việc xem xét người từ chối kết quả trúng đấu giá đúng hay sai còn phụ thuộc vào việc quy chế đấu giá có được xác lập phù hợp với quy định pháp luật hay không, trình tự đấu giá có đúng với quy chế đấu giá hay không. Nếu quá trình đấu giá không thực hiện đúng quy định thì người trúng đấu giá có thể từ chối kết quả đấu giá.
TUYẾT MAI
Trước xin - cho làm, từ 2018 phải đấu giá
Lãnh đạo Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh An Giang cho biết trước đây không đấu giá khai thác mỏ cát mà chỉ thực hiện khi UBND tỉnh cho chủ trương. Cụ thể, Sở Tài nguyên - môi trường có nhiệm vụ lập đề án thăm dò rồi đưa ra hội đồng thẩm định và lập dự án. Sau đó, trình UBND tỉnh An Giang ký quyết định khai thác.
"Trước đây, địa phương chưa thực hiện theo Luật đấu giá nên chủ yếu là doanh nghiệp xin UBND tỉnh, chúng tôi mới lập kế hoạch thăm dò, khảo sát rồi lập dự án rõ ràng mỏ đó có trữ lượng ra sao, khai thác bao lâu thì được. Sau đó, sở sẽ trình UBND tỉnh ký quyết định cấp phép khai thác. Còn từ năm 2018 đến nay đều phải thực hiện theo nghị định 201 về cách thức đấu giá và quy trình đấu giá ra sao đối với tài nguyên khoáng sản này" - vị này nói thêm.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Thanh Bình - chủ tịch UBND tỉnh An Giang - khẳng định: "Bây giờ các mỏ khoáng sản đá hay cát hoặc đất công muốn giao cho doanh nghiệp đầu tư đều phải đấu giá công khai, rõ ràng theo quy định để tạo sự công bằng cho các doanh nghiệp và thu ngân sách nhiều hơn".
Bến Tre: 3 đơn vị bỏ thầu cao rồi... im lặng
Theo ông Bùi Minh Tuấn - giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Bến Tre, hiện trên địa bàn tỉnh chỉ còn 1 mỏ cát được cấp phép khai thác. Trước đó, có 3 đơn vị trúng đấu giá khai thác 3 mỏ cát khác trên địa bàn. Tuy nhiên, đến nay 3 đơn vị trên chưa làm nghĩa vụ tài chính (đóng tiền), Sở Tài nguyên và môi trường Bến Tre đã 3 lần gửi văn bản yêu cầu thực hiện nghĩa vụ tài chính nhưng không có phản hồi.
Theo đó, từ tháng 8 đến tháng 12-2019, Hội đồng đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã tổ chức phiên đấu giá quyền khai thác đối với 5 khu vực mỏ cát trên địa bàn tỉnh Bến Tre.
Trong đó, có 3 mỏ do các công ty gồm: Công ty TNHH xây dựng - thương mại H.H trúng đấu giá mỏ cát Quới Sơn (thuộc xã Quới Sơn, huyện Châu Thành) có trữ lượng khoảng 1,1 triệu m3 với mức trúng đấu giá trên 22,4 tỉ đồng; Công ty TNHH S.N trúng đấu giá mỏ An Đức - An Hòa Tây (huyện Ba Tri) có trữ lượng 1,5 triệu m3, với mức trúng đấu giá 220 tỉ đồng; Công ty cổ phần vận tải biển Đ.N trúng đấu giá mỏ cát An Hiệp - An Ngãi Tây (huyện Ba Tri) có trữ lượng 1,5 triệu m3, đấu giá trúng trên 121 tỉ đồng.
Mức giá 3 đơn vị trúng thầu nói trên đều cao gấp hơn 40 lần so với giá khởi điểm.
Ra giá cao để giành quyền khai thác nhưng sau đó các công ty trúng đấu giá không hoàn tất thủ tục để khai thác nên đã bị hủy kết quả trúng đấu giá.
TTO - Mấy ngày qua nhiều bạn đọc quan tâm tới vụ đấu giá mỏ cát sông Tiền ở tỉnh An Giang vừa ngạc nhiên vì giá thắng cuộc quá cao vừa bức xúc cho rằng giá khởi điểm được đưa ra quá thấp. TTO cung cấp vài căn cứ pháp lý để bạn đọc cùng tìm hiểu.
Xem thêm: mth.32203537021401202-r-os-gnoht-na-ib-gnod-it-118-2-nert-neit-gnos-tac-om-uaht-gnurt-uv/nv.ertiout