Những vụ án chấn động làng quê
Ngày 9-4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Vĩnh Châu (Sóc Trăng) đề nghị giám định tâm thần đối với Thạch Thanh Tuấn (SN 1997, ngụ xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu). Đây là đối tượng có dấu hiệu tâm thần với biểu hiện hay nóng giận bất thường nhưng do hoàn cảnh khó khăn nên không được chữa trị.
Các cơ quan chuyên môn khuyến cáo, những gia đình có người bệnh tâm thần thì bên cạnh việc quan tâm chăm sóc cần quản lý chặt các dụng cụ có tính gây sát thương; đồng thời cần nhanh chóng đưa những trường hợp có các biểu hiện như thay đổi bất thường về hành vi, tính nết, ngủ ít, đi lang thang... đến cơ sở y tế khám để phát hiện và điều trị sớm bệnh tâm thần, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra. Chính quyền địa phương cần có sự quản lý, giám sát, quan tâm đến các đối tượng mắc bệnh trên địa bàn, hỗ trợ gia đình khó khăn trong việc đưa người thân đến các cơ sở điều trị bệnh tâm thần. Cần ban hành các quy định về quản lý, bắt buộc chữa bệnh đối với những người mới bắt đầu có biểu hiện bệnh tâm thần.
Chiều 7-4, bà N.T.H (mẹ của Tuấn) đang cho cháu nội là T.T.N (SN 2018) ăn trước nhà thì bị Tuấn cầm cây chĩa đâm nhưng không trúng. Nhìn ánh mắt hung tợn của con trai cùng nụ cười ngây ngô, bà H. biết gã đang "lên cơn" liền bỏ chạy, để lại cháu N. Không đâm được mẹ ruột, Tuấn bế cháu N. chạy vào nhà của chị gái gần đó rồi đóng cửa, cầm dao và chĩa uy hiếp, dọa giết N. Gia đình hoảng sợ gọi điện báo công an. Công an thị xã Vĩnh Châu đã phân công lực lượng đến hiện trường tiếp cận, thuyết phục Tuấn thả cháu N. nhưng gã không đồng ý. Trong nhà, Tuấn yêu cầu công an phải cung cấp một khẩu súng AK, 200 viên đạn, 1 quả lựu đạn. Trong suốt quá trình lực lượng công an thuyết phục, Tuấn liên tục cầm dao dọa giết bé gái. Đến khoảng 1 giờ ngày 8-4, nhân lúc Tuấn sơ hở, lực lượng công an đã áp sát, khống chế Tuấn và giải cứu cháu N. an toàn.
Công an tỉnh An Giang đề nghị giám định tâm thần đối với Phan Ngọc Nam (SN 1977, trú ấp Sơn Tân, xã Vọng Đông, huyện Thoại Sơn, An Giang). Cũng như Tuấn, Nam có dấu hiệu bệnh tâm thần. Khoảng 3 giờ 20 ngày 3-2, Phan Ngọc Nam điều khiển môtô BS: 67M1-431.89 trên Tỉnh lộ 943 và cầm theo một con dao dài khoảng 41cm. Khi đến khu vực ấp Sơn Lập (xã Vọng Đông), Nam dựng xe giữa đường thì thấy một xe khách chạy từ thị trấn Óc Eo ra, do anh Lê Quang Minh (SN 1971, trú TP.Long Xuyên) điều khiển, cùng phụ xe Hồ Văn Sang (SN 1991, trú huyện Thoại Sơn) và 1 hành khách.
Thấy hành động lạ lùng của Nam, tài xế buộc dừng lại. Khi anh Minh vừa mở cửa, Nam lớn tiếng: "Tất cả các người trong xe đứng dậy chào tôi cái coi". Tài xế và phụ xe thực hiện theo yêu cầu của Nam, y liền nhặt 2 cục gạch ống bên đường ném vỡ kính chắn gió của xe khách, anh Minh cùng Sang xuống xe. Nam bỏ chạy vào trong hàng rào nhà bà Trần Thị Lệ (SN 1953). Lúc này, bà Lệ cùng cháu Huỳnh Thị Yến Ly (SN 2009) đang ngủ vội tỉnh giấc mở cửa ra xem, liền bị Nam dùng dao chém một nhát vào cổ. Hoảng sợ, Ly bỏ chạy vào trong, Nam đuổi theo tìm Ly không gặp nên quay ra tiếp tục chém bà Lệ liên tiếp rồi vào trong nhà cố thủ. Nhận tin báo, công an địa phương bắt giữ Nam. Bà Lệ đã tử vong trên đường đến bệnh viện.
Gây án mới được chữa bệnh bắt buộc
Hiện nay, người dân bất an bởi người tâm thần gây những vụ thảm án. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành vẫn còn thiếu quy định về việc yêu cầu chữa bệnh bắt buộc đối với người bị bệnh tâm thần trong trường hợp họ chưa có hành vi nguy hiểm cho xã hội. Phần lớn người bệnh tâm thần được điều trị tại cộng đồng nhưng không phải người bệnh nào cũng được gia đình quan tâm, chăm sóc. Nhiều người bệnh tâm thần không được khám và chữa trị dứt điểm nên bệnh nặng, không kiểm soát được hành vi, dẫn đến những hệ lụy đau lòng, là nỗi lo của toàn xã hội. Yếu tố bệnh lý dẫn đến các hành vi phạm tội ở những bệnh nhân này là hoang tưởng bị truy hại, hoang tưởng tự cao, ảo thanh ra lệnh, ảo thanh bình phẩm xấu, chán nản bi quan, kích động vận động, ý thức hoàng hôn...
Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 và Nghị định số 64/2011/NĐ-CP đều không quy định chữa bệnh bắt buộc đối với người tâm thần bị hạn chế, mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi, khi họ có biểu hiện mắc bệnh để ngăn ngừa những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội. Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 chỉ quy định việc xác định tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi thuộc trách nhiệm của cơ quan pháp y. Ở các giai đoạn tố tụng, giai đoạn nào phát hiện được, hoặc người phạm tội yêu cầu thì cơ quan tiến hành tố tụng giai đoạn đó trưng cầu giám định tình trạng bệnh tật của người phạm tội để xác định năng lực trách nhiệm hình sự. Nghị định số 64/2011/NĐ-CP quy định về việc thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với người được xác định mắc bệnh tâm thần. Nhưng các biện pháp này chỉ áp dụng từ giai đoạn điều tra theo quyết định của cơ quan tố tụng, tức là sau khi các đối tượng đã gây án.
Thống kê của các cơ quan chuyên môn, người mắc bệnh tâm thần gây án, sau khi bị đưa đi chữa bệnh bắt buộc, sức khỏe ổn định sẽ được trở về gia đình (vì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự), họ sẽ tạo nên sự bất an đối với cộng đồng, vì không có gì bảo đảm chắc chắn rằng họ sẽ không tiếp tục phạm tội khi bệnh tình tái phát. Ngoài ra, một số yếu tố bên ngoài có thể thúc đẩy hành vi phạm tội của bệnh nhân như căng thẳng tâm lý, lạm dụng rượu và ma túy... khiến cho bệnh nhân tái bệnh, hành vi phạm tội diễn ra mãnh liệt, tức thời.
Đã đến lúc, các cơ quan chức năng cần xem xét lại việc chữa bệnh bắt buộc đối với người bị bệnh tâm thần, đừng để gây án mới đưa đi chữa bệnh.
Xem thêm: lmth.453011_na-yag-naht-mat-iougn-ihk-na-tab/na-uv/nv.moc.nagnoc