Bài viết xin chọn chứng minh “trà” như một chủ đề trong văn học nước ta. Theo học giả Đào Duy Anh, trong chữ Hán, “trà” là chè nói chung, nhưng trong tiếng Việt thì “trà” là chè cao cấp nên có “chè tười” (lá chè tươi) mà không có “trà tươi”.
Thời trung đại, ngoài thơ Thiền, trà được nói nhiều trong thơ Nguyễn Trãi. Bài “Ngẫu thành” là cảnh sinh hoạt: “Mây tỏa đầy nhà, mai đốt bách/ Tùng reo quanh gối, tối đun trà”. Sáng sớm (mai) đốt gỗ bách sưởi ấm nên có cảm giác “mây tỏa đầy nhà”. Buổi chiều có tiếng (cây) tùng reo quanh gối. Tối đến nổi lửa đun trà.
Trong bài “Mạn hứng” là cảnh: “Quét tuyết đun trà bên trúc ổ/ Đốt hương đọc sách dưới mái hiên”. Trong một bài thơ chữ Hán khác ông nói lấy chè (trà) làm phương tiện “rửa sạch lòng trần”. Ước mơ bình dị của bậc đại nhân, đại trí ấy lại chỉ là: “Bao giờ làm được nhà dưới ngọn núi mây/ Để múc nước khe nấu chè và gối đá ngủ” (Sau loạn đến Côn Sơn cảm tác). Đấy là trong “Ức Trai thi tập”, thơ chữ Hán, trong thơ Nôm “Quốc âm thi tập”, chè (trà) được nói tới nhiều hơn.
Chùm bài “Ngôn chí” có những câu: “Cởi tục chè thường pha nước tuyết/ Tìm thanh trong vắt tịn chè mai”. “Tịn” tiếng cổ, có nghĩa là “tận”, là hết. “Tịn chè mai” là hết chè hồng mai rồi nên phải thay chè bằng “nước tuyết”, ý nói cuộc sống nghèo lấy cái thanh cao làm trọng. Lại có câu: “Chè mai đêm nguyệt dậy xem bóng” tức ban đêm dậy uống chè hồng mai thưởng trăng.
Trong chùm bài “Thuật hứng” có hai lần nói tới “chè tiên”: “Chè tiên nước ghín nguyệt đeo về” và “Chè tiên nước ghín bầu in nguyệt”. “Chè tiên” là chè gì? Theo chú giải của Đào Duy Anh thì “tiên” nghĩa là nấu, “chè tiên” là đun, nấu nước chè (trà). Chữ “tiên” nghĩa là nấu này đến nay hầu như không còn dùng. “Ghín” từ cổ nghĩa là gánh. Câu thơ tả cảnh gánh nước đêm về nấu chè nên ánh trăng in vào thùng, gánh nước cũng như gánh cả trăng (nguyệt đeo về)!
Đối ẩm! |
Như vậy Nguyễn Trãi ưa dùng chè và thường dùng vào buổi tối, ban đêm. Khác với tập quán sau này của nhiều người uống chè vào buổi sớm (Bình minh sổ chản trà). Hai câu quen thuộc của ông nói về chè, nhiều người thuộc: “Say mùi đạo, chè ba chén/ Tả lòng phiền, thơ bốn câu” (“Thuật hứng 13”). Ở đây là một quan niệm mượn thú uống chè (trà) để suy ngẫm về đời, về “đạo” (có thể hiểu là đạo lý, đạo trời, đạo nhân...).
Liệu có khỏi suy diễn khi coi Nguyễn Trãi là người đầu tiên ở xứ ta nâng thú uống trà lên thành “đạo” (trà đạo)?! Cùng một quan niệm về sứ mệnh thơ ca nói lên tâm trạng lòng người. Chùm thơ cho biết Nguyễn Trãi làm khi về ở ẩn đầy tâm trạng phiền não nên lấy trà làm phương cách giải khuây. Chắc được dùng trà trồng ở nhiều nơi nên trong “Dư địa chí” ông viết tại châu Sa Bôi (Quảng Trị) có loại trà lưỡi sẻ (tước thiệt) rất thơm ngon.
“Truyện Kiều” của Nguyễn Du có ba lần nói về chè (trà). Khi Kim Trọng tương tư: “Hương gây mùi nhớ, trà khan giọng tình”. Khi Thúc Sinh mặn nồng với Kiều: “Khi hương sớm, khi trà trưa/ Bàn vây điểm nước, đường tơ họa đàn”. Kết thúc cuộc tình với Thúc Sinh, Kiều phải vào Quan Âm Các “áo xanh đổi lấy cà sa”, có hai thị nữ trông nom: “Xuân, Thu cắt sẵn hai tên hương trà”.
“Hương trà” có thể hiểu là dâng trà (khi tụng kinh niệm Phật)!? Như vậy “trà” cũng được Nguyễn Du coi như một nét thi pháp để miêu tả hoàn cảnh, phân tích tâm lý nhân vật. Trong cái hoàn cảnh, tâm trạng Kim Trọng “Mặt mơ tưởng mặt, lòng ngao ngán lòng” về “bóng hồng” (Kiều) thì “trà khan giọng tình” như thổn thức, dằn vặt, trăn trở, muốn nói ra mà không/ chưa nói được... là tuyệt hay!
Trong “Vũ trung tùy bút”, Phạm Đình Hổ (1768-1839) tả việc uống trà ở xứ Bắc thời Cảnh Hưng thật tốn kém: “Các nhà quý tộc, công hầu, con em nhà quý thích đều đua chuộng xa xỉ. Có khi mua một bộ ấm chén phí tổn đến vài mươi lượng bạc…”.
Đúng với tính chất ghi chép mà ông kể khá tỉ mỉ về đồ uống trà, như “chén uống chè cốt cho nhỏ mỏng, khi pha mới nổi hương vị. Vòi ấm thẳng thì nước không đọng, mặt dĩa phẳng thì đặt chén không nghiêng. Đế lò dầy mà lỗ thưa thì than lửa không bốc nóng quá. Lòng ấm siêu lồi lên và mỏng thì sức lửa dễ thấu, chóng sôi…”
Lê Quý Đôn (1726-1784) có dịp vào Phú Xuân (Huế) mà tả cảnh uống trà: “Binh lính cũng đều ngồi chiếu mây, có gối dựa. Bên cạnh đặt lư đồng, pha chè Tàu ngon để uống, dùng chén sứ bịt bạc, ống nhổ bằng thau” (“Phủ Biên tạp lục”).
Trong văn học hiện đại, người nói hay, nói kỹ nhất về trà là Nguyễn Tuân. Đúng với phong cách đi tìm cái đẹp ở những cái kỳ lạ, trong “Vang bóng một thời” nhà văn tả thú thưởng trà như là một nghệ thuật sống. Trước hết phải có ấm: “Thứ nhất Thế Đức gan gà, thứ nhì Lưu Bột, thứ ba Mạnh Thần”.
Đặt lên chậu nước, nếu ấm nổi thì đúng là của Tàu... Chiếc ấm chuẩn phải hình quả sung, màu đỏ da chu, bóng không một chút gợn. Ấm hình quả sung hay quả đào... cũng không được to quá, chỉ như nắm tay trẻ lên năm, đủ ba chén nhỏ. Vì to, nhiều nước thì mất hơi chè.
Thế nên “chè tam” là vậy, ba chén, ba người uống. Không như uống rượu (rượu tứ) bốn người “thù tạc” đủ vai. Hơn nữa uống chè ngồi ba, vì còn “một chỗ” là vị trí để bếp và ấm đun trà.
Cụ Nguyễn Trãi viết: “Say mùi đạo, chè ba chén” là vậy, vừa hết một ấm chè, và cũng vừa đủ. Uống nhiều thì không phải uống trà. Uống rượu thì hơi men bốc lên, có khi mặt đỏ phừng phừng. Càng say càng muốn uống. Uống trà thì hương trà chảy ngược vào trong, phải chậm rãi, nhẹ nhàng, tâm phải thanh, lòng phải tịnh. Uống từng chút một, không còn là uống nữa mà là “thưởng”, thưởng trà...!!!
Chè ba chén...!!! |
Quan trọng thứ hai là nước để pha trà. Không được là nước máy. Phải là nước mưa hoặc nước giếng khơi. Hoặc cho thuyền nhỏ ra giữa sông to múc về đủ dùng. Tuyệt nhất là bằng nước sương đọng trên lá sen. Tờ mờ sáng chèo thuyền thúng ra hồ để gạn từng giọt sương lóng lánh như những giọt thủy ngân đọng trên lá. Có người còn cho trà vào cánh hoa sen ướp từ tối hôm trước... Nước pha trà đun khi nào nổi tăm mắt cua là được không được để nổi tăm mắt cá…
Chất cổ điển trong văn Nguyễn Tuân là đủ cả cái “kỳ” và cái “xảo”. “Kỳ” là kỳ nhân (người lạ), kỳ vật (vật lạ), kỳ thú (thú chơi lạ)... “Xảo” là tinh tế, tinh xảo, công phu “Nghề chơi cũng lắm công phu”. Một nhân vật người ăn mày của Nguyễn Tuân hội đủ cái “kỳ” cái “xảo” này...
Có một người ăn mày “cổ quái” toàn vào xin những nhà đại gia và cố giáp được mặt chủ nhân rồi có xin gì mới xin. Lần ấy đến xin nhà phú hộ giữa lúc chủ nhà cùng một vài khách đang ngồi dùng trà sớm. Chủ nhân hỏi hắn xin cơm thừa hay canh cặn. Hắn gãi tai, lễ phép xin chủ nhân cho được uống trà.
Được phép, hắn xin muốn uống nguyên một ấm trà mới. Hắn giở cái bị ăn mày ra, cẩn thận lấy ra một cái ấm đất độc ẩm… Bỗng chốc, từ thân phận ăn mày, người đó như trở thành một tiên ông vượt ra khỏi không gian, thời gian thực tại để đến nơi tiên giới. Người ta mới thấy đây đích thực là người sành trà, ung dung, tự tại, thong dong, khuôn mặt trong sáng thánh thiên như tiên như Phật, không chút bợn trần...
Uống đến chén thứ nhì, bỗng hắn nheo mắt, chép môi đứng dậy, chắp tay và thưa: “bình trà của ngài lẫn mùi trấu ở trong”. Hắn đi, cả nhà giật mình kinh sợ vì, ở lọ trà có đến mươi mảnh trấu...
Lứa sau Nguyễn Tuân, nhà thơ Phùng Cung có mấy câu thơ để đời về trà: “Quất mãi nước sôi/ Trà đau nát bã/ Không đổi giọng Tân Cương”. Tả trà nhưng ý nghĩa thì vượt ra ngoài hình tượng. Có thể hiểu con người ta (nghệ sĩ) phải như thứ trà ngon từng trải qua cái xót xa đau đớn ở đời nhưng vẫn giữ được bản lĩnh (không đổi giọng) mới có thể đóng góp cái hương vị riêng của mình!?
Ngày nay khoa học dinh dưỡng cho biết trà xanh giúp sảng khoái, làm tăng sự tỉnh táo, giảm nguy cơ ung thư, giúp diệt khuẩn, cải thiện sức khỏe răng miệng... Người Nhật Bản xem trà là một thứ “đạo” (trà đạo) như là một nghệ thuật sống, một sinh hoạt văn hóa, một thú vui tao nhã, di dưỡng tinh thần, tu tâm dưỡng tính. Thậm chí còn coi như là một tôn giáo truyền dạy đạo lý răn dạy ý nghĩa ở đời và làm người!
Nguyễn Thanh TúXem thêm: /537636-gnohk-gnahn-gnal-iac-ab-taht-oC/naul-yL/nv.moc.dnac.acnv