- Nhạc sĩ Dương Cầm: Cánh cửa phát triển của âm nhạc Việt không quá hẹp...
- Nhạc sĩ Phạm Tuyên – Sự kỳ diệu của âm nhạc
- Nhạc sĩ Trương Quý Hải: Hát về đồng đội
Suốt đời là lính, từng cầm súng rồi cầm đàn, cầm bút, nên hầu hết tác phẩm của Văn An đều nói về người lính. Ông thấu hiểu sâu sắc tâm tư, tình cảm các thế hệ chiến sĩ, nên đến tác phẩm luôn dạt dào sức trẻ, vừa mạnh mẽ lại vừa uyển chuyển, điệu đà, giữa lý trí và cảm xúc rất hài hòa khiến người nghe nhanh chóng bị thuyết phục.
Ngôn ngữ âm nhạc của ông có phong cách riêng: Sang trọng nhưng không kiểu cách, không xa lạ, mà gần gũi với đại chúng. Ông không dựa hẳn vào những làn điệu dân ca để tạo nên giai điệu – ngoại trừ bài “Dòng Hương quê mình” – nhưng nghe những ca khúc của ông, ai cũng thấy rõ phong vị dân tộc đậm đà: Ngọt ngào, giàu cảm xúc, trữ tình. Có thể nói ông luôn sáng tạo được những giai điệu đẹp khiến người nghe và người hát đều rất thú vị.
Có những bài nếu nghe tên tưởng như tác giả khó thoát khỏi sự khô khan. Vậy mà Văn An vẫn tạo nên được giai điệu rất tình cảm, “ướt át”, ví như các bài “Lá cờ Đảng”; “Quân đội ta quân đội anh hùng”; “Ta ra trận hôm nay”; “Đường dây ai rải”… Ông còn là nhạc sỹ rất giỏi phổ thơ.
Trong những bài đã kể, rất nhiều bài được ra đời từ việc phổ thơ của người khác mà thành công, điển hình nhất là ở hai trường hợp: “Đôi dép Bác Hồ” (phổ thơ Tạ Hữu Yên); “Nhịp cầu nối những bờ vui” (phổ thơ Phan Văn Từ).
Cố nhạc sỹ Văn An. |
Tạo nên giá trị của một nghệ sỹ sáng tác, ngoài bút pháp, trình độ kỹ thuật, điều rất quan trọng là nghệ sỹ đó phải quan tâm đến những vấn đề lớn của đất nước, cùng đồng điệu với những tình cảm lớn của dân tộc về Tổ quốc, về chiến tranh, hòa bình, về vận mạng và tương lai của mỗi số phận gắn với cộng đồng, quốc gia.
Văn An là một trong những nhạc sỹ có được điều đó. Ngay cả một bài tình ca rất hay là “Nhịp cầu nối những bờ vui” được các chiến sỹ rất ưa thích, ông cùng tác giả thơ cũng viết rất sâu sắc: “Anh lại về đây sau ngàn ngày chiến đấu, ngồi trên cầu thổi sáo đón em” .
Đối với nghệ sỹ sáng tác Việt Nam, Đảng Cộng sản và lãnh tụ Hồ Chí Minh là hai đề tài cao cả, thiêng liêng, luôn thôi thúc trái tim nhưng không dễ có thể cho ra đời tác phẩm đủ sức thuyết phục người nghe, bởi lẽ tình cảm của muôn người đã quá sâu nặng với Đảng, với Bác nên luôn đòi hỏi rất cao. Văn An đã vượt qua được điều đó để viết nên những bài ca chất lượng được người nghe hưởng ứng. Mỗi đề tài nói trên, ông đã có hai bài nổi tiếng: “Tiếng hát từ trái tim”; “Lá cờ Đảng” (đề tài Đảng), “Đôi dép Bác Hồ”; “Đường về quê Bác” (đề tài Bác).
Ta hãy để ý cách vào bài của Văn An rất tự nhiên, giản dị, không một chút “lên gân”, ồn ào mà luôn nói đúng được tình cảm, ý nghĩ của muôn người: “Từ trái tim tôi cất lời ca. Đảng thân yêu hạnh phúc muôn nhà. 50 năm trên đường cách mạng, tuổi thanh xuân trẻ mãi không già” (“Tiếng hát từ trái tim”). “Đất nước 4 nghìn năm ôi tự hào biết mấy. Hạnh phúc trong tay ta đang nở hoa kết trái…” (“Lá cờ Đảng”); “Một khoảng trời xanh trong với làn mây trắng như bông. Trên đường về thăm quê Bác mà thấy biết bao xúc động trong lòng” (Đường về quê Bác). Chính vì những giá trị tư tưởng, nhân văn và thẩm mỹ trong các bài hát của mình mà ông đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước ngay từ đợt đầu tiên.
Chẳng những Văn An được công chúng, trong đó các chiến sỹ, rất yêu thích các tác phẩm âm nhạc mà còn trân quý tâm tính, phong cách sống của ông đối với mọi người. Ông luôn giản dị, chân tình, sẵn sàng đến với bất cứ đơn vị bộ đội hoặc cơ quan, đoàn thể nào có nhu cầu muốn ông sáng tác hoặc bồi dưỡng phong trào bằng bất cứ phương tiện gì, không bao giờ đòi hỏi sự đền đáp về vật chất.
Làm việc ở Đài Tiếng nói Việt Nam trong mấy chục năm liền, ông đã phát hiện, bồi dưỡng được rất nhiều giọng hát, cây bút sáng tác từ phong trào quần chúng trở thành chuyên nghiệp, nổi tiếng.
“Chiếc cầu là nơi hò hẹn của đôi ta” (Lời bài hát “Nhịp cầu nối những bờ vui” nổi tiếng của Văn An). |
Ở Văn An, giữa con người sáng tác, nghệ sỹ và con người của đời thường luôn là một, không giống nhiều trường hợp khác, khá cách biệt. Nếu giai điệu của ông vừa chải chuốt, mượt mà, lại vừa góc cạnh sâu sắc thì tính cách của ông cũng như vậy: nhẹ nhàng, tinh tế nhưng không kém phần thẳng thắn, khảng khái. Ông luôn chân tình và rộng lòng với mọi người nên có rất nhiều bạn bè.
Tại căn phòng làm việc của ông ở 58 phố Quán Sứ (Hà Nội), chỉ chừng 6m2 nhưng hầu như lúc nào cũng có người lui tới. Chẳng những họ gặp ông để trao đổi, đàm đạo về tác phẩm, công việc mà còn giãi bày cả những nỗi niềm riêng tư, những uẩn khúc trong tâm hồn để được ông chia sẻ, tư vấn. Ông như một cứu cánh tâm hồn của họ mỗi lúc gặp bế tắc trong đời sống tinh thần.
Chả là cứ ai gặp buồn phiền gì, nhất là trong chuyện yêu đương, vợ chồng, lại đến tâm sự để ông “gỡ rối”, mặc dù ông không phải là nhà tâm lý học. Có tính cả nể nên ông không nỡ từ chối bất cứ ai đến gặp mình, từ đám ca sỹ trẻ muốn được thu thanh đến các nhạc sỹ muốn được dùng tác phẩm.
Vậy nên có lần cần biên tập hay duyệt gấp một chương trình nào đó, ông đã nhờ tôi khóa cửa bên ngoài và dặn chừng một giờ sau quay lại mở để trong thời gian ấy, ông tập trung được vào công việc.
Nhưng thật hài hước, có lần tôi mục sở thị hai nhạc sỹ đến tìm Văn An, thấy cửa khóa, họ nói: “Rất có thể hắn ngồi ở trong mà nhờ người khóa cửa cũng nên, thử nhìn vào xem nào”. Nhận ra tiếng người quen, ông cất lời từ trong phòng: “Cứ chờ đấy!”, rồi ném chìa khóa qua cửa sổ ra ngoài để họ mở. Nhìn thấy nhau, ông nói luôn: “Bài vừa đưa tuần trước, đã giục. Tớ đang vắt chân lên cổ đây. Chơi mấy phút thôi đấy” - Ông nói thẳng. Vậy mà không ai có thể tự ái, giận, chỉ thấy ông thật đáng yêu. Văn An luôn ứng xử rất tâm lý.
Một lần tôi và ông cùng được một cơ sở mời về tham quan, sáng tác vài ngày. Đến tối, có mấy cô gái tìm đến thăm chúng tôi. Thấy vậy, ông chỉ ngồi tiếp họ vài phút rồi nói là cần đi dạo mấy phút. Nhưng phải tới gần khuya, lúc sắp đi ngủ, ông mới về, để lại trong phòng một mình tôi với các cô.
Lúc ông về, tôi nói với ông: “Anh đi đâu mà lâu vậy? Các cô cứ hỏi hoài”. Ông nói: “Mình muốn để cho cậu thoải mái thăng hoa, sáng tác sẽ hay. Có cái khoản ấy, cậu viết hay hơn hẳn. Tớ biết mà”. Tôi cũng chân thành: “Trời! Họ đến tìm anh vì anh có quá nhiều bài nổi tiếng, họ ưa thích. Các cô tò mò muốn biết mặt và tiếp xúc với tác giả”.
Ông tế nhị như vậy nhưng khi cần thì cũng rất thẳng thắn, sẵn sàng nói điều người nghe không dễ lọt tai. Một lần, lúc ấy khoảng năm 1979, 1980 gì đó, tôi đang ngồi chơi ở phòng làm việc của Văn An ở 58 phố Quán Sứ, Hà Nội. Một nhạc sỹ xuất hiện, để nói với Văn An chuẩn bị một cuộc hội thảo về âm nhạc, bàn chuyện làm sao để có những bài hát hay - nghĩa là một hội thảo về lý luận âm nhạc.
Vị nhạc sỹ kia muốn Văn An giới thiệu cho một vài người có khả năng viết lý luận hay để mời tham luận. Văn An chỉ vào tôi và nói luôn: “Đây. Tên này chứ còn ai nữa. Y là Nguyễn Đình San đang viết nhiều bài lý luận âm nhạc trên báo. Ông chịu trách nhiệm tổ chức mà không biết ai đang hoạt động lý luận thì làm sao được. Người ta chọn nhầm ông rồi”.
Lần khác, một ca sỹ không còn trẻ muốn ông thu thanh ca khúc họ tự sáng tác. Sau khi nghe, ông nói luôn: “Tốt nhất ông hãy cứ chuyên tâm vào ca hát, không nên sáng tác làm gì vì đó không phải là sở trường của ông. Làm ca sỹ giỏi dễ được công chúng biết đến hơn là nhạc sỹ đấy”.
Giờ đây, mỗi khi nhớ đếnVăn An, tôi lại hát “Nhip cầu nối những bờ vui” của ông. Và nhớ lại chính ông đã từng làm một nhịp cầu cho tôi nối lại một bến bờ mà khi ấy tưởng như đã phải rời xa.
Nguyễn Đình SanXem thêm: /637636-uac-pihn-tom-av-nA-naV/aoh-nav-ueil-uT/nv.moc.dnac.acnv