Chiều 20/4, TAND tỉnh Đắk Nông tiếp tục xét xử Trịnh Sướng và 38 đồng phạm về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả và tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung những vấn đề không thể bổ sung tại phiên tòa.
Cụ thể, điều tra, làm rõ khối lượng xăng giả mà các bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự, số tiền thu lợi bất chính của các bị cáo trong vụ án.
Tại phiên tòa vào sáng cùng ngày, luật sư bào chữa cho bị cáo Trịnh Sướng cho rằng, số lượng xăng giả mà viện kiểm sát cáo buộc đối với bị cáo Sướng hơn 137 triệu lít là không chính xác.
Theo vị luật sư này, cáo trạng xác định khối lượng thu giữ là 2.832.183 lít xăng A95 giả và 199.476 lít xăng E5 giả. Theo tỷ lệ pha xăng giả mà cáo trạng nêu (đối với A95 là 70% dung môi và 30% xăng thật, 80% dung môi và 20% xăng thật đối với E5), luật sư cho biết tính toán số xăng thật pha vào dung môi là 889.550 lít.
Từ đó, luật sư cho hay, tổng số lượng xăng giả mà bị cáo Sướng phải chịu trách nhiệm chính là số dung môi cộng với số xăng thật đã pha vào dung môi (134.568.193,6 lít dung môi và 889.550 lít xăng thật được pha trộn làm xăng giả), tức chỉ hơn 135 triệu lít xăng giả, chứ không phải hơn 137 triệu lít như cáo trạng đã cáo buộc.
Ngoài ra, luật sư bào chữa còn chỉ rõ, cáo trạng truy tố mức thu lợi bất chính của bị cáo Sướng là 800 đồng/lít xăng giả. Nhưng bị cáo Sướng khai, mức lợi nhuận 800 đồng/lít là xăng A95, 300 đồng/lít là xăng A92 và E5, nên mức thu lợi trung bình là 520 đồng/lít xăng giả. Vì vậy, có thể số tiền thu lợi bất chính của bị cáo Sướng sẽ nhỏ hơn so với truy tố.
Ngay sau phần phát biểu bào chữa của luật sư, HĐXX quay lại phần xét hỏi đối với các bị cáo liên quan công thức pha trộn xăng giả, tỷ lệ sản xuất, mức hưởng lợi ứng với từng loại xăng. Tuy nhiên, lời khai của các bị cáo có sự khác nhau.
Cụ thể, bị cáo Sướng khai, số lượng 137 triệu lít bao gồm xăng nền (xăng thật), các loại dung môi và hóa chất để sản xuất 2 loại xăng A95 và E5 RON 92; tỷ lệ pha chế xăng giả chủ yếu là 50/50 (tức 50% xăng nền, 50% các loại dung môi, hóa chất). Lời khai này khác với phiên tòa ngày 9/4, Sướng khai tỷ lệ 40% xăng nền và 60% là dung môi, hóa chất và khẳng định chất lượng xăng đạt 90%.
Bên cạnh đó, những người làm thuê cho Sướng cũng thay đổi lời khai so với thời điểm làm việc với cơ quan điều tra. Theo đó, Ngô Dương Anh Tuấn khai tỷ lệ pha chế là 60% xăng nền, 40% dung môi; còn Nguyễn Thành Trung lại khai không nhớ chính xác tỷ lệ pha chế vì có lúc thấp hơn, lúc cao hơn.
Theo cáo trạng, Trịnh Sướng đã tổ chức pha chế, sản xuất ra hơn 137 triệu lít xăng giả, tương đương với số lượng hàng thật trị giá hơn 2.400 tỉ đồng. Trong đó, Sướng đã bán ra thị trường hơn 133 triệu lít xăng giả, thu lợi bất chính với tổng số tiền hơn 102 tỷ đồng.
Theo hồ sơ vụ án, từ thông tin tố giác của quần chúng nhân dân, ngày 22/1/2019, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã bắt quả tang 2 nhóm đối tượng có hành vi bán dung môi công nghiệp cho các cửa hàng, đại lý bán lẻ xăng dầu tại tỉnh Đắk Nông pha trộn với xăng để bán ra thị trường. Mở rộng điều tra, cơ quan công an làm rõ các nhóm đối tượng đã sản xuất và tiêu thụ hơn 150 triệu lít xăng giả ra thị trường.
Trong đó, riêng Trịnh Sướng (sinh năm 1967, trú tại tỉnh Sóc Trăng) và thuộc cấp đã tổ chức sản xuất tổng cộng 137.123.654 lít xăng giả các loại, tương đương với số lượng hàng thật trị giá hơn 2.492 tỷ đồng. Với số xăng giả này, Trịnh Sướng đã bán ra thị trường hơn 133.401.197 lít thông qua hơn 360 cửa hàng xăng dầu, thu lợi trái pháp luật với tổng số tiền hơn 102 tỷ đồng.
Khánh Ngọc