vĐồng tin tức tài chính 365

Now và chuyện tẩy chay không của riêng ai: "Trả tôi tiền mồ hôi nước mắt”

2021-04-22 14:17
Tiêu dùng & Dư luận - Now và chuyện tẩy chay không của riêng ai: 'Trả tôi tiền mồ hôi nước mắt”

Tài xế Ele.me.

Ngày 12/4, Now đưa ra chính sách ghép đơn mới gây bức xúc cho tài xế và khách hàng. Nền tảng giao đồ ăn hàng đầu của Việt Nam trở thành tâm điểm chỉ trích trên mạng xã hội. Hàng loạt bài viết kêu gọi tẩy chay Now được đăng tải, ứng dụng cũng hứng chịu “cơn mưa” đánh giá 1 sao.

Sau cùng, Now đã có thông báo thay đổi về chính sách. Nhưng giới tài xế cho rằng cuộc đấu tranh quyền lợi giữa họ và Now vẫn chưa kết thúc.

Câu chuyện về các nền tảng giao đồ ăn bị chỉ trích là bóc lột sức lao động, chi phối cuộc sống tài xế, không đảm bảo quyền lợi cơ bản là điều không phải chỉ xảy ra với Now ở Việt Nam mà còn ở nhiều nơi trên thế giới, đặt biệt là Trung Quốc, thị trường giao đồ ăn trị giá 97 tỷ USD với hàng triệu tài xế phục vụ.

Chuyện không của riêng ai

Hồi tháng 1, một tài xế của Ele.me - nền tảng giao đồ ăn nổi tiếng Trung Quốc - đã tưới xăng tự thiêu ở thành phố Thai Châu nhằm phản đối việc không được nhận thu nhập. Ele.me đã không trả khoản tiền 5.000 nhân dân tệ (khoảng 15 triệu đồng), sau khi tài xế này nghỉ việc để chuyển sang một nền tảng khác.

Những người chứng kiến cảnh tượng bi thảm đã chạy đến ​​cố gắng dập tắt ngọn lửa. Trong cơn đau đớn, người đàn ông hét lên: “Tôi muốn nhận số tiền mồ hôi nước mắt của mình”.

Kể từ đó, đã có nhiều cuộc biểu tình phản đối các ứng dụng giao đồ ăn của Trung Quốc. Tháng trước, hàng chục tài xế Meituan, đối thủ của Ele.me đã xuống đường ở Thâm Quyến để phản đối chính sách mới khiến thu nhập của họ giảm sút, theo Rest Of World.

Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, số phận của các tài xế giao hàng đã trở thành câu hỏi không chỉ ở riêng một quốc gia. Trên toàn cầu, lĩnh vực giao đồ ăn đã bùng nổ mạnh mẽ. Tại Trung Quốc, chỉ riêng Meituan đã tuyển dụng 458.000 tài xế mới từ tháng 1 đến tháng 3/2020.

Sự mở rộng chưa từng có này đã mang lại lợi ích cho công ty nhưng cũng khiến cuộc sống của tài xế ngày càng khốn khó hơn. Tại Trung Quốc, đã có những phản ứng dữ dội của giới tài xế đối với lĩnh vực giao đồ ăn công nghệ.

Một cuộc điều tra năm ngoái của tạp chí Renwu đã tiết lộ những chi tiết gây sốc về lĩnh vực giao đồ ăn, bao gồm các thuật toán vận hành không thực tế, các quy định khiến tài xế dễ bị sa thải, cũng như tần suất bị thương và ảnh hưởng đến tính mạng.

Trước sự phẫn nộ của công chúng trên mạng xã hội, Meituan và Ele.me đã công bố các chính sách mới - họ sẽ cho các tài xế thêm 5 đến 10 phút để thực hiện giao hàng. Nhưng cả hai nền tảng đã thất bại trong việc giải quyết các vấn đề nội tại, như văn hóa làm việc độc hại, tối đa hóa sự cạnh tranh và việc sử dụng các thuật toán ngày càng phức tạp để theo dõi, giám sát và chi phối cuộc sống của nhân viên.

Gần như toàn bộ những người làm việc trong lĩnh vực giao đồ ăn trị giá 97 tỷ USD của Trung Quốc đều là đối tượng dễ bị tổn thương bởi điều kiện làm việc khắc nghiệt và các phương thức quản lý bóc lột.

Nguyên nhân là bởi ngành giao đồ ăn đang bị bó hẹp trong sự cạnh tranh giữa hai nền tảng: Meituan, được hậu thuẫn bởi gã khổng lồ công nghệ Tencent, kiểm soát 67% thị phần; Ele.me, thuộc sở hữu của đối thủ Alibaba, nắm giữ 31%.

Sau khi lấn át tất cả các đối thủ khác (bao gồm cả dịch vụ giao hàng của Baidu), hai công ty hiện tranh giành khách hàng bằng cách giảm giá mạnh và cắt giảm chi phí. Hướng đi này đôi khi trở thành đối đầu công khai.

Trong những năm đầu thành lập, Meituan thường xuyên săn nhân viên và phát động các chiến dịch bôi nhọ đối thủ.

Cám dỗ và máy móc

Tiêu dùng & Dư luận - Now và chuyện tẩy chay không của riêng ai: 'Trả tôi tiền mồ hôi nước mắt” (Hình 2).

Chỉ 1% nhân viên giao đồ ăn kiếm được thu nhập mơ ước 10.000 nhân dân tệ/tháng.

Cạnh tranh gay gắt không chỉ được đưa vào văn hóa của cả hai công ty mà còn được nhúng vào các thuật toán của mỗi nền tảng. Hệ thống “Super Brain” của Meituan và “Ark” của Ele.me dựa trên nguồn dữ liệu khổng lồ được thu thập từ người dùng, tài xế và quá trình giao hàng giữa đôi bên.

Jeffrey Ding, một nhà nghiên cứu AI (Trí tuệ nhân tạo) tại Viện Tương lai Nhân loại ở Oxford, giải thích: “Càng thu thập được nhiều dữ liệu, các thuật toán càng hiệu quả và chính xác hơn”.

Theo thời gian, các hệ thống này trở nên tốt hơn trong việc phân bổ nhiệm vụ, chỉ định tuyến đường và tối ưu hóa việc giao hàng. Đổi lại, hệ thống khuyến khích khách hàng đặt thêm đồ ăn mang đi, thúc đẩy nhân viên di chuyển nhanh hơn từng chút và cung cấp các nền tảng với nhiều thông tin hơn nữa. Chu kỳ này dần tăng tốc qua từng năm. Trong năm 2016, thời gian giao hàng tối đa được giới hạn ở mức 1 giờ; vào năm 2018, con số này đã giảm xuống còn 38 phút.

Để đẩy nhanh hơn nữa tốc độ phân phối, các nền tảng cũng phát triển một quy trình đánh giá sử dụng hệ thống điểm để thưởng cho những người lao động “hiệu quả” và trừng phạt những người làm việc “kém hiệu quả”.

Các tài xế Meituan cũng được xếp hạng từ cấp độ “Thường” đến “Vua”. Những tài xế không đạt chỉ tiêu, giao hàng không đúng giờ hoặc nhận được đánh giá không tốt sẽ bị phạt, mất điểm và phải bồi hoàn cho công ty.

Để theo kịp thời lượng giao hàng ngày càng hạn hẹp, tài xế thường phải tăng tốc, vượt đèn đỏ và đi ngược chiều với dòng xe cộ. Không ngạc nhiên khi kết quả đã phải trả giá bằng tính mạng. Trong nửa đầu năm 2017, cứ hai ngày rưỡi lại có một tài xế giao hàng chết ở Thượng Hải; vào năm 2018, trung bình mỗi ngày có một nhân viên giao hàng bị thương hoặc thiệt mạng ở Thành Đô.

Trái ngược với Mỹ, nơi tài xế được hứa hẹn về “sự tự do” và “sự linh hoạt”, nhân viên Trung Quốc hoàn toàn bị chi phối bởi “sự cạnh tranh” và “tăng tốc”.

“Ở Trung Quốc, công việc giao hàng không được quảng cáo như một công việc phụ chỉ làm trong vài giờ, mà là một cách để kiếm nhiều tiền nhanh chóng”, Ding giải thích. Nói cách khác, nếu đủ chăm chỉ, tài xế sẽ vươn lên cấp độ “Vua”. Nhưng chỉ trùng xuống một chút, họ sẽ trở về với vị trí bình thường.

Kiếm được 10.000 nhân dân tệ (hơn 30 triệu đồng) một tháng là mốc mục tiêu đầy cám dỗ và là cách công ty sử dụng để thu hút nguồn cung cấp lao động tiềm năng dường như vô tận.

Đây cũng là điều đã thu hút A Phi, người đã rời KFC để trở thành tài xế giao đồ ăn cho Meituan. Tài xế này khao khát đạt được mốc thu nhập trên - khi làm việc 9 tiếng mỗi ngày và nhận những đơn đường dài mà ít tài xế nào muốn.

Nhưng cuối cùng, sức lực của A Phi không thể theo kịp công việc, khiến thu nhập của anh giảm xuống, đôi khi chạm đáy ở mức dưới 7.000 nhân dân tệ (20 triệu đồng) một tháng. Trên thực tế, kỳ vọng ở mức thu nhập cao như vậy là không khả thi: chỉ 1% nhân viên giao hàng kiếm được 10.000 nhân dân tệ/tháng, trong khi hơn một nửa kiếm được ít hơn 5.000 nhân dân tệ/tháng (15 triệu đồng).

Ngành giao đồ ăn của Trung Quốc được thúc đẩy bởi một lực lượng lao động lớn với chi phí rẻ, gồm 6 triệu người, hầu hết là nam thanh niên chuyển từ nông thôn đến các thành phố phát triển nhanh của Trung Quốc, mang hy vọng xây dựng cuộc sống tốt hơn cho bản thân.

Hầu hết các nhân viên được thuê với tư cách là đối tác độc lập bán thời gian hoặc toàn thời gian, họ không có bảo hiểm hoặc được bồi thường cho các chấn thương liên quan đến công việc. Họ cũng không có quyền thương lượng, nêu ý kiến.

Nếu không được công ty đối đáp tử tế, họ thường tổ chức các cuộc đình công, tổ chức các mạng lưới hỗ trợ và chia sẻ thông tin lẫn nhau.

Các nền tảng giao đồ ăn công nghệ ở Trung Quốc bị chỉ trích khi để cho các hệ thống tự động chi phối cuộc sống của tài xế, đánh giá họ bằng thứ công cụ mang tính máy móc mà không có sự cảm tính cần thiết giữa người với người.

Theo Rest Of World, lĩnh vực giao đồ ăn là minh chứng nổi bật cho cái gọi là sức mạnh chưa được kiểm soát của công nghệ và một văn hóa làm việc độc hại, ưu tiên tốc độ và hiệu quả hơn tính người.

 

Xem thêm: lmth.780215a-a-coun-ioh-om-neit-iot-art-ia-gneir-auc-gnohk-yahc-yat-neyuhc-av-won/nv.nitaudiougn.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Now và chuyện tẩy chay không của riêng ai: "Trả tôi tiền mồ hôi nước mắt””0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools