vĐồng tin tức tài chính 365

Chọn lọc để thu hút hiệu quả dòng FDI chất lượng cao

2021-04-27 03:56

Chọn lọc để thu hút hiệu quả dòng FDI chất lượng cao

Vân Ly

(KTSG Online) – Qua 33 năm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và hiện trở thành điểm sáng trong khu vực về lĩnh vực này, Việt Nam xác định trong thời gian tới sẽ có sự chọn lọc để nhận dòng vốn chất lượng cao. Bên cạnh đó, còn nhiều việc phải hoàn thiện, giải quyết những hạn chế để việc thu hút vốn đạt hiệu quả mong muốn.

Đó là những thông tin được đại diện Chính phủ đưa ra tại Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển 2021 với chủ đề “Kết nối Địa phương – Doanh nghiệp, Nắm bắt cơ hội” do Bộ Ngoại giao và Vietnam Economic Times phối hợp tổ chức vào chiều 26-4.

Quang cảnh diễn đàn Nhịp cầu Phát triển 2021 với chủ đề “Kết nối Địa phương – Doanh nghiệp, Nắm bắt cơ hội”. Ảnh: Vân Ly

FDI đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế

Phát biểu tại sự kiện trên, ông Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, thu hút FDI được Đảng và Nhà nước xác định quan trọng trong phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam đã và đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thực hiện nhiều chính sách thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Nhờ đó, khu vực kinh tế có vốn FDI đã phát triển nhanh và đến nay thực sự trở thành một bộ phận quan trọng của kinh tế Việt Nam.

“Hiện nay, khu vực FDI đóng góp khoảng 20% GDP, trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp và khoảng 70% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tạo việc làm và thu nhập cho hàng triệu lao động. Nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới đang đầu tư lâu dài và gặt hái thành công ở Việt Nam. Ngay cả khi kinh tế thế giới và Việt Nam bị tác động rất tiêu cực của đại dịch Covid-19, thu hút FDI vẫn duy trì kết quả khả quan, phản ánh niềm tin của giới đầu tư quốc tế đối với Việt Nam như một điểm đến an toàn và hấp dẫn,” ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, Việt Nam đang bước sang một giai đoạn phát triển mới với mục tiêu, tầm nhìn phát triển đến năm 2030 trở thành nước thu nhập trung bình cao có công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để đạt được những mục tiêu này, đòi hỏi Việt Nam phải tăng trưởng nhanh và bền vững, liên tục với tốc độ 6,5-7%/năm trong 10-20 năm tới. Muốn vậy, một trong những điều kiện tiên quyết là phải huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực trong nước và quốc tế cho phát triển, trong đó vốn FDI tiếp tục đóng vai trò quan trọng.

Cũng phát biểu tại sự kiện, ông Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ cho hay, từ năm 1987, song hành cùng với quá trình đổi mới và mở cửa nền kinh tế, Luật đầu tư nước ngoài đã được ban hành. Trải qua 3 làn sóng đầu tư FDI, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đã hiện diện ở nhiều ngành, lĩnh vực quan trọng và đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước. Làn sóng thứ nhất trong những năm 1990-1992; làn sóng thứ hai vào những năm 2000 với Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Mỹ được ký kết và làn sóng thứ 3 với số lượng FDI thực sự bùng nổ sau khi Việt Nam gia nhập WTO năm 2006 và hội nhập sâu với khu vực và quốc tế.

“Tính đến tháng cuối năm 2020, trải qua 33 năm Việt Nam đã thu hút được 33.070 dự án FDI, vốn đăng ký hơn 384 tỉ đô la Mỹ; vốn thực hiện khoảng 231,86 tỉ đô la Mỹ, bằng 60,4% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực. Khu vực FDI chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp và tổng giá trị xuất khẩu của cả nước. Khu vực đầu tư nước ngoài đã trở thành một trong những động lực quan trọng thúc đấy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam với mức đóng góp vào GDP tăng đáng kể,” ông Minh nói.

Cũng nói về vai trò của FDI, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói: "Hiện nay đã có 136 nền kinh tế đầu tư vào Việt Nam với vốn đầu tư trên 400 tỉ đô la Mỹ. Trên 70% giá trị xuất khẩu của Việt Nam thuộc khu vực FDI, hàng triệu lao động có việc làm trong khu vực FDI. Những điều này ghi nhận đóng góp của FDI với kinh tế Việt Nam.”

Vẫn còn những tồn tại và hạn chế

Mặc dù đã đạt được những thành tựu quan trọng, nhưng khu vực đầu tư nước ngoài cũng còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhận xét, vai trò và đóng góp của khu vực kinh tế có vốn FDI rất đáng trân trọng. Song thực tế cho thấy việc thu hút, quản lý đầu tư FDI ở Việt Nam vẫn còn những hạn chế. Đó là, đầu tư FDI gắn với công nghệ cao còn ít; liên kết với các khu vực kinh tế trong nước thiếu chặt chẽ, hiệu ứng lan tỏa về năng suất và công nghệ còn hạn chế. Nhiều dự án FDI có hiệu quả thấp, thiếu bền vững, chưa tuân thủ nghiêm túc các chính sách, pháp luật về đầu tư, tài chính, lao động, công nghệ, môi trường... Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra nhiều vấn đề, thách thức đối với thu hút FDI, nhất là tác động của công nghệ trí tuệ nhân tạo, tự động hóa trình độ cao, sản xuất thông minh...

Còn Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục là mức độ kết nối, lan tỏa của khu vực đầu tư nước ngoài đến khu vực đầu tư trong nước còn thấp, thu hút và chuyển giao công nghệ từ khu vực đầu tư nước ngoài đến khu vực đầu tư trong nước còn chưa đạt được như kỳ vọng; thu hút đầu tư nước ngoài vào một số ngành, lĩnh vực ưu tiên và từ các tập đoàn đa quốc gia còn hạn chế; còn hiện tượng một số doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định pháp luật về đầu tư hoặc chưa nghiêm túc thực hiện quy định về bảo vệ môi trường; Hiệu quả sử dụng các nguồn lực và các nguồn tài nguyên của nhiều dự án đầu tư nước ngoài chưa thực sự hiệu quả và bền vững…

Những tồn tại, hạn chế nêu trên đã được nhận diện. Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt nhằm khắc phục các tồn tại này.

Vẫn theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 50-NQ/TW ngày 20-8-2019 về hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài. Theo đó việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian tới phải có chọn lọc hơn, hướng tới việc lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu.

Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh thu hút FDI ngày càng khốc liệt, hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư cả trong nước và nước ngoài còn gặp khó khăn do những tác động từ đại dịch Covid-19, chúng ta phải thích ứng, chủ động, sáng tạo và đón kịp dòng chảy của làn sóng FDI thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, đưa được dòng vốn chất lượng cao về Việt Nam.

Cũng nói về tồn tại, hạn chế của FDI, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam hiện chủ yếu là phân xưởng gia công, sử dụng lao động giản đơn; 67% vật tư máy móc nhập khẩu từ nước ngoài; giá trị gia tăng tạo ra chưa lớn, chưa cộng sinh với doanh nghiệp trong nước, sức lan tỏa về công nghệ, quản trị chưa cao. Vẫn còn một bộ phận doanh nghiệp FDI còn gây ô nhiễm môi trường, tận dụng ưu đãi chính quyền địa phương nhưng chưa đóng góp tương xứng; tình trạng mua bán sáp nhập nếu không kiểm soát tốt sẽ gây ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam.

“Chúng ta có cơ hội đón làn sóng đầu tư FDI thứ 4 gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, từ đó định hình tương lai của FDI. Nhiều tỉnh, thành phố không gian chật chội cần phải lựa chọn làn sóng thế hệ FDI cao hơn về chất lượng,” ông Lộc nói.

Chủ tịch VCCI cũng cho rằng, để thu hút đầu tư FDI, cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hơn về thủ tục, quy định hành chính, chất lượng cơ sơ hạ tẩng, đơn giản hoá thủ tục hành lập doanh nghiệp, thủ tục hải quan, về thuế, bảo hiểm xã hội... sự chuẩn bị chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng… cần phải tích cực.

“Địa phương nào cũng nói đến mời gọi đầu tư dự án chất lượng cao nhưng phải xem lại sự chuẩn bị của địa phương như chất lượng thể chế, cần xem xét lĩnh vực nào cần ưu tiên cho doanh nghiệp trong nước, lĩnh vực nào cần mời gọi doanh nghiệp nước ngoài,” ông Lộc nhấn mạnh.

Thêm nữa người đứng đầu VCCI còn cho rằng, nhiều lĩnh vực lao động Việt Nam có thể đạt được, nhưng lao động kỹ thuật trình độ cao vẫn nhập khẩu từ nước ngoài như Trung Quốc, nhưng thủ tục khó khăn cũng cản trở doanh nghiệp và đó là vấn đề cần giải quyết.

Giữ vững sự ổn định kèm với cải thiện chất lượng thể chế

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho hay, để thu hút thành công nguồn vốn FDI trong bối cảnh mới, Chính phủ sẽ tập trung giải quyết một số vấn đề sau: thứ nhất, quyết tâm giữ vững môi trường vĩ mô, chính trị xã hội ổn định. Đây chính là một lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động khó lường và đại dịch Covid-19 vẫn còn là “ẩn số” khó đoán định.

Thứ hai, tập trung cải thiện chất lượng thể chế, chính sách pháp luật theo hướng tăng cường tính minh bạch, lành mạnh, an toàn và hiệu quả, nâng cao năng lực quản trị Nhà nước và quản lý kinh tế vĩ mô nhằm thực hiện chủ trương hợp tác đầu tư nước ngoài có ưu tiên, chọn lọc gắn với mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ.

Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước liên doanh, liên kết, góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ mới, công nghiệp hỗ trợ... để tiếp thu thị trường, kênh phân phối, làm chủ công nghệ, quản lý và phát triển các sản phẩm quốc gia.

Đồng thời, hoàn thiện chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư trên nguyên tắc gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát để đảm bảo doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thực hiện đúng cam kết đầu tư, tuân thủ đúng tiêu chí, điều kiện hưởng ưu đãi.

Tạo cơ chế kết nối các hoạt động xúc tiến về đầu tư, thương mại, du lịch nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, hoàn thiện cơ chế phân công, phân cấp quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài giữa các cơ quan trung ương và địa phương.

Thứ ba, ưu tiên đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng, giúp tạo ra các kết nối thông minh, hiệu quả, giảm chi phí giao dịch, nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp, nhà đầu tư và nền kinh tế, nhất là tính minh bạch. Đặc biệt, Chính phủ khuyến khích tăng cường đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục và khoa học công nghệ, lấy nền tảng con người và năng lực khoa học công nghệ làm động lực của tăng trưởng trong những thập niên tới.

Thứ tư, song song với việc thu hút đầu tư, các địa phương sẽ tổ chức, hỗ trợ hiệu quả, kịp thời cho các nhà đầu tư triển khai xây dựng các dự án với tốc độ nhanh nhất, thời gian ngắn nhất, hiệu quả nhất thông qua cải cách môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính và đặc biệt là những thủ tục về đất đai và giải phóng mặt bằng. Để từ đó giảm chi phí đầu tư, chi phí cơ hội, củng cố niềm tin của các nhà đầu tư, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp trong nước lớn mạnh để liên kết tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị sản xuất, phân phối toàn cầu.

“Chính phủ Việt Nam hoan nghênh các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam làm ăn lâu dài, tôn trọng pháp luật và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của Việt Nam. Trong thời gian tới, khu vực FDI vẫn tiếp tục là một động lực quan trọng, góp phần hiện thực hóa khát vọng, phồn vinh của Việt Nam,” Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Xem thêm: lmth.-oac-gnoul-tahc-idf-gnod-auq-ueih-tuh-uht-ed-col-nohc/157513/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Chọn lọc để thu hút hiệu quả dòng FDI chất lượng cao”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools