Bữa ăn nhiều cơm bị "chê" là chưa lành mạnh, nhưng ít cơm, ít tinh bột cũng rất nguy hiểm cho sức khỏe - Ảnh: T.T
Trao đổi với báo chí bên lề họp báo do báo Sức Khỏe & Đời Sống tổ chức ngày 5-5 nhân ngày Sức khỏe tiêu hóa thế giới, PGS.TS Bùi Thị Nhung - trưởng khoa dinh dưỡng học đường và ngành nghề (Viện Dinh dưỡng quốc gia) - cho rằng những chế độ ăn "thời thượng" mà nhiều người học từ mạng xã hội và làm theo, thực ra không có cơ sở khoa học và có nguy cơ với sức khỏe.
Theo bà Nhung, gần đây người dân quan tâm nhiều đến cân nặng hơn và chú ý giảm cân bằng mọi cách như chế độ ăn giảm tinh bột (low carb), keto, eat clean, chế độ ăn Địa Trung Hải..., rất nhiều chế độ ăn khác nhau. Nhưng qua quan sát chung các chế độ ăn đó, đều thấy hướng đến giảm gluxit, tức là giảm tinh bột, giảm lượng carbonhydrate đến mức tối đa.
Thật ra, nếu giảm carbonhydrate đến mức dưới 40% tổng năng lượng khẩu phần mỗi ngày, tức là tiêu thụ dưới 130g carbonhydrate/ngày (100g gạo cho 75g carbonhydrate) sẽ tăng nguy cơ bệnh tật và tử vong. Gluxit rất quan trọng với sức khỏe, bao gồm cả điều hòa hệ vi khuẩn đường ruột và hoạt động của não bộ.
Nếu ăn giảm hoặc ngưng tinh bột sẽ choáng váng, mệt mỏi, lâu dần sẽ mất ngủ, mất cơ... Nếu ăn cách quãng hoặc nhịn ăn, hoặc ăn nghiêng về đạm nhiều và giảm tinh bột sẽ mất cân bằng chất đạm, chất đường, chất béo, làm tổn thương hệ vi khuẩn đường ruột, giảm sức đề kháng của cơ thể do kháng thể chủ yếu sinh ra từ đường ruột.
Ý nghĩa của từ "eat clean" bình thường là ăn sạch, thực phẩm tươi sạch, lành mạnh, tốt cho sức khỏe, nhưng nhiều chương trình eat clean mà chúng tôi thấy thì hướng dẫn chế độ ăn đặc biệt, chỉ ăn một số thực phẩm thay vì ăn đa dạng, vì thế đó vẫn là chế độ dinh dưỡng không cân bằng, cho dù người ta sử dụng dưới bất kỳ cái tên nào"
PGS.TS Bùi Thị Nhung
Chế độ ăn không cân bằng chắc chắn cũng không đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể, nguy cơ dẫn đến những tổn thương lâu dài. Những tổn thương này không đến ngay trước mắt, nhưng nguy cơ về sau này.
Việc giảm cân đột ngột, cắt giảm gluxit để tăng tiêu thụ chất béo, từ đó giảm cân vẫn là cách làm cưỡng ép. Các dấu hiệu như rụng tóc hoặc rối loạn nội tiết chỉ là bước đầu, về lâu dài có thể gặp những hệ quả phức tạp hơn.
"Chúng tôi từng có bệnh nhân ăn low carb kéo dài và bị rối loạn chuyển hóa lipit máu, trong khi trước đây hoàn toàn bình thường. Hoặc có bệnh nhân rối loạn chuyển hóa đường máu, hoặc có bệnh nhân cao tuổi bị rối loạn chức năng thận. Thế giới cũng đã có những nghiên cứu khi ăn quá nhiều chất đạm so với nhu cầu dẫn đến những hệ lụy không tốt cho sức khỏe" - bà Nhung dẫn chứng.
Nhật Bản là quốc gia khá nổi tiếng về chế độ dinh dưỡng, họ có 100 trường dạy về dinh dưỡng tiết chế và hàng trăm ngàn cử nhân dinh dưỡng tiết chế, tuổi thọ người Nhật cũng cao nhất thế giới, nhưng tất cả các chế độ ăn tại trường học, công sở đều là chế độ dinh dưỡng bình thường, các chế độ "đặc biệt" như kể trên đều không thấy trong các chương trình giảng dạy.
MC Diệp Chi, nhà văn Nguyễn Ngọc Thạch thường chọn lựa những thực phẩm sạch, tự mình nấu ăn để phòng ngừa thừa cholesterol cũng như tăng cường sức khỏe trong mùa dịch.
Xem thêm: mth.30503349150502202-iol-noh-ueihn-iah-es-tob-hnit-oag-ueihn-auq-maig-na-od-ehc/nv.ertiout