Bà Liên (người quấn áo mưa) được cứu sau 7 ngày bị tai nạn rơi xuống vực - Ảnh: Ban quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử
Tay chân của bà vẫn chằng chịt nhiều vết bầm tím, sưng đau, dấu vết thương tích của quá trình bị trượt ngã xuống vực ngày 27-4.
Quấn nilông giữ ấm, bới rác tìm nước
Bà Bích Liên chia sẻ bà nghĩ chỉ đi thời gian ngắn nên không báo người thân. Trưa 27-4, bà ghé quán cơm, mua vé cáp treo lên chùa Đồng. Lúc lên núi bà bám theo một đoàn người, nhưng sau khi lễ Phật, xuống núi, thời tiết xuất hiện sương mù, không khí loãng, lạnh buốt.
Đi khoảng vài chục mét, bà thấy mệt nên ngồi nghỉ tại một phiến đá ven đường, bên cạnh có lan can và biển cảnh báo nguy hiểm.
"Lúc đứng dậy định đi tiếp, tôi thấy chóng mặt, hoa mắt và trượt chân ngã, khi tỉnh dậy, tôi thấy người kẹt trong khe núi, đầu gối mắc vào rễ cây, chân mắc vào hốc đá" - bà Liên kể.
Lúc đó bà Liên mặc áo mưa và áo khoác dài, túi quần áo và điện thoại rớt xuống vực, toàn thân đau ê ẩm, không biết thời gian chiều tối hay sáng sớm, chỉ thấy trời vẫn sáng và nghe thấy có tiếng người cười nói ở phía trên, định đứng lên kêu cứu nhưng không được.
Thấy túi đồ lễ có gói cơm cháy và chai nước còn mắc trên cành cây trước mặt, bà Liên túm lấy cây dây leo, tay với túi đồ nhưng giẫm phải túi rác nên tiếp tục trượt chân lần hai. Lần này, bà rơi xuống sâu thêm, chân kẹt ở khe núi đầy rác. Bên dưới là vực thẳm, bà Liên thấy không biết sâu bao nhiêu nhưng "ném thử vỏ chai xuống dưới, mãi mới nghe thấy tiếng vang".
Bà Liên kể thêm lúc đó nghĩ rằng nếu càng cố leo lên sẽ càng nguy hiểm hơn nên bà đã cố gắng không để bị tụt thêm xuống vực nữa, tuy nhiên do sức nặng của cơ thể, bà tiếp tục bị rơi xuống sâu hơn.
Sau lần bị rơi thứ ba, bà ý thức được nếu rơi xuống tiếp có thể chết nên khi nhìn sang trái thấy có phiến đá phẳng, dài chừng 1,5m, bên cạnh là tảng đá dựng thẳng đứng, có thể chắn gió, bà đã cố bám vào mấy cây trúc, men sang.
Nhớ lại đêm đầu tiên kẹt trong khe núi, bà kể do gặp mưa to, bà đã tìm nhặt các túi nilông kết thành mảng lớn quấn quanh người, phủ lên đầu và chân để giữ nhiệt cho cơ thể, sau đó đan ngọn trúc thành mái che.
Do nơi trú ẩn có diện tích hẹp, bà chỉ có thể ngủ ngồi, thân nép vào phiến đá tránh mưa, lạnh. Hễ thấy tiếng người, bà lại kêu cứu nhưng tất cả đều vô vọng do lúc này có mưa to, gió lớn.
Tìm kế sinh tồn
Sau nhiều lần kêu cứu không thành, bà Liên xác định mình có thể bị mắc kẹt nhiều ngày nên chọn phương án cố sống. Bà chia nhỏ gói cơm cháy, mỗi bữa ăn một miếng nhỏ bằng 2 đốt ngón tay và nhấp ngụm nước đỡ khát.
Đến ngày thứ ba, bà bẻ cành trúc làm dụng cụ đào cây dương xỉ và lạc tiên mọc quanh phiến đá để ăn.
"Trước đây, tôi đọc thấy dương xỉ có thể làm thuốc, nghĩ cũng tốt nên lấy ăn. Khi ăn nó hơi đắng nhưng lại rất mát, nhiều nước", bà Liên cho hay, còn nhai lá cây dương xỉ, đắp lên các vết thương giúp giảm đau.
Về nước uống, chai nước mang theo nhờ tiết kiệm nên uống được 2 - 3 ngày, sau đó bà tìm được những chai nước dở bị du khách vứt xuống rồi dồn hết lại vào chai sạch để uống.
"Cách hôm được cứu vài hôm, tôi còn tìm được một chai nước muối từ năm 2019 vẫn còn khá nhiều và lúc đầu sợ, không dám uống nhưng sau khát quá, tôi uống thử thấy được nên uống tất", bà Liên nhớ lại.
Ngoài ra, bà cũng thử tìm bật lửa trong các túi rác và định nhặt lá rừng đốt làm tín hiệu cầu cứu "nhưng máy lửa tìm được chiếc thì bị hỏng, gỉ, chiếc hết gas". Những ngày tiếp theo, khi trời nắng dần lên, bà dùng chiếc kính lão tìm thấy phản chiếu ánh mặt trời vào lá trúc khô để tạo lửa với mục đích vừa sưởi ấm, vừa phát khói hiệu cầu cứu xung quanh, nhưng thời tiết ẩm ướt, lá cây chỉ bị sém mà không cháy được.
Đến ngày 2-5, trong lúc bới đống rác xung quanh, bà Liên tìm được một ấm pha trà cũ bằng inox do người dân vứt xuống và vội gõ mạnh phát ra âm thanh kêu cứu, nhưng vẫn không ai nghe thấy. "Đó là lúc tôi cảm giác thấy bất lực, tôi khóc nhiều" - bà Liên nói.
Đến sáng 3-5, mặt trời chưa lên, bà dọn dẹp xung quanh, tìm thêm củ lạc tiên rồi tiếp tục gõ ấm inox kêu cứu. Nghe tiếng người lao xao ở trên, bà hét lớn: "Tôi ở chỗ này, cứu tôi với, tôi bị rơi xuống vực". Thật may mắn, sau đó các thành viên Ban quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử đã nghe thấy, cứu sống bà sau 6 đêm 7 ngày bà gắng sống dưới vực.
Sau tai nạn rơi xuống vực, bà Liên giữ bình tĩnh và luôn tâm niệm phải sống - Ảnh: TH.CHUNG
Chưa bao giờ tuyệt vọng
Chia sẻ thêm về việc sinh tồn dưới vực sâu 7 ngày, bà Liên cho hay nhiều lần kêu cứu không được nên có lúc bà hơi hoảng loạn tinh thần nhưng sau đó, đều trấn tĩnh lại và luôn tâm niệm phải sống. Nếu không được cứu, bà sẽ bám trụ ở vực núi lâu dài, ăn cây rừng, bới rác kiếm nước uống, sống qua ngày.
"Nếu nhiều ngày chắc tôi thành "người rừng" hoặc sống được đến đâu thì sống" - bà mỉm cười nói và nhấn mạnh "trong 7 ngày sinh tồn giữa núi rừng, chưa bao giờ tôi tuyệt vọng hay có ý định buông xuôi".
Bà nói thêm bản thân có nhiều kiến thức sinh tồn nhờ từng sống qua thời chiến tranh và học qua tivi, sách báo. "Tôi có thể chết khô chết héo, nhưng luôn xác định sống được ngày nào hay ngày đấy và động lực chính là gia đình, mong muốn gặp lại người thân dù chỉ một lần trước khi chết. May mắn, sức khỏe vẫn ổn định, chỉ hơi khản cổ và đau họng do 2 ngày đầu kêu cứu nhiều", bà tâm sự.
Bà Liên chia sẻ: bản thân đồng ý kể chi tiết câu chuyện với hy vọng, hành trình bất đắc dĩ kéo dài 7 ngày của mình sẽ giúp mọi người, nếu chẳng may rơi vào hoàn cảnh tương tự, sẽ có ý thức để sống và kỹ năng để sinh tồn.
Bà Liên rất may mắn
Theo ông Dương Trọng Nghĩa, Bệnh viện Y học cổ truyền trung ương, có rất nhiều loại dương xỉ, trong đó có những loại ăn được và có loại không ăn được (trong các loại ăn được có loại dân gian gọi là "rau dớn", chồi và lá non được sử dụng để làm gỏi, xào), đã được dùng nhiều tại các tỉnh miền núi Việt Nam như một loại rau rừng hiếm và ngon.
Không biết chính xác loại dương xỉ bà Liên đã dùng là gì nhưng việc bà còn khỏe mạnh và được cứu cho thấy bà đã rất may mắn, chọn được loại dương xỉ ăn được mà không ăn phải lá, cây độc.
Ngoài ra bà Liên cho biết đã ăn "củ lạc tiên", theo BS Nghĩa, rừng có loài cây lạc tiên, là cây leo, có quả nhỏ khi chín có mùi thơm, vị ngọt, có tác dụng an thần, lá và ngọn lạc tiên cũng ăn được.
Về lượng nước cần sử dụng, nguyên tắc 1 ngày 1 người phải dùng 1,5 - 2 lít nước mới đảm bảo trao đổi chất, tối thiểu lượng sử dụng phải cân bằng với lượng nước đào thải qua đường nước tiểu và mồ hôi.
"Lá và ngọn cây lạc tiên cũng có thể cung cấp nước, bên cạnh đó việc tìm được nước để uống là rất quan trọng" - ông Nghĩa nói về kỹ năng sinh tồn của bà Nguyễn Thị Bích Liên, người may mắn được cứu sống. (HỒNG HÀ)
Nghe tiếng kêu, cứu được người
Sáng 3-5, khi cùng nhóm nhân viên của ban đi tuần tra tới khu vực cách chùa Đồng khoảng 50m về phía tây nam, ông Nguyễn Minh Thuận - nhân viên phòng quản lý di tích, Ban quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử (Quảng Ninh) - nghe loáng thoáng thấy tiếng kêu cứu, tiếng chai lọ khua, đập vào cây, vào đá...
Đến khu vực sâu được cắm biển báo nguy hiểm, có lắp hàng rào từ sau chùa Đồng dọc theo vách đá kéo dài đến quảng trường An Kỳ Sinh, tiếng kêu cứu nghe rõ hơn. Khi nghe rõ tiếng đáp trả và xác định được vị trí người bị nạn, ông Thuận cùng nhóm cứu hộ thả dây thừng xuống dưới vách đá.
3 người đàn ông khỏe mạnh, quen thuộc địa hình rừng núi thay phiên nhau người dìu, người kéo nạn nhân... Sau khoảng 40 phút, nhóm cứu hộ đưa được người phụ nữ từ vực sâu 30 - 40m lên khu vực an toàn.
Nhóm cứu hộ cho biết lúc tiếp cận, họ thấy người phụ nữ này mặc áo mưa quấn kín người, bên trong mặc áo phao dài đến đầu gối, nơi trú ẩn là phiến đá vững chắc, kín gió, khá an toàn.
Nạn nhân hoảng sợ, mệt lả, chân tay sây sát, bầm tím, người bốc mùi nhưng tinh thần tỉnh táo. Nạn nhân sau đó được xác định là bà Nguyễn Thị Bích Liên, nhà ở Mỹ Đình, Hà Nội.
Sống sót nhờ ý chí kiên cường và có kỹ năng sinh tồn
Ông Lê Tiến Dũng, trưởng Ban quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử, khẳng định câu chuyện bà Liên bị rơi xuống vực là có thật và việc bà sống sót qua 7 ngày dưới vực sâu trước khi được giải cứu cũng là thật 100%.
"Mặc dù rất hy hữu nhưng bà Liên đã rất may mắn và sống được nhờ ý chí kiên cường cùng kỹ năng sinh tồn quá tốt", ông Dũng nói.
TTO - 'Nếu không vì cứu người chúng tôi cũng chẳng dại gì mà xuống nơi nguy hiểm đó', nhân viên Ban quản lý Yên Tử kể về nơi bà Liên gặp nạn: vách núi thẳng đứng, hiểm trở, dù là đàn ông cũng không thể tự trèo xuống, mà phải dùng dây thừng.
Xem thêm: mth.48932019070502202-ioux-gnoub-gnohk-teyuq-uas-cuv-o/nv.ertiout