vĐồng tin tức tài chính 365

Tổn thất kinh tế lớn của Đông Âu từ xung đột Ukraine

2022-05-07 12:57

Khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, nhiều quốc gia Đông Âu phản ứng mạnh vì lo họ có thể là cái tên tiếp theo. Các chính phủ thúc giục EU tìm cách làm tê liệt kinh tế Nga, chấp nhận chi mạnh tay để viện trợ, gửi vũ khí đến Ukraine. Các nước Đông Âu cũng tiếp nhận hầu hết trong số 5,6 triệu người tị nạn từ Ukraine.

Tuy nhiên, những việc này đi kèm với một cái giá đắt đỏ. Những rạn nứt kinh tế đã bắt đầu xuất hiện.

Thương mại là nạn nhân đầu tiên. Nga là thị trường xuất khẩu lớn của một số nền kinh tế Đông Âu. Năm 2021, thương mại với Nga đóng góp 6% GDP Latvia và Lithuania; 1,5% GDP Ba Lan và Slovakia. Năm ngoái, Nga cũng tiêu thụ khoảng một phần mười hàng xuất khẩu phi EU từ Ba Lan và các nước Baltic.

Hầu hết các liên kết này có thể bị cắt đứt, nhưng các nước Đông Âu coi đó là cái giá xứng đáng. "Lợi ích chính trị quan trọng của Ba Lan là phương Tây không quay lại làm ăn với Nga", Piotr Arak, Người đứng đầu Viện Kinh tế Ba Lan (một tổ chức tư vấn của chính phủ ở Warsaw) cho biết.

Thương mại trực tiếp chỉ là một phần của câu chuyện. Các quốc gia phía Đông vốn gắn liền với chuỗi cung ứng phía Tây. Nền kinh tế của họ, đặc biệt là của Czech, Hungary và Slovakia, phụ thuộc vào xuất khẩu sang Đức. Vì vậy, việc ngành công nghiệp Đức chịu tác động, ví dụ bị Nga cắt khí đốt, sẽ gây tổn hại nặng nề cho các nhà cung cấp này.

Người tị nạn Ukraine đến Medyka, Ba Lan vào tháng 2/2022. Ảnh: Reuters

Người tị nạn Ukraine đến Medyka, Ba Lan vào tháng 2/2022. Ảnh: Reuters

Nhập khẩu năng lượng đang đặc biệt khó khăn. Slovakia và Hungary, hai nước nhập 96% và 58% lượng dầu từ Nga vào năm ngoái, nói rằng bất kỳ lệnh cấm vận dầu nào của EU cũng nên được thực hiện dần dần.

Các nước khác thì có sự chuẩn bị tốt hơn. Nhóm Baltic đã ngừng nhập khẩu khí đốt của Nga vào tháng 4 và hiện dựa vào khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) được nhập khẩu qua tàu.

Ba Lan thì đã cấm vận than Nga và từ chối thanh toán khí đốt bằng đồng ruble. Đáp lại, Gazprom dừng khí đến nước này và Bulgaria tuần trước. Tuy nhiên, Ba Lan cũng có kế hoạch nhập khẩu khí đốt thay thế thông qua hệ thống tiếp nhận LNG của riêng, cùng các đường ống dẫn mới kết nối mạng lưới khí đốt của Na Uy và Lithuania.

Thiếu năng lượng của Nga cũng đồng nghĩa giá sẽ cao hơn. Điều này sẽ khiến các nước phía Đông châu Âu - vốn nghèo hơn - gặp khó khăn. Lạm phát tháng 4 ở nhiều quốc gia đã đạt mức 2 con số. Ở một số nước, tiền nhiên liệu của người tiêu dùng được cố định theo luật, nên họ chưa chịu ảnh hưởng. Ví dụ ở Slovakia, giá khí đốt sẽ chỉ được cập nhật vào tháng 1 hàng năm.

Ở Ba Lan, lạm phát đã chạm 12,3% trong tháng 4. Đây là vấn đề đau đầu đối với đảng cầm quyền khi các cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào năm tới. Đối với đa số người Ba Lan, nhiệm vụ của chính phủ là ổn định giá cả. Vì vậy, để giảm nhẹ tác động, chính phủ đã giảm thuế giá trị gia tăng đối với thực phẩm, khí đốt, nhiên liệu và phân bón.

Các ngân hàng trung ương ở Đông Âu cũng sẽ phải hành động, đặc biệt là bằng cách tăng lãi suất. Nhưng điều đó sẽ gây ra những hệ quả khó chịu. Ở Ba Lan, nơi khoảng 90% các khoản cho vay hộ gia đình và doanh nghiệp là có lãi suất thả đổi, những người đi vay có thể chịu thêm rủi ro.

Nhiều ngân hàng đã thắt chặt đáng kể các tiêu chuẩn tín dụng. Adam Czerniak, Trưởng nhóm nghiên cứu tại công ty tư vấn Polityka Insight ở Warsaw, cho biết lạm phát kết hợp với giá nhà tăng cao và niềm tin kinh doanh giảm sút có thể tạo nên một "cơn bão hoàn hảo". Lãi suất cao hơn và nền kinh tế suy yếu đồng nghĩa nợ chính phủ sẽ trở nên đắt đỏ hơn, đặc biệt là ở các nước như Hungary - vốn đang gánh mức nợ cao.

Cùng với đó, chi tiêu cho người tị nạn sẽ tiếp tục kéo lạm phát lên. Tại Warsaw, giá thuê nhà đã tăng hơn 30% kể từ cuối tháng 2. Các vấn đề về dịch vụ công cũng tương tự. Người tị nạn khiến dân số Ba Lan tăng gần 8% kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine nổ ra. Điều đó gây áp lực lên hệ thống chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Tuy nhiên, nó sẽ được bù đắp một phần khi người tị nạn gia nhập lực lượng lao động địa phương.

Chi phí kinh tế của chiến sự đối với Đông Âu cũng rất lớn. Nhưng điều đó dường như không làm dịu đi quyết tâm của họ với Nga. Tác động kinh tế đến giờ vẫn được coi là có thể kiểm soát. Wojciech Kopczuk - chuyên gia tại Đại học Columbia cho biết kinh tế Ba Lan đã đứng vững suốt 3 thập kỷ và không bị suy thoái, cho đến khi Covid-19 xuất hiện.

Morten Hansen - chuyên gia tại Trường Kinh tế Stockholm ở Riga thì nhận định các nước Baltic đã phải trải qua thời kỳ tồi tệ hơn nhiều trong khủng hoảng tài chính 2007 - 2009. Vì thế, họ sẵn sàng chấp nhận những khó khăn kinh tế hiện tại.

Và nếu nhìn vào mặt tích cực, chiến sự cũng sẽ mang lại một số lợi ích kinh tế cho Đông Âu. Bulgaria đang đặt mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng của khu vực. Ba Lan đang thu được lợi nhuận từ quá trình tái thiết của Ukraine và sự hội nhập ngày càng tăng của nước này vào EU.

"Không quốc gia phương Tây nào có quan hệ liên chính phủ chặt chẽ với Ukraine như Ba Lan", Oktawian Zajac - chuyên gia tại Boston Consulting Group tại chi nhánh Warsaw nhận định, Ông lập luận rằng những mối quan hệ mà người di cư và người tị nạn Ukraine đang hình thành cũng sẽ mang lại lợi ích kinh tế.

Sona Muzikarova - kinh tế trưởng của Globsec, một tổ chức tư vấn ở Bratislava (Slovakia), cho rằng phản ứng của các quốc gia Trung và Đông Âu đối với khủng hoảng Ukraine "sẽ định hình khu vực này trong nhiều thập kỷ tới". Bất chấp thiệt hại kinh tế từ cuộc xung đột, Đông Âu đang cho thấy họ sẵn sàng đánh đổi để không nhượng bộ Nga.

Phiên An (theo The Economist)

Xem thêm: lmth.4740644-eniarku-tod-gnux-ut-ua-gnod-auc-nol-et-hnik-taht-not/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Tổn thất kinh tế lớn của Đông Âu từ xung đột Ukraine”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools