Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Sáng 8-5, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã tổ chức hội nghị trực tuyến về thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản tại các tỉnh thành Nam Bộ, nhằm tìm ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong phát triển sản xuất, tiêu thụ nông sản.
Mít, chuối, thanh long... đang khó
Trình bày tình hình tại hội nghị, ông Lê Thanh Hòa - phó cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) - cho hay rau củ quả xuất khẩu đang chiếm 10% trong sản lượng nông sản xuất khẩu, thị trường Trung Quốc là thị trường quan trọng, chiếm 51% thị phần rau củ quả xuất khẩu của Việt Nam.
"Tháng 3 - 4 tăng trưởng nhưng sản lượng xuất khẩu đều giảm 18% so với năm 2021 vì 2 tháng qua Trung Quốc đóng một số cửa khẩu. EU kiểm tra thanh long rốt ráo nên ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu thanh long, xoài vào châu Âu.
Với 8 loại quả truyền thống, trừ măng cụt đang thống nhất với Trung Quốc để xem xét hồ sơ đề nghị mở cửa nhanh thông quan, nhưng phía bạn phát hiện COVID-19 trên bao bì, yêu cầu truy xuất nguồn gốc, nhãn gốc bao bì…", ông Hòa cho biết.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hậu Giang thông tin hiện nay tỉnh có diện tích trồng mít 8.890ha, sản lượng ước 90.000 tấn. Giá mít xuống thấp còn 6.000 đồng/kg với mít loại 1, còn 4.000 đồng/kg với mít loại 2, trong khi giá thành sản xuất mít là 5.000 đồng/kg.
Tỉnh Vĩnh Long cũng là tỉnh tiêu thụ khó, ngoài mít còn khoai lang không tiêu thụ được, đang chuyển sang trồng cam.
Tỉnh Đồng Nai gặp khó trong xuất khẩu chuối. Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai cho biết: "Hiện có 60.000 ha cây ăn quả đang thu hoạch, chủ yếu là chuối, nhưng giá chỉ có 5.000 đồng/kg.
Các doanh nghiệp thu mua bằng đường biển nên chi phí tăng 3 lần so với đường bộ, mất 140 - 180 triệu đồng/container. Từ đó giá chuối giảm. Giá đầu tư cây chuối là 5.000 đồng/kg nên bù vừa đủ".
Tìm đường cho nông sản
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan dẫn lại câu chuyện của Thái Lan xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc gặp lệnh 248-249 (quy định do Trung Quốc ban hành tháng 4-2021 về quản lý thực phẩm xuất nhập khẩu).
"Mình phải học các ứng xử của Thái Lan, họ truyền thông đến người nông dân phòng chống COVID-19, tránh lây chéo lên bao bì sản phẩm. Họ ứng xử linh hoạt, không gửi hồ sơ nhiều lần mà vận động tuyên truyền ngay để không mất thời gian cho nhà vườn.
Chúng ta làm chính sách phải như doanh nghiệp đi bán hàng, bán tận tay và bằng mọi cách. Cán bộ ở sở có nắm được Zalo, Viber các nhà vườn không?
Ở trên triển khai nhanh lẹ, nhưng xuống tới địa phương, giao giám đốc sở và nằm luôn ở bàn giấy. Công sức ở trên làm nhanh nhưng dưới bị nghẽn. Hãy truyền chính sách như tiếp thị bán hàng" - ông Hoan đề nghị.
Ông nhấn mạnh không thể làm thay người nông dân, mà chỉ giúp nông dân trong bối cảnh khó khăn. Cố gắng tổ chức đưa bà con vào hội quán, câu lạc bộ, ngành, hợp tác xã. Làm kinh tế mà áng chừng thì rất khó.
Ngoài ra ông cũng nhấn mạnh lại những giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ nông sản, như điều phối vùng, định hướng cách truyền thông, xây dựng hiệp hội ngành hàng, kích hoạt diễn đàn hỗ trợ mua bán nông sản...
TTO - Hòa trong dòng đời tất bật lo dịch cúm, có những người đang lặng thầm "chịu trận" ở biên giới để dòng chảy thương mại không đứt, đưa nông sản đi tiêu thụ.