Cảnh sát Mỹ chỉ có thể bắt công dân trong ba trường hợp: bắt quả tang hành vi phạm tội; có căn cứ hợp lý để tin rằng người đó đã phạm tội; có lệnh bắt của tòa án.
Cảnh sát không thể bắt ai đó chỉ vì cảm thấy muốn hoặc có linh cảm rằng có thể là tội phạm. Các nhân viên cảnh sát thường phải có khả năng biện minh cho việc bắt giữ bằng cách đưa ra một số bằng chứng hữu hình cho thấy họ có căn cứ hợp lý. Điều này được quy định trong bản sửa đổi lần thứ tư của Hiến pháp Mỹ.
Căn cứ hợp lý được dựa trên bằng chứng thực tế, có thể được thu thập từ:
- Sự quan sát (thị giác, khứu giác, âm thanh): Điều này bao gồm bằng chứng quan sát được về tội phạm và cả mô hình hoạt động tội phạm quen thuộc, như khi cảnh sát nhìn thấy một chiếc ôtô chạy vòng quanh khu vực liên tục hoặc khi ai đó đang nhấp nháy đèn pha.
- Nhân chứng, nạn nhân và người cung cấp thông tin.
- Kiến thức chuyên môn, đào tạo và kinh nghiệm của cảnh sát. Ví dụ, cảnh sát có thể nhận ra các dấu hiệu của băng đảng, công cụ được sử dụng để phạm tội hoặc các chuyển động và cử chỉ cho thấy hoạt động tội phạm.
- Bằng chứng do đồng nghiệp hoặc các cơ quan khác thu thập.
- Bằng chứng gián tiếp chỉ ra hành vi phạm tội đã diễn ra, như cửa sổ bị vỡ.
- Các suy luận hợp lý có thể được rút ra từ các bằng chứng có sẵn.
Trong một số tình huống, cảnh sát có thể bắt giữ mà không cần lệnh nếu họ có căn cứ nghi ngờ một người đã phạm trọng tội, cho dù hành động đó có được thực hiện trước sự chứng kiến của cảnh sát hay không.
Đối với những tội ít nghiêm trọng hơn, cảnh sát có thể bắt bạn mà không cần lệnh nếu nhìn thấy bạn phạm tội và cần tìm ra bạn là ai, ngăn bạn phạm tội, không cho tiêu hủy bằng chứng hoặc đảm bảo bạn sẽ ra hầu tòa. Ví dụ, khi đang đi tuần tra, cảnh sát thấy một tài xế đâm vào người đi bộ rồi phóng đi thì có thể truy đuổi và tạm giữ anh ta.
Việc bắt giữ không có lệnh thường không có vấn đề nếu có căn cứ hợp lý, ngoại trừ trường hợp cảnh sát bắt giữ một nghi phạm vì tội nhẹ mà không chứng kiến.
Nhiều trường hợp khác cho phép cảnh sát thực hiện các cuộc bắt giữ không cần lệnh. Ví dụ, cảnh sát được phép bắt giữ nếu họ có căn cứ hợp lý để tin rằng một kẻ đã hành hung gây thương tích và cần bắt giữ để tránh gây thêm thương tích. Cảnh sát cũng được phép bắt giữ nếu đối tượng vi phạm các lệnh bảo vệ cũng như trong các trường hợp bạo lực gia đình.
Cảnh sát có thể bắt giữ không cần lệnh mà chỉ dựa trên lời của người khác. Trong thực tế, điều này xảy ra thường xuyên trong trường hợp bạo lực gia đình và các vụ tấn công bằng vũ khí chết người. Ví dụ, khi một cặp tình nhân tranh cãi, đánh nhau, bạn gái tức giận gọi cảnh sát và nói rằng đã bị thương khi giằng co. Dù có thể không có bằng chứng về thương tích như vết bầm tím, trầy xước, cảnh sát có thể bắt bạn trai nếu tin lời người phụ nữ.
Khi bắt giữ nghi phạm tại nơi ở riêng, cảnh sát nói chung cần phải có lệnh bắt. Tuy nhiên, việc bắt giữ tại nhà mà không có lệnh vẫn được phép trong một số trường hợp nhất định nếu tồn tại "tình huống cấp bách" khiến không kịp xin lệnh bắt.
Ví dụ, khi cảnh sát đang truy lùng gắt gao một nghi phạm bỏ trốn, hắn chạy vào một ngôi nhà hoặc căn hộ, cảnh sát sẽ không bị buộc phải dừng cuộc truy đuổi để xin lệnh bắt. Hay như khi cảnh sát tin rằng ai đó trong nhà đang gặp nguy hiểm và được phép vào nhà vì lý do này.
Khi cảnh sát thực hiện cuộc bắt giữ không có lệnh, thẩm phán không có cơ hội xác định trước xem liệu người này có căn cứ hợp lý để thực hiện hay không. Tuy nhiên, để một nghi phạm tiếp tục bị giam giữ sau khi bị bắt, cảnh sát phải nhanh chóng thuyết phục thẩm phán rằng họ có căn cứ hợp lý để bắt giữ.
Tuệ Anh (Theo Findlaw, Sfcriminallaw, Criminalattorney)
Xem thêm: lmth.1840644-hnel-nac-gnohk-iougn-uig-tab-coud-ym-tas-hnac-oan-ihk/ten.sserpxenv