Theo hãng tin AP, Hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ-ASEAN đã chính thức bắt đầu vào ngày 12-5 bằng việc Tổng thống Mỹ Joe Biden chiêu đãi các nhà lãnh đạo từ tám quốc gia ASEAN.
Hội nghị lần đầu tiên được tổ chức tại Washington dự kiến kéo dài hai ngày và được cho là nhằm tăng cường nỗ lực chứng minh rằng Mỹ “không lơ là khu vực Thái Bình Dương ngay cả khi đang tập trung vào chiến sự ở Ukraine."
Tại buổi họp, Nhà Trắng cho biết Mỹ cam kết tài trợ hơn 150 triệu USD cho các dự án mới nhằm tăng cường cơ sở hạ tầng khí hậu, hàng hải và y tế công cộng của Đông Nam Á. Một quan chức Mỹ cấp cao giấu tên cho biết nỗ lực này nhằm báo hiệu rằng Mỹ đang tìm cách “tăng cường chiến lược của mình ở Đông Nam Á”.
Ông Biden cùng lãnh đạo các nước ASEAN chụp hình tại Nhà Trắng ngày 12-5. Ảnh: THE NEW YORK TIMES |
Hội nghị thượng đỉnh diễn ra trước khi ông Biden có chuyến công du đến Nhật và Hàn Quốc vào tuần tới để hội đàm với các nhà lãnh đạo hai nước. Đây là chuyến công du châu Á đầu tiên của ông Biden trên cương vị tổng thống. Trong chuyến thăm, ông dự kiến sẽ có buổi hội đàm với các nhà lãnh đạo “Bộ tứ kim cương” (nhóm QUAD- liên minh giữa Mỹ, Úc, Ấn Độ và Nhật).
Chủ nhân Nhà Trắng đã cố gắng tập trung nhiều hơn vào liên minh quân sự này và cải thiện quan hệ với các quốc gia Thái Bình Dương trong thời gian đầu nhiệm kỳ khi ông coi Trung Quốc là đối thủ kinh tế và an ninh và là mối đe dọa lớn nhất đối với Mỹ.
Ông Biden, người cam kết biến Thái Bình Dương trở thành trọng tâm quan trọng trong chính sách của Washington, đã nhận thấy nỗ lực “xoay trục sang châu Á” của mình dần trở nên phức tạp trong bối cảnh châu Âu đang đối mặt với cuộc xung đột nghiêm trọng nhất kể từ Thế chiến thứ hai.
Ông Kurt Campbell - điều phối viên phụ trách các vấn đề Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ - cho biết rằng chính quyền ông Biden vẫn cam kết tăng cường liên lạc với các quốc gia Đông Nam Á để phát triển các sáng kiến về khí hậu, kinh tế và giáo dục.
“Dưới thời các chính quyền trước đây, Mỹ đã bắt đầu với sự quyết tâm cao độ trong việc tập trung vào khu vực Đông Á hoặc ADD-TBD và sau đó thấy rằng những thách thức cấp bách khác đã kéo Washington đi lệch hướng ban đầu. Tôi nghĩ rằng điều đó không thể xảy ra nữa” - ông Campbell cho biết.
Theo Nhà Trắng, 40 triệu USD trong khoản đầu tư này sẽ phục vụ các cơ sở hạ tầng năng lượng sạch trong khu vực, 60 triệu USD phục vụ cho các sáng kiến hàng hải mới và 6 triệu USD để đẩy nhanh tốc độ phát triển kỹ thuật số trong khu vực.
Nhà Trắng cũng thông báo rằng Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp của ĐH Johns Hopkins (Mỹ) sẽ thành lập một viện tư nhân giúp đào tạo kỹ năng lãnh đạo cho các quan chức đạo từ các quốc gia ASEAN.