Chiều 12/5, phiên xét xử 14 người trong vụ 838.100 hộp thuốc giả của VN Pharma bắt đầu phần xét hỏi. Cựu tổng giám đốc VN Pharma Nguyễn Minh Hùng cùng hai thuộc cấp Nguyễn Trí Nhật (cựu phó tổng giám đốc VN Pharma) và Phạm Anh Kiệt (thành viên HĐQT VN Pharma, cựu tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn) được cách ly để lấy lời khai độc lập với các nhân viên.
Mở đầu, bị cáo Võ Mạnh Cường, cựu giám đốc Công ty H&C, khai là cháu họ hàng xa của Nguyễn Lê Xuân Khang (hiện bỏ trốn) nên được đưa con dấu giả của Công ty dược Health 2000 Canada nhằm giúp Khang quan hệ, giao dịch với khách hàng trong nước. Khang do vi phạm hợp đồng bán thuốc độc quyền nên mất uy tín với đối tác.
Cường khai để giải quyết các vấn đề này, bạn làm ăn chung của Khang là Raymundo Y. Mararac, quốc tịch Philippines, Giám đốc Công ty dược Helix, sang Việt Nam thương lượng, nhằm duy trì thị trường.
Theo cáo trạng, Cường đưa Raymudo đi gặp dàn lãnh đạo của VN Pharma hai lần vào cuối tháng 10/2014 bàn về việc "duy trì thị trường". Raymundo cam kết sẽ sản xuất và bán cho VN Pharma thuốc với "cùng hoạt chất, công dụng và đặt tên thương mại giống như các thuốc do Health 2000 Canada mà Khang đã bán cho Công ty VN Pharma trước đó", tức "nhái" sản phẩm của Health 2000 Canada.
Song tại phiên xét xử, bị cáo Cường ít nhất 4 lần phủ nhận nội dung này, khai chỉ gặp nhau để "giải quyết hậu quả do Khang để lại", tức vi phạm hợp đồng bán thuốc độc quyền. Còn việc thoả thuận mua bán thuốc thế nào "do ông Ray quyết định, bị cáo chỉ đi theo chứng kiến".
Chủ toạ Đào Bá Sơn liên tục hỏi Cường "chắc chắn chỉ có nội dung đó không, có chắc không bàn luận việc làm thuốc giả không?". Cường không thay đổi lời khai.
Do đó, chủ toạ xét hỏi bị cáo Phan Cẩm Loan, cựu phó trưởng phòng xuất nhập khẩu của VN Pharma, người được xác định, có mặt trong cuộc họp. Trên bục khai báo, Loan liên tục tỏ ra mất bình tĩnh, khai lộn xộn khiến chủ toạ phải trấn an: "Bị cáo bình tĩnh, sự thật chỉ có một. Sự việc thế nào thì nói vậy".
Loan bật khóc, phân trần cuộc gặp diễn ra tại trụ sở VN Pharma, bị cáo trực tiếp xuống sảnh đón Raymundo và Cường. "Cường nói được tiếng Anh, nên phiên dịch cho ông Raymundo và các sếp. Với lúc đó đã muộn, bị cáo về sớm đón con nên không biết nội dung họp là gì. Sau đó, anh Cường gửi email nói đã bàn chuyện mua bán thuốc xong với sếp Hùng, nên từ đó bị cáo chỉ biết cấp trên chỉ đạo gì làm đó", Loan trình bày.
Để phục vụ quá trình mua thuốc giả của Raymundo, VKSND Tối cao cáo buộc Hùng chỉ đạo nhân viên VN Pharma làm giả 15 Hợp đồng mua bán và 26 Phụ lục giữa VN Pharma với Austin Hong Kong, một doanh nghiệp đã được Bộ Y tế Việt Nam cấp Giấy phép hoạt động từ năm 2002.
Thực tế, qua xác minh của cơ quan điều tra, Austin Hong Kong "không có văn phòng đại diện tại Việt Nam; không phát sinh quan hệ mua bán thuốc theo các hợp đồng trên với Công ty VN Pharma".
VKSND Tối cao quy kết VN Pharma lập các hợp đồng mua bán giả nhằm "sử dụng pháp nhân của Austin Hong Kong trong hợp thức thủ tục nhập khẩu, thông quan, thanh toán tiền mua thuốc".
Bị cáo Nguyễn Thị Quyết, một cựu nhân viên khác của VN Pharma, khai sau khi soạn thảo xong các hợp đồng khống, Quyết in ra giấy A4 trắng có sẵn hình dấu và chữ ký của Tổng giám đốc Austin Hong Kong. Các giấy này do Phạm Anh Kiệt, Tổng Giám đốc Công ty Dược Sài Gòn, cung cấp.
"Lúc hết giấy in sẵn thì hỏi có dùng được dấu scan không, cấp trên bảo là được, làm thế nào cũng được miễn là có dấu", bà Quyết khai. Bị cáo này cho rằng "nghĩ con dấu nào cũng giống nhau nên tiếp tục thực hiện việc in hợp đồng lên dấu khống suốt một năm, cho đến khi nghỉ việc.
Xác nhận lời khai này, bị cáo Loan cũng cho biết "anh Kiệt cầm dấu nhưng không phải lúc nào cũng có mặt ở cơ quan nên anh Kiệt in sẵn một loạt để cần thì dùng".
Trước lời tố của hai cựu thuộc cấp, bị cáo Kiệt phủ nhận, nói không có dấu, cũng không in dấu khống. Bị cáo này cũng là người nhờ luật sư kêu "oan" ngay từ phần thủ tục phiên toà.
Được đưa trở lại phòng xét xử sau thời gian cách ly, cựu chủ tịch VN Pharma Nguyễn Minh Hùng khai ngắn gọn, thừa nhận là "chủ mưu" lập các hợp đồng khống, nâng khống giá thuốc và chuyển tiền lòng vòng cho các công ty "sân sau" nhằm tạo các khoản thanh toán giả với Austin Hong Kong.
Bị cáo nêu hai động cơ nâng khống giá thuốc. Thứ nhất, do một số hoạt động của VN Pharma không có chứng từ nên nâng giá thuốc để "bù' và thứ hai là dùng tiền vào "các hoạt động cá nhân".
Đại diện VKS hỏi Hùng: "Người ốm đau bệnh tật, dùng đúng thuốc có khi còn chưa khỏi. Bị cáo lại nhập thuốc giả, biết bao nhiêu con người đã dùng, nếu trong đó có người nhà họ hàng bị cáo dùng, bị cáo nghĩ sao?".
Cựu chủ tịch VN Pharma nói đã "nhận ra sai phạm mong được nhận khoan hồng.
VKSND Tối cao cáo buộc, năm 2008-2010, Khang (Việt kiều quốc tịch Canada) bàn với Hùng làm giả hồ sơ các thuốc mang nhãn mác Health 2000 Canada để nhờ hai công ty đứng tên xin cấp số đăng ký.
Một số cán bộ Cục Quản lý Dược vì "thiếu trách nhiệm hoặc có động cơ cá nhân" đã làm trái công vụ trong quá trình thẩm định, xét duyệt. Vì thế, 7 loại thuốc giả (Extrafovir; Kaderox-250; Kafotax-1000; MGP Axinex-1000, MGP Mosinase-625, H2K Levofloxacin và H2K Ciprofloxacin) mang nhãn mác Health 2000 Canada được cấp số đăng ký.
Từ đây, một số lượng lớn tân dược được buôn bán, nhập khẩu bằng nhiều hợp đồng và phụ lục, chứng từ giả.
Tại vụ án này, tổng lượng thuốc nhập 838.100 hộp, trị giá hơn 1,2 triệu USD, tương đương 26 tỷ đồng, được nâng khống thành hơn 2,5 triệu USD, tương đương 54 tỷ đồng. Số thuốc giả đã được VN Pharma bán cho các doanh nghiệp, bệnh viện, nhà thuốc hơn 600.000 hộp, thu lợi bất chính hơn 31,5 tỷ đồng, nhà chức trách cáo buộc.
Ông Trương Quốc Cường, khi đó là Cục trưởng Quản lý Dược, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng thẩm định, bị cáo buộc thực hiện không đúng, không đầy đủ trách nhiệm được giao. Ông thiếu giám sát dẫn đến hậu quả 6/7 loại thuốc giả nhãn mác Health 2000 được nhập khẩu và tiêu thụ, với trị giá hơn 148 tỷ đồng, cáo trạng nêu.
Khang được xác định trực tiếp thỏa thuận mua bán 6 thuốc giả qua 36 hợp đồng, tổng gần 1,6 triệu hộp, trị giá 4,6 triệu USD (tương đương 94,6 tỷ đồng). Song hiện Khang bỏ trốn, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục xử lý khi bắt được.
Đối với Raymundo Y.Mararac, tài liệu điều tra cho thấy năm 2009-2012, người này 13 lần nhập cảnh Việt Nam. Cơ quan điều tra đã thực hiện tương trợ tư pháp nhưng chưa có kết quả trả lời nên chưa đủ căn cứ xử lý.
ÔngTrương Quốc Cường (cựu Thứ trưởng Y tế) cùng Lê Đình Thanh(cựu cán bộ hải quan TP HCM) và Nguyễn Việt Hùng (cựu cục phó Quản lý Dược) bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng,theo khoản 2, điều 285, Bộ luật Hình sự năm 1999.
Nguyễn Thị Thu Thủy (cựu phó phòng thuộc Cục Quản lý Dược) và Phạm Hồng Châu (cựu trưởng Phòng đăng ký thuốc) bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ,theo khoản 2, Điều 281, Bộ luật Hình sự năm 1999.
Nguyễn Minh Hùng (cựu chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần VN Pharma), Võ Mạnh Cường (cựu giám đốc công ty H&C) cùng Nguyễn Trí Nhật (cựu phó tổng giám đốc VN Pharma), Ngô Anh Quốc (cựu phó tổng giám đốc VN Pharma), Phan Cẩm Loan (cựu phó trưởng phòng xuất nhập khẩu VN Pharma), Lê Thị Vũ Phương (cựu kế toán trưởng VN Pharma), Phạm Anh Kiệt (cựu tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn), Phạm Quỳnh Trang (cựu nhân viên công ty H&C), Nguyễn Thị Quyết (cựu nhân viên VN Pharma) bị truy tố về tội Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, theo điều 157, Bộ luật Hình sự năm 1999.
Giai đoạn 1 của vụ án buôn bán thuốc giả xảy ra tại VN Pharma đã được xét xử tại TAND TP HCM. Cường bị phạt 20 năm tù, Hùng 17 năm; các bị cáo khác nhận mức án từ 3 năm tù treo đến 12 năm tù với cáo buộc buôn bán thuốc trị ung thư giả, H-Capita 500 mg.
Thanh Lam
Xem thêm: lmth.2922644-uahn-ohc-iol-od-amrahp-nv-neiv-nahn-av-pes/ten.sserpxenv