Đi bộ thể dục trên cầu Long Biên sáng 15/5, Nhật Minh, 27 tuổi, nhân viên văn phòng bất ngờ trông thấy những chiếc phao cứu sinh dọc thành cầu, hướng ra sông Hồng. Trên mỗi chiếc phao đều ghi dòng chữ "phao cứu người, không lấy".
"Mình rất tò mò và sau khi tìm hiểu được biết không riêng Long Biên, những cây cầu khác tại Hà Nội bắc qua sông Hồng như Thăng Long, Nhật Tân, Chương Dương, Vĩnh Tuy và Thanh Trì, cũng được trang bị phao cứu sinh, với hi vọng giúp đỡ các nạn nhân đuối nước", Nhật Minh nói.
Phao cứu sinh trên cầu Long Biên
Clip: Những chiếc phao cứu sinh xuất hiện trên các cây cầu ở Hà Nội
"Phao cứu người, không lấy"
Anh Nguyễn Ngọc Khánh, 35 tuổi, trưởng nhóm Câu lạc bộ (CLB) Bơi khám phá, cho biết hoạt động treo phao cứu sinh trên những cây cầu bắc qua sông Hồng ở Hà Nội là một phần nhỏ trong chương trình "Tình yêu sông Hồng" do anh khởi xướng hồi tháng 4.
Nhóm dự kiến treo hàng trăm phao cứu sinh trên các cây cầu chạy dọc sông Hồng ở 6 tỉnh, thành phố từ Lào Cai đến Thái Bình.
Tại Hà Nội, từ sáng 14/5, nhóm gồm 20 người, chủ yếu là phụ huynh của những em nhỏ trong các lớp dạy bơi miễn phí của anh Khánh, chia thành từng nhóm, đi từng cầu để treo phao cứu sinh. Các thành viên hoặc đi bộ hoặc đi xe máy, tùy theo kích thước từng cầu, làm việc từ sáng đến tối.
Để cố định phao, nhóm sử dụng dây thép rồi xoắn vào thành cầu, hướng phao ra ngoài sông Hồng.
"Chúng tôi đã treo tổng cộng 33 phao cứu sinh tại 6 cây cầu ở Hà Nội, trung bình mỗi cầu có 5-6 cái", anh Khánh nói.
Với dòng chữ "phao cứu người, không lấy", anh hi vọng nếu ai đó có ý định trộm phao, khi đọc được dòng chữ này, sẽ suy nghĩ lại. Mỗi chiếc phao giá trị không lớn, chỉ 100.000 đồng/cái, nhưng có thể sẽ cứu được một mạng người.
Dòng chữ "pháo cứu người, không lấy" được in trên mỗi chiếc phao cứu sinh
Trước đó, từ ngày 6 đến 8/5, CLB Bơi Khám phá đã treo phao cứu sinh và tổ chức các chương trình dạy bơi, kĩ năng làm quen sông nước, cứu hộ cứu nạn, tại 3 tỉnh Lào Cai, Yên Bái và Tuyên Quang, nhận được sự ủng hộ tích cực từ cộng đồng.
"Khi chúng tôi mang phao đến treo trên những cây cầu và tổ chức những lớp dạy bơi, người dân rất ngạc nhiên, nói rằng từ trước đến nay rất nhiều người tìm đến cái chết bằng cách nhảy cầu", anh Khánh nhớ lại.
Tại TP. Yên Bái, nhóm trải nghiệm bơi 3km giữa sông Hồng, từ cầu Yên Bái qua cầu Bách Lẫm. Khi họ lên bờ, người dân thốt lên "Không sợ à? Cầu này từng có 4-5 người tự tử", khiến anh Khánh giật mình.
Khi anh đi dọc cầu Yên Bái để treo phao cứu sinh, vô tình nhìn thấy một cuốn sổ được xếp ngay ngắn, bên cạnh là một chiếc dép. Khi mở ra đọc, nhóm biết được đó là một cuốn sổ nợ.
"Con người khi bị áp lực cuộc sống, đến bước đường cùng và không có ai để chia sẻ, thường tìm đến cái chết và lãng phí cả cuộc đời dài phía trước", anh Khánh nói đó là lý do, nhóm quyết định treo phao trên những cây cầu, có thể trong nhiều trường hợp là phương án cứu cánh cuối cùng để những người lầm lỡ có thể bấu víu, quay về với cuộc sống.
Nhóm treo phao cứu sinh trên cầu Nhật Tân và cầu Thăng Long (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Hà Văn Cương, 24 tuổi, sống tại Lào Cai, tham gia CLB Bơi khám phá cách đây 3-4 tháng, sau một lần tình cờ cùng người bạn đi bơi sông Hồng.
Cũng giống các thành viên khác, anh ủng hộ hoạt động treo phao cứu sinh trên cầu, hi vọng là phương tiện gián tiếp giúp những người đuối nước, những người muốn cứu nạn nhân đuối nước.
"Đặc biệt, thời gian này đã vào mùa mưa lũ, có nhiều người không may gặp nạn trên sông và có cả những người mất niềm tin vào cuộc sống, suy nghĩ dại dột", Cương nói.
Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo phường của quận Long Biên cho biết đã nắm bắt được hoạt động treo phao cứu sinh trên cầu Long Biên của một nhóm tình nguyện viên. Theo vị này, việc treo phao trên cầu liên quan mảng văn minh đô thị. Nếu đảm bảo an toàn, có người trực chốt khi có tình huống xấu, rồi thả phao cứu người, thì đó là hành động đẹp.
"Tuy nhiên, chúng tôi cũng cần kiểm tra và xác minh thêm", vị lãnh đạo nói.
Những chiếc phao cứu sinh trên cầu Chương Dương, được cố định bằng dây thép
Từ lần "chết hụt" đến sứ mệnh vì cộng đồng
Anh Nguyễn Ngọc Khánh thành lập CLB Bơi khám phá sau một lần "chết hụt" do đuối nước gần 4 năm trước. Nhớ lại, năm 2018, anh theo nhóm bơi đường dài đến một hồ thủy điện ở Thanh Hóa. Sau 15 phút xuống nước, trời bắt đầu tối, các thành viên do đã quen nên nhanh chóng bơi thẳng về đích, riêng anh bị chới với, buộc phải bỏ kính và bơi ngẩng đầu để định hình.
Sức bền giảm, cơ thể xuất hiện các cơn co rút, anh Khánh bắt đầu lo sợ, tự nhủ "đến 9 phần là bỏ mạng".
"Trong lúc tay chân loạng choạng, khua khoắng bừa, tôi phát hiện chiếc phao trắng của một người bơi trước nên đã vội vàng túm chặt, bơi vào bờ. Lúc ấy hồn vía mới quay lại, mặt nhợt nhạt, trắng bệch chẳng còn một giọt máu", anh Khánh kể.
Sau lần "chết hụt" đó, anh quyết tâm tập bơi chuyên nghiệp và bài bản để phòng thân. Năm 2019, anh tìm đến các huấn luyện viên có kinh nghiệm để trau dồi kỹ thuật, trình độ. Ban đầu anh chọn bơi ở sông, hồ với cự ly gần từ 10km rồi đến 20-30km.
Đầu năm 2020, anh Khánh thành lập CLB Bơi khám phá với mục đích "mang sông Hồng đến gần mọi người", thỏa mãn miền đam mê bơi lội với những người cùng sở thích. CLB thường tập luyện ở sông Hồng, hồ, biển... tổ chức nhiều cuộc bơi dài đến 40- 50km. Bên cạnh đó, các thành viên cũng đi giao lưu, kết nối với anh em cùng đam mê ở Vinh, Quy Nhơn, TP.HCM.
"Chúng tôi bơi qua những cây cầu, từ sáng đến đêm. Có những chuyến bơi từ 10h đêm đến 5h sáng hôm, cùng đón bình minh", anh kể.
Anh Nguyễn Ngọc Khánh, đội trưởng CLB Bơi khám phá (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Tháng 11/2020, anh Khánh nảy ra ý tưởng "khốc liệt", bơi 200km trên sông Hồng, xuất phát từ cầu Long Biên (Hà Nội) đích đến là cửa biển Ba Lạt (Thái Bình). Trong hành trình kéo dài 3 ngày, có 5 thành viên tham gia, nhưng chỉ có 2 người hoàn thành mục tiêu là anh Khánh và một người bạn khác.
"Tôi đã tổ chức những cuộc thi bơi phong trào mang tên 'Chiến binh sông Hồng', sắp tới đây sẽ diễn ra tại Hòa Bình vào tháng 6, quy tụ nhiều vận động viên đến từ nhiều quốc gia và cả Việt Nam", anh chia sẻ.
Tháng 4/2022, một đêm, anh Khánh suy nghĩ về sứ mệnh của CLB Bơi khám phá. Sau 3 năm hoạt động, hiện có hơn 4.000 thành viên, bên cạnh thỏa mãn đam mê bơi lội, anh mong muốn đóng góp cho cộng đồng thông qua những kiến thức thực tế.
Anh đăng một bức ảnh lên trang Facebook cá nhân, kêu gọi mọi người hành động vì cộng đồng thông qua chương trình "Tình yêu sông Hồng". Sau một đêm, 50 tình nguyện viên đăng ký tham gia. Chính sự hỗ trợ nhiệt tình này đã thôi thúc anh thực hiện chương trình.
Những chiếc phao cứu sinh trên cầu Vĩnh Tuy
"Tình yêu sông Hồng" dự kiến kéo dài 10 tuần, với các hoạt động: dạy bơi miễn phí cho trẻ em tại 6 tỉnh, thành dọc sông Hồng; phổ cập kiến thức đúng đắn về bơi lội; kĩ năng sơ cấp cứu; hiểu về cứu nạn đuối nước; treo phao cứu sinh trên cầu;…
"Mùa hè sắp đến, tôi rất buồn khi đọc những thông tin về trẻ em đuối nước. Chúng ta cần trang bị cho mình và người thân những kỹ năng cơ bản, đặc biệt là bơi. Các bạn trẻ và bố mẹ hãy đề cao tinh thần phòng chống đuối nước, định nghĩa đúng đắn về bơi lội để tránh những tình huống không may", anh Khánh nói.
https://kenh14.vn/33-chiec-phao-cuu-sinh-xuat-hien-tren-cac-cay-cau-o-ha-noi-va-cau-chuyen-y-nghia-dang-sau-2022051518094206.chnTheo Minh Nhân
Tổ Quốc