Một miếng đất ẵm 10 lần phí môi giới
Thị trường BĐS vẫn "hầm hập" ở một vài khu vực, trong khoảng thời gian ngắn, và đây cũng chính là mảnh đất kiếm tiền của môi giới BĐS. Trong số nhiều môi giới kiếm tiền trăm, thậm chí nửa tỉ trong vòng vài tháng có khá nhiều người chỉ bán qua lại 1 đến 2 mảnh đất.
Anh V, một môi giới BĐS lâu năm tại khu vực Đồng Nai từng tâm sự, nếu là NĐT thân thiết, gần như họ giao toàn bộ việc ra hàng cho môi giới, miễn chốt được mức chênh lệch kì vọng đưa ra. Theo đó, để ra hàng cho NĐT, môi giới thường tận dụng các mối quan hệ với các NĐT khác để vào mua, rồi lại tiếp tục ra hàng cho NĐT đó. Cứ như thế, có mảnh đất nếu 5-6 lần ra hàng cũng ngần ấy lần môi giới được phí hoa hồng.
"Có nhiều bạn sales lâu năm, có mối với nhiều nhà đầu tư và nguồn hàng, chỉ cần một mảnh đất là có thể kiếm phí môi giới từ 8-10 lần. Tiền phí hoa hồng lên đến hàng trăm triệu đồng. Đa số là NĐT mua rồi bán lại, quay nhiều vòng trong khoảng thời gian sốt nóng. Có những môi giới chỉ cần sống bằng một mảnh đất được NĐT sang tay nhiều lần, dĩ nhiên miếng đất đó phải có vị trí đẹp, tiềm năng", anh V cho hay.
Anh T, môi giới BĐS Nhơn Trạch (Đồng Nai) cũng gần như bán đất cho nhà đầu tư thân thiết, nên phí hoa hồng cũng lặp đi lặp lại trên 1-2 mảnh đất. Môi giới này từng chia sẻ, có những mảnh đất tiềm năng, rao bán cái là có người chốt ngay, và sau khi NĐT sau mua vào và bán chênh thì chính anh sẽ là người "nắm chủ", và bán ra sau đó. "Thực tế, khi đã có nguồn khách thân thiết, nguồn hàng chất lượng thì môi giới BĐS chỉ cần bán lòng vòng vài sản phẩm là có thể sống được rồi, tất nhiên, điều này chỉ thực hiện suôn sẻ trong bối cảnh thị trường giao dịch tốt hoặc sốt’, anh Q chia sẻ.
Ghi nhận cho thấy, phần lớn các giao dịch này đến từ các môi giới tự do, lâu năm, đã gầy dựng được các mối quan hệ với tệp khách hàng đông đúc. Thậm chí, tiền hoa hồng mà môi giới kiếm được trên tổng số lần giao dịch (trên một mảnh đất) cao hơn cả số tiền chênh lợi nhuận của nhà đầu tư, trong khi bản thân môi giới không cần bỏ vốn.
Từ thực tế này để thấy, thị trường BĐS vẫn xuất hiện hình thức đầu tư lướt sóng, giá BĐS qua tay mỗi NĐT đều "nhảy" lên một nấc. Từ đây cũng dễ nảy sinh những hệ luỵ liên quan quyền lợi đôi bên. Không loại trừ trường hợp, giá tăng như thế nào ở mỗi lần giao dịch phụ thuộc vào chính người môi giới đó. Có thể bản thân NĐT cũng không nắm chính xác được mức giá chênh đạt được, bởi không theo dõi được việc chốt giá giữa bên mua và môi giới BĐS.
Thực ra, việc giao dịch trên thị trường là "thuận mua, vừa bán". Việc Môi giới kiếm tiền nhiều lần trên một mảnh đất không có gì đáng trách. Tuy nhiên, cũng không ít trường hợp, nhà đầu tư và môi giới xảy ra xung đột về quyền lợi từ chính vấn đề này, khi môi giới báo giá chốt thấp hơn giá bán ra thực tế, khiến NĐT mất khoản tiền đáng ra là của mình. Dù trường hợp này không nhiều, nhất là trong bối cảnh NĐT tin tưởng môi giới (giao việc ra hàng), nhưng không đồng nghĩa với việc những xung đột quyền lợi không xảy ra trên thị trường.
Cần đội ngũ môi giới chuyên nghiệp, lành nghề
Chuyên nghiệp, minh bạch đội ngũ môi giới là nhiệm vụ mà nhiều ban, ngành đang nỗ lực để hoàn thiện. Mới đây, những quy định của Luật liên quan đến lĩnh vực môi giới BĐS cũng phần nào thể hiện sự quyết tâm này.
Theo các chuyên gia, thị trường rất cần đội ngũ môi giới BĐS chuyên nghiệp, lành nghề. Bởi Luật Kinh doanh BĐS quy định việc hành nghề môi giới BĐS phải tuân theo những quy định chặt chẽ. Trong đó, các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS phải thành lập doanh nghiệp và phải có ít nhất 2 người có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS.
Nếu cá nhân kinh doanh độc lập thì phải có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS, có đăng ký mã số thuế và nộp thuế theo quy định pháp luật. Hơn nữa, do BĐS là lĩnh vực rất rộng và liên quan đến nhiều quy định tại các bộ luật và các quy định từ các bộ, ngành khác nhau nên người hành nghề cần được thường xuyên cập nhật, bổ sung kịp thời để tránh rủi ro. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi Luật Kinh doanh BĐS cũng cần được thường xuyên hơn.
Có thực tế là mặc dù lực lượng môi giới BĐS đông đảo nhưng những người môi giới đất không chuyên lại chiếm đa số, lượng người có chứng chỉ, được đào tạo hiện có rất ít. Theo các chuyên gia, nâng cao chất lượng, hướng đến hoạt động chuyên nghiệp cho đội ngũ môi giới BĐS sẽ góp phần làm thị trường lành mạnh hơn.
Thị trường BĐS cần đội ngũ môi giới chuyên nghiệp, lành nghề. Ảnh minh hoạ
Mới đây, tại tọa đàm "Vai trò nhà môi giới bất động sản trong xu thế mới", ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, thực tế cũng có không ít cá nhân, tổ chức môi giới BĐS chưa am hiểu đầy đủ về pháp luật, thiếu kỹ năng nghề nghiệp nên vừa qua xảy ra một số tình trạng hoạt động không lành mạnh, gây "sốt ảo" trên thị trường. Xảy ra những tình trạng giới môi giới BĐS hoạt động không lành mạnh do thị trường thiếu thông tin về các dự án, quy hoạch… nên các nhà môi giới BĐS có cơ hội đưa những thông tin thất thiệt trục lợi trên thị trường, gây "sốt ảo" đẩy giá bán lên cao. Do đó, các nhà môi giới BĐS phải qua đào tạo, sát hạch để cấp chứng chỉ hành nghề. Tuy nhiên, hiện nhiều địa phương khó khăn trong việc tổ chức thi và cấp chứng chỉ hành nghề, do vậy, Hội Môi giới BĐS đang đề xuất và sẵn sàng đồng hành cùng địa phương tổ chức thi và cấp chứng chỉ hành nghề cho nhà môi giới BĐS hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả và đúng pháp luật hơn.
Theo các chuyên gia, nhà môi giới BĐS đóng vai trò rất quan trọng trong các giao dịch bất sản. Tuy nhiên, thời gian qua cũng có tình trạng tổ chức, cá nhân chưa am hiểu đầy đủ về pháp luật nên hoạt động không lành mạnh ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường BĐS. Hiện nay, nhu cầu giao dịch BĐS ngày càng phong phú và đa dạng của các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế - chính trị - xã hội và của các tầng lớp dân cư có thể đáp ứng được các giao dịch trên thị trường BĐS, thông qua các tổ chức trung gian môi giới về BĐS. Do vậy, dịch vụ môi giới cũng là một nghề cần được công khai hóa, coi ngành này như bao ngành nghề khác và tạo khuôn khổ pháp lý cho dịch vụ môi giới BĐS phát triển đúng hướng.
Theo ông Phạm Lâm, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, hiện nay ở khu vực phía Nam có khoảng 300 ngàn người tham gia vào hoạt động môi giới BĐS. Số lượng nhà môi giới tăng rất nhanh, nhưng có trường hợp chất lượng chưa đảm bảo nên xảy ra những hệ lụy không tốt. Hiện nay, việc thành lập một công ty môi giới BĐS và sàn giao dịch quá dễ nên dẫn đến những hệ lụy không tốt cho thị trường. Trước tình trạng ai cũng có thể làm môi giới BĐS, cơ quan quản lý nhà nước và hội môi giới BĐS cần có những tiêu chuẩn, điều kiện chặt chẽ hơn về thành lập công ty, sàn môi giới BĐS và hoạt động của những đơn vị này.
Còn theo bà Nguyễn Hương, Phó Chủ tịch Hiệp Hội Môi giới BĐS Việt Nam, hiện nay những quy định về xử lý, xử phạt trong hoạt động môi giới BĐS chưa đủ mạnh để điều chỉnh những hoạt động chưa đúng nên chế tài cần mạnh hơn. Theo bà Hương đã đến lúc nên có những quy chuẩn về ngành nghề môi giới BĐS cho cá nhân và tổ chức. Quy chuẩn đó, giúp nhận diện rõ điều kiện cần và đủ cho cá nhân và tổ chức tham gia hành nghề môi giới này. Qua đó, cũng cần có cách quản lý, giám sát và có những chế tài xử lý phù hợp để nghề này hoạt động chuyên nghiệp hơn.
https://cafef.vn/chuyen-la-co-that-mot-mieng-dat-moi-gioi-am-phi-toi-8-10-lan-20220518131537324.chnTheo Bảo Anh
Nhịp sống Kinh tế
Xem thêm: nhc.56813855181502202-nal-01-8-iot-ihp-ma-ioig-iom-tad-gneim-tom-taht-oc-al-neyuhc/nv.zibefac